Chống hạn, mặn ở ĐBSCL bằng cách nào?
VOV.VN - Cần hình thành các giải pháp mang tính mô hình trong phòng chống hạn mặn ở ĐBSCL có hiệu quả để nhân rộng trong thời gian tới.
Trước tình hình hạn, mặn bủa vây hầu khắp các tỉnh ĐBSCL, đến nay đã có 8 tỉnh, thành trong vùng công bố các cấp độ thiên tai để đối phó. Các giải pháp phòng chống hạn, mặn trong sản xuất đang được các cấp, các ngành và nhân dân trong vùng tích cực triển khai.
Tập trung vào hệ thống thủy lợi
Mô hình đầu tiên phải đặc biệt quan tâm là hệ thống thủy lợi cần được hình thành nhiều, với các cấp độ khác nhau và vận hành thường xuyên, khoa học sẽ giúp kiểm soát được hạn mặn một cách có hiệu quả. Có thể thấy hiệu quả rõ nhất là ở vùng Gò Công của tỉnh Tiền Giang bao gồm 3 huyện, thị xã là huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công.
Xác định đây là vùng cù lao bị hạn mặn đe dọa thường xuyên, nên từ nhiều năm qua, Trung ương và địa phương đã tập trung dồn sức thực hiện chương trình “ngọt hóa Gò Công” với số vốn hàng ngàn tỷ đồng, hình thành các cống đập, kênh nội đồng ngăn mặn trữ ngọt cho từng khu, cụm.
Người dân vùng "ngọt hóa" Gò Công (Tiền Giang) đắp kênh ngăn nước mặn (Ảnh: Nhật Trường) |
Ở các khu sản xuất tập trung, cánh đồng lớn, tỉnh hình thành các trạm bơm tập trung tại các kênh đầu nguồn, nông hộ được đầu tư để hình thành các điểm bơm chuyền trữ nước, cứu hạn cho lúa. Nhờ vậy đến nay, ở vùng này diện tích lúa có khả năng bị thiệt hại do hạn mặn khoảng 1.000ha, trong khi gần 29.000ha đã được bơm nước đầy đủ nên khả năng cho năng suất khá.
Tại tỉnh Hậu Giang, do năm ngoái nước mặn xâm nhập sâu vào thành phố Vị Thanh, gây khốn đốn cho đời sống của người dân, năm nay ngay từ khi bước vào mùa mưa, tỉnh đã đầu tư kinh phí hàng trăm tỷ đồng, chủ động hình thành các cống, đập ngăn mặn trữ ngọt; hình thành đê bao có cống bọng để điều tiết nước ở các vùng chuyên canh lớn tại huyện Long Mỹ, Vị Thủy.
Song song đó, các cấp, các ngành và người dân được tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật đo độ mặn thường xuyên trên các con sông để điều chỉnh lịch gieo cấy, lịch lấy nước, trữ nước. Hiện nay, khi thủy triều cao độ mặn tăng, các nông hộ được cảnh báo đóng cống ngăn lại, khi độ mặn giảm ở mức cho phép an toàn, mở cống để lấy nước ngọt hoặc bơm tưới.
Ngoài ra, tỉnh cũng liên hệ chặt chẽ với địa phương kế bên là Kiên Giang để điều chỉnh các kênh thủy lợi dọc sông Cái Bé, Cái Lớn. Nhờ vậy đến thời điểm này, nước mặn chưa xâm nhập được vào thành phố Vị Thanh như năm ngoái.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong vùng hạn mặn cũng được nhiều địa phương vận dụng đem lại thành công bước đầu. Điển hình như tỉnh Cà Mau, nhiều năm qua, ở các vùng khô hạn và mặn xâm nhập, tỉnh chủ trương không trồng 3 vụ lúa mà trồng 2 vụ lúa, một vụ màu. Cụ thể là ngay khi vụ lúa đông xuân kết thúc sớm, tỉnh cho xuống giống cây đậu xanh. Đây là giống màu chịu hạn, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch chỉ cần tưới 2 lần.
Ưu điểm nữa là đậu xanh trồng trên đất lúa chỉ xanh tốt khi nắng nhiều, gặp mưa lại thối rễ và chết, chưa kể việc tỉa hạt theo các kẽ nứt nẻ của ruộng lúa sẽ giúp cây màu này sinh trưởng nhanh và bền vững hơn cho năng suất từ 2- 3 tấn/ha. Hiện nay, với giá bán khoảng 30.000 đ/kg, người trồng đậu xanh luôn có lãi và làm ra tới đâu tiêu thụ hết đến đó.
Ở các vùng hạn mặn ở Tiền Giang, người dân chủ động chuyển một vụ lúa sang trồng các loại cây rau màu, cây ăn trái thích hợp trong đó có cây thanh long, cây đậu phộng. Ở một số nơi trong tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng do bị mặn thường xuyên, nông dân chỉ làm một vụ lúa, còn tranh thủ nước mặn để nuôi tôm, hay vùng khô hạn chuyển qua trồng cỏ, nuôi bò. Có nơi người dân bước đầu đã phun tưới theo hệ thống đường ống để tiết kiệm nước…
Rõ ràng, trước hiện tượng của El Nino và biến đổi khí hậu do thiên tai và cả nhân tai gây ra, dòng chảy của sông Mekong sẽ ngày càng cạn kiệt, trung tâm nông nghiệp của nước - vùng ĐBSCL sẽ phải đối diện thường xuyên, liên tục với hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng; mức độ ngày càng nghiêm trọng và khốc liệt hơn. Hạn hán lịch sử ở ĐBSCL: Có thể “tắm biển” ở TP Bến Tre
Do vậy, việc hình thành các giải pháp mang tính mô hình mà ở một số nơi địa phương trong vùng ĐBSCL đã thực hiện phát huy hiệu quả trong tình hình hạn mặn hiện nay rất cần được các cấp quản lý, các chuyên gia và người dân trong vùng nghiên cứu, tính toán áp dụng trong điều kiện cụ thể tại địa phương nông hộ mình và nhân rộng trong thời gian tới để thích ứng với hạn mặn, phát triển bền vững./.