Chủ đầu tư thuỷ điện chặn lối đi, người dân đi lại phải chui rào

VOV.VN - Mặc dù dự án thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo ở xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã vận hành khai thác từ năm 2019, song nhiều vấn đề liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trong đó, điển hình là việc tranh chấp con đường đi giữa thủy điện với người dân trong khu vực xảy ra kéo dài, gây mất an ninh trật tự.

 

 Mâu thuẫn này đã trở nên đỉnh điểm khi thủy điện phá bỏ thỏa thuận, kiên quyết rào chắn đường đi, đẩy người dân vào cảnh khốn đốn, trẻ em đi học buộc phải chui rào.

Gần 5 tháng qua, gia đình chị Hoàng Thị Lành, ở thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) rơi vào cảnh khốn khổ, mọi hoạt động sản xuất và đời sống gần như bị đảo lộn hoàn toàn khi con đường đi lại duy nhất của người dân bị thủy điện rào chắn.

“Rất khó khăn vì con em đi học thì phải chui hàng rào bởi không còn đường nào khác. Con đường trên kia thì không đi được rồi, mấy đứa nhỏ đi là té lên ngã xuống nên giờ chấp nhận chui hàng rào. Hiện mua phân bón cũng buộc phải xách từng kg qua. Mấy chục con heo đến hạn xuất chuồng vì đường không đi được nên thương lái vào xem rồi cũng bỏ về”- chị Lành nói.

Ông Nguyễn Đình Chiến (50 tuổi), ở thôn Păng Tiêng cho biết, đây là con đường dân sinh đã hình thành từ lâu, phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất của hơn 40 hộ dân trong khu vực. Trong quá trình dự án thủy điện thi công người dân vẫn đi lại trên con đường này. Việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (gọi tắt là Công ty Long Hội), chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo rào chắn đường đi, bố trí lực lượng canh giữ suốt cả ngày đêm để ngăn cấm mọi hoạt động đi lại, kể cả việc đi học của con trẻ khiến người dân vô cùng bức xúc.

“Rào đường như vậy khiến đời sống ảnh hưởng rất nhiều. Không sản xuất được nên vườn tược bỏ hoang, trẻ em, giáo viên đi học đi dạy không có đường đi, ốm đau không biết sống chết như thế nào. Đường này là đường của dân nhưng Công ty Long Hội cố tình chiếm đường và hiện ngăn sông cấm chợ khiến chúng tôi rất bức xúc, trong này có 40 hộ dân với 40-50ha đất sản xuất. Chính quyền hứa rất nhiều nhưng không có biện pháp cưỡng chế, để dân chúng tôi rất khổ”- ông Chiến cho biết.

Được biết, việc tranh chấp con đường đi giữa Công ty Long Hội và người dân xảy ra vào năm 2019, tức ngay khi thủy điện thi công xong và vận hành khai thác. Người dân đã nhiều lần có đơn kiến nghị yêu cầu UBND huyện Lạc Dương xử lý, nhưng không hiểu vì lý do gì vụ việc cứ tiếp tục kéo dài. Ngày 5/4 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo UBND huyện Lạc Dương khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan giải quyết đường đi cho dân, không để tình trạng học sinh chui rào đến trường. Tuy nhiên, sự việc vẫn dẫm chân tại chỗ, đường đi của dân vẫn bị bịt kín. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Thế, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, để giải quyết con đường đi cho người dân, huyện đã đầu tư gần 2 tỷ đồng mở một con đường khác. Bởi con đường này đã được thi công xong nên việc thủy điện chắn bít đường không cho dân đi lại qua đập thủy điện là đương nhiên.

 “Huyện đã thống nhất mở một con đường trên dốc Min để bà con đi vào, huyện bỏ ra gần 2 tỷ để làm con đường này. Sau khi con đường này được thông thì bên Công ty Long Hội người ta mới đóng chắn cổng này lại. Bây giờ đơn vị thi công đã làm xong con đường vào, chúng tôi cũng đã nghiệm thu con đường rồi thì phải dừng lại không được đi qua con đập này nữa. Và chúng ta phải thống nhất với nhau là đường vào khu sản xuất, do đó đường chỉ cấp phối đi lại để vận chuyển hàng hóa”- ông Thế cho biết.

Trái ngược với nhận định của ông Bùi Thế, thực tế cho thấy, con đường dốc Min có độ dốc rất cao, địa hình hiểm trở đầy bùn đất, không đảm bảo an toàn trong đi lại. Cho rằng chủ tịch UBND huyện Lạc Dương chưa công tâm và thiếu trách nhiệm trong xử lý vụ tranh chấp đường đi giữa người dân với Công ty Long Hội, tại buổi tiếp xúc cử tri với Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng vào ngày 1/7 vừa qua, đại diện cử tri trong khu vực đã phản ánh và có đơn yêu cầu tỉnh Lâm Đồng quan tâm xem xét. 

Giải trình với cử tri, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2019, chủ đầu tư đã thỏa thuận, đồng ý để người dân sử dụng con đường này. Do vậy, việc giải quyết tranh chấp con đường này cần phải xem xét trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho người dân.

“Nên thực hiện trước sau nhất nhất, không thể bất nhất. Trước năm 2019 chúng ta đã cùng với người dân đi con đường này, sau khi thực hiện dự án nếu không ảnh hưởng vấn đề an toàn đập thì bà con đi lại vẫn tiến hành bình thường. Huyện cần thực hiện việc rà soát tất cả để đảm bảo người dân vùng sản xuất với 40 hộ. Sở Công thương cũng cần xem xét lại để làm sao đảm bảo được quyền lợi của người dân. Doanh nghiệp khi thực hiện dự án trên địa bàn, trước khi phát điện chúng ta đã cam kết với dân, không thể sau khi chúng ta hoàn thành lại quay ngược lại như thế là sống không có trước có sau. Trẻ em đi qua dùng cửa chặn lại, để trẻ em đứng ngoài hàng rào trưa nắng như thế là không chấp nhận được. Cái đó là không được đạo lý, không được đạo đức”- lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Dự án thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo là công trình dự án rất tai tiếng khi từng để xảy ra sự cố sập hầm khiến 12 công nhân bị mắc kẹt vào năm 2014. Rất may, sau 82 giờ nỗ lực giải cứu toàn bộ công nhân đều được cứu thoát an toàn. Hiện ngoài tranh chấp với người dân về đường đi, công tác bồi thường, tái định canh định cư của dự án này vẫn còn đang tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc dư luận. PV sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hàng chục hộ dân ở Bắc Kạn vẫn ngóng hỗ trợ của thủy điện Pác Cáp
Hàng chục hộ dân ở Bắc Kạn vẫn ngóng hỗ trợ của thủy điện Pác Cáp

VOV.VN - Thủy điện Pác Cáp, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đi vào hoạt động từ năm 2021 nhưng đến nay hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng phát sinh vẫn chưa được chủ đầu tư đền bù, hỗ trợ.

Hàng chục hộ dân ở Bắc Kạn vẫn ngóng hỗ trợ của thủy điện Pác Cáp

Hàng chục hộ dân ở Bắc Kạn vẫn ngóng hỗ trợ của thủy điện Pác Cáp

VOV.VN - Thủy điện Pác Cáp, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đi vào hoạt động từ năm 2021 nhưng đến nay hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng phát sinh vẫn chưa được chủ đầu tư đền bù, hỗ trợ.

25 tấn cá nuôi tại hồ thuỷ điện Yaly chết bất thường, dân thiệt hại tiền tỷ
25 tấn cá nuôi tại hồ thuỷ điện Yaly chết bất thường, dân thiệt hại tiền tỷ

VOV.VN - Cá nuôi trong các lồng bè tại lòng hồ thủy điện Yaly ở xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, bị chết sạch sau mưa lớn, tổng thiệt hại ước khoảng 3,8 tỷ đồng.

25 tấn cá nuôi tại hồ thuỷ điện Yaly chết bất thường, dân thiệt hại tiền tỷ

25 tấn cá nuôi tại hồ thuỷ điện Yaly chết bất thường, dân thiệt hại tiền tỷ

VOV.VN - Cá nuôi trong các lồng bè tại lòng hồ thủy điện Yaly ở xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, bị chết sạch sau mưa lớn, tổng thiệt hại ước khoảng 3,8 tỷ đồng.