Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Cần nhìn nguyên nhân sạt lở do chính chúng ta gây ra

VOV.VN - Tỉnh Cà Mau chịu thiệt hại nặng nề bởi sạt lở nhiều năm qua. Tình hình sạt lở của vùng đất “cực Nam tổ quốc” vẫn rất nan giải, với 187 km bờ biển và hơn 400 km bờ sông đã đang bị sạt lở. Ước sạt lở đã gây thiệt hại cho tỉnh hơn 1.000 tỷ đồng.

Phóng viên VOV có cuộc trao đổi cùng ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau để hiểu hơn về thực trạng và các giải pháp địa phương đang thực hiện nhằm khắc phục tình trạng sạt lở diễn biến nặng nề.

PVXin ông cho biết, thực trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh đang diễn ra như thế nào? Gây khó khăn gì cho địa phương?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Tỉnh Cà Mau đã và đang chịu tổn thương nặng nề bởi sạt lở. Tình hình sạt lở trên địa bàn đang diễn ra từ ngoài bờ biển vào đến ven sông. Cà Mau có 254 km bờ biển thì có đến 187 km bị sạt lở. Giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở bờ biển đã làm mất khoảng 5.250 ha đất và rừng phòng hộ, tương đương diện tích một xã của tỉnh.

Bên cạnh đó, tình hình sạt lở bờ sông cũng rất nan giải, đầu mùa mưa đến nay đã có hơn 200 vụ sạt lở xảy ra; so với cùng kỳ các năm, đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Qua khảo sát, toàn tỉnh đang có tổng chiều dài các đoạn bờ sông, kênh rạch bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở khoảng 425 km trong tổng số hơn 8.100km toàn tỉnh. Những năm qua, sạt lở bờ sông đã làm thiệt hại gần 28km lộ giao thông; 303 căn nhà; có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực có diện tích hơn 3.700 ha bao gồm nhà cửa, tài sản của người dân và nhiều hạ tầng quan trọng khác. Tổng thiệt hại sạt lở đã gây ra cho tỉnh ước hơn 1.100 tỷ đồng.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự bất thường của thời tiết cực đoan và thiên tai ngày càng phức tạp, dự báo trong thời gian tới sạt lở có thể trầm trọng hơn, diễn biến khó lường nên quản lý rủi ro khó khăn hơn.  Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở không chỉ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ mà còn uy hiếp đến nhiều hạ tầng đã xây dựng bên trong. Khi hệ lụy đã đến, việc xây dựng công trình phòng chống sạt lở sẽ rất tốn kém và rất khó khăn trong việc khôi phục lại diện tích đất và rừng đã mất.

PVÔng đánh giá như thế nào về nguyên nhân dẫn đến tình hình sạt lở nan giải trên địa bàn?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển do các nguyên nhân chính sau: Địa chất, Địa hình - hình thái sông; Chế độ thủy lực; Chế độ phù sa bùn cát; Giao thông thủy và Xây dựng cơ sở hạ tầng; Lượng phù sa bồi lắng khu vực ven biển giảm mạnh; Nước biển dâng cùng với sụt lún đất nền... Tuy nhiên, việc xác định chính xác được nguyên nhân, nắm được quy luật gây ra sạt lở để khắc phục có hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài là rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, tính toán chính xác.

Ông Huỳnh Quốc Việt: “Tỉnh Cà Mau đã ưu tiên đầu tư những nơi cần thiết nhất, triển khai những biện pháp phù hợp nhất để giảm thiểu tác động, thiệt hại của sạt lở ở mức thấp nhất”.

Tôi cho rằng, để có thể đánh giá xu hướng sạt lở và các nguy cơ sạt lở trong tương lai ở Cà Mau nói riêng, ĐBSCL nói chung, cần phải nhận diện được những nguyên nhân cốt lõi gây ra sạt lở dưới lăng kính tiếp cận đa ngành. Bởi lẽ, sạt lở bờ biển và ven sông là hệ quả của nhiều tác động khác nhau, từ yếu tố địa chất - địa mạo, thủy văn, khí hậu, biến đổi khí hậu, mà cụ thể nhất là mực nước biển dâng và gia tăng biên độ nhiệt theo ngày đêm, cùng với các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đang tác động lên môi trường tự nhiên ở ĐBSCL, cho đến các yếu tố tác động từ con người.

 

PVCà Mau đã chịu thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng bởi sạt lở. Vậy thời gian qua, tỉnh có những giải pháp nào để phòng tránh, thích ứng, khắc phục, thưa ông?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Tình hình sạt lở ở Cà Mau xảy ra từ nhiều năm qua, địa phương đã tập trung nhiều giải pháp để ứng phó, khắc phục nên hạn chế được nhiều thiệt hại.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực sạt lở nâng cao nhận thức được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ngành chuyên môn sẽ xác định các vị trí đã và có nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương phối hợp triển khai đến người dân, nơi nào bị sạt lở, nguy cơ ảnh hưởng như thế nào? Từ đó, bà con chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản của mình; đối với những vị trí nguy cơ sạt lở cao, bắt buộc người dân phải di dời tài sản, nhà cửa đến nơi an toàn.

Đối với những vị trí đã và đang sạt lở, chúng tôi đánh giá mức độ tác động, nguy cơ tiếp tục gây thiệt hại và đưa ra những giải pháp, đầu tư phù hợp. Các vị trí sạt lở bờ sông, Cà Mau ưu tiên thực hiện xử lý, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt; kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ để ổn định đời sống người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo kịp thời phát hiện, xử lý các hộ xây dựng nhà ven sông, kênh rạch trái quy định. Còn với các công trình dọc theo các tuyến sông, lựa chọn phương án tuyến, phạm vi lấy đất đắp nền đường để hạn chế tối đa việc sạt lở, sụt lún trong quá trình khai thác, sử dụng.

Nếu không triển khai các giải pháp như đã nêu, hệ lụy sạt lở gây ra cho tỉnh Cà Mau sẽ là cực kỳ lớn, khó có thể tưởng tượng được. Chúng tôi xác định, không thể ngăn chặn sạt lở nhưng được sự hỗ trợ từ trung ương và với nguồn lực có hạn của địa phương, tỉnh đã ưu tiên những nơi cần thiết nhất, triển khai những biện pháp phù hợp nhất để giảm thiểu tác động, thiệt hại của sạt lở ở mức thấp nhất.

Về lâu dài, sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch dân cư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, ven biển; xây dựng giải pháp quản lý tổng hợp vùng bờ, xây dựng tiêu chuẩn hướng dẫn quản lý dải ven bờ; khôi phục bãi. Bên cạnh đó, xây dựng, củng cố, nâng cấp công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đến năm 2025 tập trung hoàn thành cơ bản việc xử lý tại các trọng điểm xung yếu về sạt lở.

PVÔng có thể chia sẻ cụ thể về mô hình phòng chống sạt lở bờ biển hiệu quả mà tỉnh Cà Mau đã thực hiện?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Từ năm 2009 đến nay, trong quá trình bảo vệ đê biển trong mùa mưa bão, Cà Mau đã thực hiện rất nhiều giải pháp kè như: Kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi, kè đá đổ, kè áp bờ… với tổng chiều dài khoảng 55 km, tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Qua đó, xử lý, khắc phục sạt lở hiệu quả ở những vị trí xung yếu nhất. Trong 5 năm qua, đê biển Cà Mau nhiều lần bị sóng biển uy hiếp nhưng không đoạn nào bị phá vỡ, vừa bảo vệ cho tính mạng và tài sản của nhân dân, vừa bảo vệ trên 10.000 ha diện tích sản xuất ven biển.

Trong các giải pháp trên, giải pháp kè chống sạt lở bằng cọc bê tông ly tâm kết hợp đá hộc có nhiều ưu điểm. Loại kè này vừa khắc phục sạt lở vừa giữ phù sa bồi đắp tạo bãi tái sinh cây mắm để khôi phục lại rừng phòng hộ bảo vệ rừng, bảo vệ đê biển, thích nghi với tình hình của biển đổi khí hậu, nước biển dâng. Giá thành đầu tư loại kè này cũng thấp hơn nhiều so với các loại kè biển cơ bản khác.

PV: Sạt lở đang diễn ra rộng khắp ở vùng ĐBSCL, ông có hiến kế gì để có thể góp phần khắc phục sạt lở chung của vùng?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Sạt lở bờ sông, bờ biển đang là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt của vùng ĐBSCL. Trong bối cảnh các nước ở phía thượng nguồn và trung lưu sông Mê Kông đã và đang đầu tư ngày càng nhiều các dự án thủy điện, xây dựng kênh dẫn nước thì lượng phù sa ít ỏi còn lại khi đến ĐBSCL chắc chắn sẽ không đủ để duy trì sự tồn tại của đường bờ biển hiện hữu. Khi đó, viễn cảnh về thu hẹp diện tích đồng bằng hay mất đi một phần Bán đảo Cà Mau có thể sẽ đến sớm hơn so với dự báo. Nhưng nguy cơ trước mắt chính là an ninh trật tự, sinh kế cho người dân từ vấn nạn sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra.

Thực trạng sạt lở vùng ĐBSCL xảy ra bởi sự cộng hưởng của nhiều nguyên nhân, cũng giống như những nguyên nhân dẫn đến Cà Mau bị sạt lở tôi đã phân tích ở trên. Việc tổng hợp các yếu tố nguy cơ từ những nguyên nhân gây sạt lở, rồi lập bản đồ sạt lở để xác định và cảnh báo khu vực tiềm năng, tôi cho là rất cần thiết để chúng ta nhận diện sớm những khu vực dễ tổn thương, có nguy cơ sạt lở cao. Tiếp đến, trong công tác quy hoạch các điểm dân cư ven sông, cần tính toán đến các yếu tố về tải trọng và khả năng chịu lực của nền địa chất tại chỗ để có giải pháp hạn chế phát sinh và thực hiện di dời nhà ở ven sông.

 

Ông Huỳnh Quốc Việt: “Đã đến lúc cần nhìn nhận những nguyên nhân bên trong – do chính chúng ta gây ra. Đó là, tình trạng thiếu quy hoạch bền vững trong khai thác tài nguyên, cụ thể là cát sông và nước ngầm, cùng với sự hạn chế trong quản lý suốt thời gian dài đã tạo ra những tác động địa chất cực đoan”.

Trong khi dư luận trong nước và quốc tế đang phản đối các dự án xây đập và chuyển dòng trên thượng nguồn sông Mê Kông, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận những nguyên nhân bên trong – do chính chúng ta gây ra. Đó là, tình trạng thiếu quy hoạch bền vững trong khai thác tài nguyên, cụ thể là cát sông và nước ngầm, cùng với sự hạn chế trong quản lý suốt thời gian dài đã tạo ra những tác động địa chất cực đoan (sụt lún nền đất, hình thành các hố sâu dưới đáy sông, thay đổi chế độ dòng chảy…) khiến tình hình sạt lở diễn biến phức tạp và ngày một nghiêm trọng hơn.

Vì vậy, trong khi thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ nguồn nước và lượng phù sa sông Mê Kông, ĐBSCL cần quy hoạch đô thị hóa và công nghiệp hóa phải theo hướng bền vững; gia tăng diện tích rừng che phủ để gia tăng lượng nước ngầm; hạn chế khai thác nước ngầm và hạn chế tối đa các hoạt động thăm dò, khai thác cát nhất là trên các sông Tiền và sông Hậu là rất cần thiết.

PV: Xin cảm ơn ông!.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên