Chuẩn bị các điều kiện để khởi công cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh
VOV.VN - Chiều 25/6, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về việc chuẩn bị các điều kiện để chuẩn bị khởi công dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh. Đây là dự án quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội và kết nối giao thông vùng ĐBSCL.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh có tổng chiều dài gần 27 km, nằm trên địa bàn 2 huyện là Tháp Mười và Cao Lãnh của tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành công tác bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho UBND huyện Tháp Mười và Cao lãnh; phối hợp với các địa phương tổ chức họp dân công bố chủ trương đầu tư dự án, phạm vi giải phóng mặt bằng.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tập trung chuẩn bị các điều kiện để khởi công Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, trong đó sớm thống nhất thời gian khởi công (phấn đấu sẽ khởi công năm 2024); phương án đền bù, giải phóng mặt bằng; xây dựng chi tiết về lộ trình, phương thức triển khai dự án.
Theo quyết định phê duyệt đầu tư Dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh có chiều dài gần 27km, với điểm đầu kết nối thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười và điểm cuối tại nút giao An Bình, thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Dự án được phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bề rộng mặt đường 16m. Giai đoạn hoàn chỉnh, quy mô mặt cắt ngang của cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh được nâng lên 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, bề rộng mặt đường 30,75m. Tuyến được thiết kế với tiêu chuẩn đường cao tốc có vận tốc thiết kế 100km/h.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là hơn 6.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc hơn 4.462 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn giám sát thi công; dự phòng phần vốn ODA.
Còn lại là vốn đối ứng dành cho dự án hơn 1.665 tỷ đồng, được sử dụng để thanh toán thuế giá trị gia tăng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước như chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư; chi phí tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật; thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác theo các quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.