Chuẩn phát thanh DRM- Một lựa chọn phù hợp với Việt Nam?
VOV.VN -Phát thanh số mặt đất là một xu thế tất yếu trên thế giới mà Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Cũng giống như truyền hình, việc chuyển đổi (hay phát triển thêm một loại hình) phát thanh số mặt đất là một xu thế tất yếu trên thế giới mà Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Ngày 16/02/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Theo đó đến năm 2020 “công nghệ số được áp dụng rộng rãi trong truyền dẫn, phát sóng phát thanh”.
Từ năm 1998 đến nay, đài Tiếng nói Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc hội thảo và đã thử nghiệm 3 trong 4 chuẩn cơ bản (được ITU công nhận) đó là: DRM, HD Radio và DAB+.Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một kết luận chính thức cho việc lựa chọn nói trên vì chưa có một chuẩn nào thể hiện được ưu thế tuyệt đối.
Sau hàng chục năm phát triển và hoàn thiện, đến nay các chuẩn nói trên đã có những bước tiến khá xa so với những giai đoạn trước đây. Ngày 10 tháng 3 năm 2015, một hội thảo về chuẩn phát thanh số mặt đất DRM/DRM+ đã diễn ra tại Trung tâm phát thanh Quốc gia do tổ chức DRM (Digital Radio Mondiale) đến từ Châu Âu thuyết trình và Demo đã cho thấy những nét mới và những đặc tính khá phù hợp của DRM so với điều kiện địa hình, kinh tế, chính trị và xã hội tại Việt Nam.
DRM là tiêu chuẩn Phát thanh số mặt đất mở, do Viện tiêu chuẩn truyền thông Châu Âu (ETSI) phát triển và đã được ITU công nhận.
So với các chuẩn phát thanh số khác, xét trong điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, DRM có nhiều đặc tính phù hợp, hiệu quả.
DRM sử dụng "Hướng dẫn chương trình điện tử" (EPG) để chọn chương trình cần nghe và tìm kiếm thông tin.
Với phát thanh truyền thống, muốn nghe đài, người nghe phải nhớ các tần số của các chương trình khác nhau, ở những địa bàn khác nhau. Ngay cả các chuyên gia kỹ thuật trong ngành cũng không thể nhớ nổi với vô vàn các tần số sóng ngắn (SW), sóng trung (MW), sóng FM; rồi sóng địa phương, sóng trung ương... đang "loạn xị" lên như hiện nay. Như vậy các thính giả, nhất là những người tham gia giao thông hoặc do nhu cầu công việc phải thường xuyên di chuyển trên nhiều địa bàn khác nhau muốn nghe đài lúc nào cũng phải "kè kè" mang theo một danh sách đầy đủ các chương trình phát sóng, các đài phát sóng ở từng địa bàn, tương ứng với nó là tần số bao nhiêu MHz, bao nhiêu KHz hoặc bao nhiêu "mét"....và các bước tiếp theo là phải "nghĩ" xem mình đang ở địa bàn nào; dò tìm trong danh sách để biết tần số tương ứng với chương trình cần nghe ở khu vực đó; rồi cặm cụi vặn vặn, xoay xoay...thì mới có thể nghe được.
Với phát thanh theo chuẩn DRM, người nghe chỉ việc tìm tên chương trình trên "Manu" của máy thu, nhấn "Enter" là máy thu sẽ tự động tìm đến đúng tần số tương ứng với chương trình đó, mà người nghe không cần phải biết mình đang ở đâu, tần số của chương trình đó là gì. Tính năng này vô cùng quan trọng vì trong thời kỳ mà các loại hình truyền thông đang "trăm hoa đua nở", đặc biệt là sự phát triển mạnh của các thiết bị cầm tay thì người nghe sẽ tự tìm đến một phương thức nghe nhìn nào thuận tiện nhất, dễ sử dụng nhất. Để nghe được một chương trình mà phải mất quá nhiều thời gian và thao tác thì cho dù yêu phát thanh đến mấy người nghe cùng không thể "ưu tiên" hơn so với các loại hình truyền thông khác đơn giản hơn, tiện lợi hơn.
DRM sử dụng trên tất cả các băng tần
DRM là chuẩn phát thanh số toàn cầu, được sử dụng trên tất cả các băng tần LW, MW, SW và các band I, II, III của dải tần VHF. Do vậy với một đất nước có 3/4 diện tích đất liền là đồi núi như nước ta thì có thể dùng DRM trên băng MW, SW để phủ sóng cho các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo, còn DRM+ trên băng FM để phủ cho các khu vực đồng bằng, thành phố. DRM sẽ là một thuận lợi cho những nước có địa hình phức tạp không phải sử dụng hai hay nhiều chuẩn mà chỉ cần dùng một chuẩn thống nhất để có thể phủ sóng toàn quốc. Việc sử dụng một chuẩn thống nhất sẽ thuận lợi hơn cho thính giả khi lựa chọn máy thu, thuận lợi cho sự phát triển thị trường máy thu và đặc biệt là làm giảm giá thành máy thu (giá thành máy thu đang là rào cản lớn nhất trong lộ trình số hóa phát thanh hiện nay).
Tận dụng cơ sở hạ tầng
DRM có thể tận dụng được cơ sở hạ tầng ở hai yếu tố: thứ nhất là sử dụng chính các băng tần SW, MW và băng FM đang sử dụng hiện nay, mà không cần phân bổ lại băng tần; thứ hai là có thể tận dụng được cơ sở vật chất đang có để bổ sung và nâng cấp thành các trạm phát sóng DRM. Theo khảo sát sơ bộ chúng ta đang có hàng chục máy phát AM Model DX200/công suất 200kW; DX500/công suất 500kW do hãng Harris sản xuất có đủ điều kiện để điều chỉnh, bổ sung và nâng cấp thành máy phát sóng DRM. Số lượng máy phát này đủ để phủ sóng phần lớn lãnh thổ Việt Nam được 1 chương trình Analog và 1 chương trình DRM (nếu phát ở chế độ Simulcast) hoặc 3 đến 4 chương trình DRM khi chuyển hoàn toàn sang Digital. Ngoài ra còn có rất nhiều các trạm phát FM tại khắp các vùng miền trong cả nước, nhưng số trạm đủ điều kiện để nâng cấp thành DRM+ thì không nhiều, chỉ chiếm khoảng dưới 10% trong tổng số máy phát FM đang khai thác, số còn lại thì có thể tận dụng được hệ thống Anten, Feeder, Combiner... (chiếm gần 1/2 giá trị của một trạm phát sóng) khi chuyển đổi.
Cũng như HD Radio, DRM có thể thực hiện chuyển đổi "mềm" từ phát thanh tương tự sang phát thanh số do có thể triển khai dưới dạng Simulcast trong giai đoạn chuyển tiếp, đến khi số lượng người có máy thu DRM tăng lên, sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang phát Digital. Tuy nhiên DRM lợi thế hơn HD Radio là không phải phân bổ lại các kênh tần số trong băng tần FM, vì băng thông của DRM là 96kHz trong khi băng thông của HD Radio theo tiêu chuẩn của Mỹ là 400kHz).
Cảnh báo thảm họa khẩn cấp (EWF)
Tính năng độc đáo của DRM là cảnh báo khẩn cấp trên tất cả các dải tần, nó rất hữu ích cho các cơ quan cảnh báo thảm họa, thiên tai của các nước có diện tích rộng lớn, địa hình đa dạng và hiểm trở như nước ta. Tính năng này cho phép các máy thu mỗi khi có tín hiệu cảnh báo phát từ trung tâm điều phối/cảnh báo Quốc gia hoặc khu vực sẽ tự động chuyển sang chế độ cảnh báo bằng âm thanh/lời thoại (với âm lượng lớn nhất) và ngôn ngữ nhấp nháy (DRM hỗ trợ đa ngôn ngữ) trên màn hình cho dù máy thu đang ở bất cứ trạng thái nào (đang tắt hay đang thu một chương trình khác). Đây là một tính năng cảnh báo từ xa mà các loại hình khác không thế thay thế vì một khu vực khi có thiên tai thì đồng nghĩa với việc mất điện trên diện rộng, do vậy truyền hình, internet, wifi, điện thoại cố định, điện thoại di động...cũng sẽ bị cắt theo.
Tính năng này đặc biệt cần thiết và hữu ích đối với ngư dân, đồng bào sinh sống trên các vùng biển đảo, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống rải rác ở khắp các vùng miền, rừng sâu, núi cao v.v...nơi mà không có bất cứ loại hình thông tin nào đến được khi xảy ra thiên tai, ngoài sóng phát thanh phủ ở tầm xa. Mặt khác nó còn có hiệu quả cả với những người khiếm thính, khiếm thị - một đối tượng mà các loại hình cảnh báo khác không có hiệu quả.
Hỗ trợ thông tin giao thông (TPEG/TMC)
DRM cho phép máy thu tự động điều chỉnh tần số để thu chương trình thính giả đã chọn khi di chuyển giữa các vùng phủ sóng, giúp cho người tham gia giao thông không phải vừa lái xe, vừa chuyển đổi tần số khi đi từ vùng phủ sóng này sang vùng phủ sóng khác như phát thanh truyền thống.
Ngoài ra, nó còn cho phép cập nhật thông tin giao thông để tối ưu hóa việc lựa chọn tuyến đường và kết hợp với hệ thống định vị trong xe để có lộ trình tối ưu nhất (ứng dụng cho phạm vi thành phố và khu vực).
Hỗ trợ đa phương tiện
Dịch vụ thông tin văn bản đầy đủ, tiên tiến với cấu trúc menu đơn giản cho các dịch vụ tương tác và dịch vụ thông tin theo yêu cầu trên máy thu như: tin tức thời tiết, thể thao, tỉ giá, chứng khoán, dịch vụ đào tạo từ xa,... Ngoài ra DRM còn cung cấp dịch vụ văn bản đa ngôn ngữ phát quảng bá miễn phí mà không cần Internet; Riêng với DRM+ còn tự động cập nhật hình ảnh tĩnh, hình ảnh động đơn giản trên màn hình; cho phép người nghe có thể "nhìn vào studio", xem bìa album nhạc, hình ảnh ca sĩ, hoặc hình ảnh minh họa kèm theo tin tức.
Một chức năng khác nữa là khả năng tương tác với "nhà đài" một cách dễ dàng bằng cách kích hoạt kênh phản hồi ngược với một phím nóng (Hot-Button) để thính giả có thể giao lưu trực tuyến với "nhà đài" thông qua điện thoại, gửi tin nhắn SMS, thiết bị nối mạng... để tham gia trò chơi, các cuộc thăm dò ý kiến; yêu cầu bái hát; đặt mua vé xem phim, vé tàu, vé máy bay, khách sạn v.v...
Tất cả nội dung văn bản trên DRM (nhãn dịch vụ, tin nhắn, văn bản...) đều được dựa trên bảng mã thống nhất, do đó nó hỗ trợ được tất cả các ngôn ngữ và tập lệnh trên toàn thế giới.
Như vậy, chuẩn DRM khá phù hợp với các điều kiện tự nhiên ở nước ta như: địa hình đồng bằng, đồi núi, biển đảo, phân bố dân cư rải rác; thường xuyên xảy ra các thảm họa, thiên tai như bão biển, sóng thần, lở núi v.v..và đặc biệt là tình hình giao thông phức tạp ở các đô thị lớn cũng như trên các tuyến quốc lộ. Ngoài ra DRM còn lợi thế hơn các chuẩn phát thanh số mặt đất khác ở khả năng tận dụng cơ sở hạ tầng và chuyển đổi "mềm" trong giai đoạn chuyển tiếp.
Để đạt được lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng phát thanh như Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ cũng như đáp ứng xu thế và nhu cầu của thính giả ngày càng cao thì ngay trong năm 2016 lộ trình số hóa phát sóng phát thanh mặt đất phải được bắt đầu.
Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia về chuẩn phát thanh số mặt đất cho Việt Nam, nhưng đều có một điểm chung là dùng DRM trên băng tần SW, MW để phủ sóng tầm xa cho vùng sâu, vùng xa, đồi núi và hải đảo và có thể cả phủ sóng đối ngoại (với sóng đối ngoại còn tùy thuộc vào tiêu chuẩn ở từng khu vực). Nếu phát sóng DRM trên băng MW thì ngoài các khu vực nói trên còn có thể bao phủ cả khu vực đồng bằng, thành phố, chính vì thế mà có thể dùng các trạm phát DRM trên băng tần MW đặt tại các khu vực khác nhau là có thể phủ sóng được phần lớn diện tích đất liền và một phần biển đảo. Tuy nhiên với nhu cầu của người nghe ở khu vực thành phố và đồng bằng thì có thể DRM chưa đáp ứng đủ về mặt chất lượng, sự đa dạng của dịch vụ, số lượng chương trình v.v.. nhưng chuẩn nào sẽ đáp ứng được các nhu cầu đó, đây là một nội dung khá dài, xin được đề cập đến trong một bài viết khác.
Để trong năm 2016 có thể khởi động được phát thanh số mặt đất trong điều kiện nguồn vốn đầu tư hạn hẹp và kéo dài qua nhiều năm thì chúng ta phải triệt để tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có, đó là các máy phát sóng trung DX200 do Harris sản xuất đang được khai thác (hoặc sẽ điều chuyển) tại các đài phát sóng trải dài từ Hưng Yên, Quảng Bình, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Khánh Hòa, Tp Hồ Chí Minh đến Cần thơ. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và gần đây nhất là đài phát thanh Quốc gia Indonesia (RRI) phối hợp với tổ chức DRM đã thành công trong việc chuyển đổi, nâng cấp máy phát sóng DRM từ máy phát sóng trung DX10/công suất 10kW do Harris sản xuất (hoàn toàn giống máy phát DX200, chi khác nhau về công suất), Do vậy chúng ta hoàn toàn có thể nâng cấp các máy phát sóng DX200 ở các khu vực nói trên thành các máy phát DRM để phát đồng thời (Simulcast) 1 chương trình Analog ( giữ nguyên chương trình đang phát hiện nay) và 1 chương trình DRM để phát chương trình giao thông quốc gia. Như vậy toàn bộ những người tham gia giao thông thuộc khu vực nội đô ở tất cả các thành phố lớn từ bắc đến nam, dọc quốc lộ từ Hà Nội đến Cần Thơ và các khu vực lân cận đều thu được chương trình giao thông Quốc gia. Các đối tượng thính giả nhắm đến trước hết là những người tham gia giao thông bằng phương tiện ôtô cá nhân, các phương tiện giao thông công cộng có lắp đặt máy thu DRM và sau đó là "nghe" theo thị trường để có những quyết định tiếp theo./.