Chuyện về cây cột điện có trước, con đường có sau ở Tứ Kỳ, Hải Dương
VOV.VN - Với phương châm lấy “Sức dân làm nòng cốt” vài năm gần đây bộ mặt nông thôn, nhất là những tuyến đường giao thông của xã Chí Minh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương thay đổi rõ nét. Nhờ tích cực huy động sức dân tham gia ngày công, hiến đất làm đường giao thông nông thôn và cả kinh phí, cơ bản các tuyến đường trên địa bàn xã được làm mới, nâng cấp khang trang
Con đường được làm bởi tinh thần đoàn kết
Người dân ở xóm Trại, thôn Đông An, xã Chí Minh không nghĩ có một ngày con "đường làng" họ gắn bó bao năm nay lại được mở rộng, khang trang như vậy, và những buổi chiều ngồi trò chuyện với nhau sau ngày làm việc của ông Sức, ông Bẩy hay chị Tơ lại rôm rả đến thế. Ông Nguyễn Hữu Sức kể: "Bắt đầu từ tháng 2/2023, chúng tôi tổ chức san lấp, xây tường bao cho những hộ hiến đất. Theo kế hoạch, chúng tôi phải để đến cuối năm mới làm tiếp vì chưa có tiền, nhưng trong quá trình làm lại gặp nhiều thuận lợi, Người dân không có tiền thì đi vay để đóng góp, rồi đơn vị thi công cho chúng tôi mấy móng nhà cũ, vậy là đủ đất đá để đắp đường. Trên đà đó chúng tôi quyết tâm làm luôn, lấy ngày 1/5 rải đường... Tổng chi phí con đường hết hơn 540 triệu đồng"...
Con đường vào xóm Trại có 16 hộ gia đình. Bao năm nay, họ đi lại qua con đường chật hẹp chỉ vừa hai chiếc xe máy tránh nhau. Ông Phạm Đức Bẩy chia sẻ: Lúc đầu vận động người dân tham gia làm đường cũng không dễ vì số tiền huy động quá lớn đối với các gia đình chủ yếu trông vào nông nghiệp. Cũng may trong xóm có bác trưởng xóm đi đầu ủng hộ 100 triệu đồng nên những gia đình còn lại đều quyết tâm san sẻ, không có thì đi vay mượn hoặc chờ đến vụ mùa sau đóng tiếp. Ông Bẩy kể: 16 hộ gia đình trong xóm nhưng có 2 gia đình có người già, khó khăn nên được miễn, còn lại chia đều. Cũng nhờ người dân đóng góp công sức, tiết kiệm chi phí nên mỗi hộ đóng góp 30 triệu đồng. Dù đây cũng là số tiền không nhỏ đối với mỗi gia đình ở xóm Trại, nhưng chúng tôi nghĩ, nếu mình đi đầu kêu gọi mà không mạnh dạn bỏ tiền ra thì không ai theo. Nói là làm, ông Bảy cũng như ông Sức là những người đi đầu trong phong trào, tìm tiền đóng góp đầu tiên trong xóm. Số tiền còn thiếu người dân xóm Trại báo cáo chính quyền xã Chí Minh cho phép được tuyên truyền kêu gọi bà con trong xóm, những người con đang làm ăn xa quê cùng chung tay.
“Hiện con đường đã xong nhưng thực ra còn vài hộ gia đình trong xóm vẫn chờ vụ mùa tới mới đóng, nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ. Ai có trước ứng ra còn lại sẽ hỗ trợ nhau sau. Cùng đoàn kết mới làm được. Như vậy là người dân xóm Trại quá lãi rồi”, ông Bẩy vui vẻ nói.
Đồng hành cùng người dân ở xóm Trại từ những ngày đầu lên kế hoạch, bà Phạm Thị Tơ Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Đông An, xã Chí Minh tự hào về tình đoàn kết của người dân nơi đây. Bà Tơ bảo chứng kiến người dân đồng lòng thực sự rất cảm động. Các gia đình có điều kiện thì không nói nhưng đa phần đều có kinh tế khó khăn nhưng khi nói về việc làm đường ai cũng hào hứng và quyết tâm. Như ông Bẩy ngoài hiến đất còn đóng góp nhiều ngày công nhất. Trên phần đất hiến của gia đình ông Sức là công trình bếp nấu đang sử dụng nhưng ông sẵn sàng đập đi để lấy phần đất đó cho làm đường.
“Việc làm của người dân xóm Trại là tấm gương về việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chúng tôi sẽ nhân rộng, tỏa ra tới đảng viên và nhân dân về việc đoàn kết, tuyên truyền vận động, trách nhiệm. Đây cũng là động lực đầu tiên để thúc đẩy những xóm khác của xã Chí Minh cùng chung tay nhất trí hiến đất làm đường. và đây đòn bẩy cho thôn thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn mình cũng như nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới”, bà Tơ nhấn nói.
Cột điện có trước, con đường có sau
Con đường của xóm Trại trở thành niềm tự hào, là mô hình để nhiều thôn xóm trong xã Chí Minh học tập. Nhưng niềm vui của bà con vẫn chưa vẹn toàn bởi đường thì đẹp nhưng hàng cây cột điện cũ lại ở những vị trí mất an toàn. Ông Nguyễn Hà Mười, cán bộ địa chính xã Chí Minh cho hay: Bỏ tiền ra chuyển những cây cột điện theo đúng quy định của ngành điện là quá sức với người dân ở xóm Trại. Đành rằng là cây cột điện có trước, đường có sau nhưng khi làm đường rộng ra thì cây cột điện đang ở mép đường lại đứng ra giữa đường. Cuộc sống phát triển, đường liên thôn, liên xóm được làm to gấp đôi, những cây cột điện chưa chuyển kịp. Do kinh phí hạn hẹp nên để an toàn cho người dân, mong các cấp chính quyền chuyển trước cây cột điện đứng giữa đường nguy hiểm nhất, còn những cột điện chưa nguy hiểm thì chuyển sau...
9 cây cột điện nằm trên con đường vào xóm Trại dài 300m, có 1 cây nằm chình ình giữa đường, còn lại đều ở vị trí chơ vơ khiến cho tuyến đường tuy mới nhưng nhìn lổn nhổn. Đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch xã Chí Minh cho hay, câu chuyện con đường và cây cột điện ở nông thôn trong quá trình phát triển sẽ không chỉ của riêng xóm Trại mà nhiều nơi khác sẽ gặp phải. Đây cũng là vấn đề khiến lãnh đạo xã phải suy nghĩ và chưa có biện pháp khắc phục. “Những tuyến đường liên xã chúng tôi làm bài bản đúng kế hoạch, gắn việc làm đường với việc di chuyển đường điện. Còn với đường xóm, nhiều xóm có điều kiện muốn mở đường thì xã khuyến khích. Tuy nhiên khi mở rộng đường thì liên quan đến đường điện, việc này địa phương không có tiền. Chúng tôi cũng chưa biết làm như thế nào trước thực trạng này”, ông Tuấn Anh nói.
Còn lãnh đạo điện lực huyện Tứ Kỳ cũng nắm được vấn đề này và cho rằng sẽ thực hiện đúng vai trò của mình. Ngành điện hỗ trợ mọi vấn đề như phương án cắt điện đấu nối, sang dây cho người dân.
Khi chủ đầu tư thực hiện dự án, chủ đầu tư phải có trách nhiệm liên quan đến những sự thay đổi của dự án đó. Tất cả những dự án đó đều có nguồn vốn, kế hoạch, phương án để thực hiện. Đối với ngành điện nếu mà khi có yêu cầu từ chủ dự án hoặc người có thẩm quyền thực hiện dự án đó thì chúng tôi sẽ phối hợp và thực hiện đúng những đầu việc mà ngành điện có thể làm và hỗ trợ được như phương án cắt điện, phương án di chuyển, trợ giúp sang dây, nếu được yêu cầu.
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Điện lực huyện Tứ kỳ, cho biết: Để giải quyết ngay thì chúng tôi khắc phục bằng cách sơn phản quang cảnh báo trên những cột liên quan đến an toàn giao thông, phối hợp với các chủ đầu tư, dự án sớm triển khai sửa chữa, di chuyển, hoặc thay đổi vị trí đến vị trí đảm bảo an toàn cho người dân. Những cột tồn tại lâu, khi có dự án liên quan đến đường điện sửa chữa, có nguồn vốn chúng tôi đều đưa vào kế hoạch để thực hiện thay đổi làm sao cho phù hợp với hiện trạng sau khi làm đường.
Hiện số phận những cây cột điện vẫn chưa có lời giải, vẫn nằm chình ình giữa đường bằng cách được sơn phản quang, mỗi cây cột điện được người dân lắp đèn chiếu sáng hay “trang trí” thêm lốp ô tô để nếu có va chạm cũng giảm nhẹ thương tích. Dân thì vẫn phải chờ hết vụ mùa này mới đủ tiền đóng góp vào phần làm đường, chính quyền xã không có nguồn ngân sách, ngành điện chờ có nguồn vốn. Ở đây, lỗi tại những cây cột điện có trước khi mở đường. Vì vậy người dân xóm Trại vẫn phải sống trong tâm thế nơm nớp lo lắng về mất an toàn trong giao thông.