Cơ chế nào bảo vệ người tố giác vi phạm giao thông?
VOV.VN - Bộ Công an đang đề xuất các cơ quan được sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính có thể khen thưởng người báo tin vi phạm giao thông. Tuy vậy, nếu việc bảo mật thông tin người tố cáo không tốt, dễ dẫn tới việc người tố cáo bị quấy nhiễu, trả thù.
Không ít lần ghi nhận được hình ảnh vi phạm giao thông qua camera hành trình và gửi hình ảnh cho lực lượng chức năng, anh Nguyễn Văn Vững, (ở Từ Kỳ, Hải Dương) không nghĩ đến việc được thưởng vì báo tin, mà chủ yếu vì mục đích góp phần đảm bảo ATGT chung.
Song anh Vững cũng băn khoăn, nếu việc bảo mật thông tin không tốt, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người báo tin: "Em thấy những tình huống ví dụ như lạng lách, đánh võng mà nguy hiểm cho người khác thì có thể em ghi hình lại, hoặc gửi đến cơ quan chức năng chứ không nghĩ là gửi để em lấy tiền. Nhưng tất nhiên em gửi đến thì các cơ quan chức năng phải giữ bí mật cho thông tin đó rồi. Nhà nước đã ra luật đó thì phải có luật bảo vệ cho người dân, bảo vệ thông tin cho người cung cấp thông tin".
Tài xế e ngại làn sóng “săn tiền thưởng” báo tin vi phạm
Một số người tham gia giao thông cũng băn khoăn, họ sẵn sàng gửi thông tin vi phạm đến lực lượng chức năng, song cần có chính sách bảo mật cho người gửi thông tin vi phạm:
"Chẳng hạn như em gửi hình ảnh cho công an, nhưng đến khi người vi phạm mà họ điều tra mà họ lại biết em gửi chẳng hạn mà họ bị xử phạt mà mức phạt cao, hai nữa là người ta lại mất nghề chắc chắn người ta sẽ rất bức xúc thì người ta sẽ tìm đến quấy rối, trả thù thì sẽ rất phiền hà".
"Cần chứ, vì thứ nhất là bảo vệ thông tin cho người đưa mấy clip, người chủ tài khoản đưa lên thì phải bảo vệ những người đó chứ, tại vì người ta tìm ra, biết mình ở đâu sẽ có nhiều điều không hay".
"Nếu bảo mật cho người cung cấp thông tin là tốt. Như thế còn có pháp luật bảo vệ mình chứ".
Đã nhiều lần xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh người dân cung cấp, Thiếu tá Trần Quang Chinh, phó đội trưởng Đội CSGT số 9, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho hay, việc bảo mật thông tin cho người cung cấp thông tin vi phạm giao thông cũng được đơn vị đặt ra và thực hiện nghiêm túc, qua đó vừa yêu cầu người dân đảm bảo tính xác thực của thông tin họ cung cấp, vừa đảm bảo an toàn thông tin cho người tố cáo:
"Phải bảo mật các thông tin, từ khi có sự yêu cầu hoặc cần sự đối chứng, vì nó liên quan không chỉ Luật Giao thông. Cái này phải làm theo đúng quy trình và tất cả mọi cái đều phải thông qua cán bộ, chiến sĩ của cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước".
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP.HCM cũng cho hay, hưởng ứng lời kêu gọi của giám đốc Công an TP.HCM về việc phát hiện, cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông trên địa bàn, Phòng CSGT, Công an TP.HCM sẽ lấy đó làm cơ sở để xác minh, xử phạt vi phạm, đồng thời cũng sẽ thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin cho người báo tin vi phạm:
"Người dân phải chị trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực cũng như tính nguyên vẹn của clip và hình ảnh đã được cung cấp. Đơn vị tiếp nhận thông tin, CSGT có trách nhiệm bảo mật thông tin, họ tên, địa chỉ, số điện thoại, mục đích và các thông tin khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin".
Trước đó, trao đổi với VOV Giao thông, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật cũng cho rằng, khi đề xuất việc thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông, cơ quan công an cũng cần tính đến việc bảo vệ người cung cấp thông tin. Bởi việc thưởng tiền sẽ khiến nhiều người biết, như vậy rất dễ khiến người cung cấp thông tin, người tố cáo bị trả thù:
"Tôi nhận được phong bì của bên công an, sau đó bị ông vi phạm ném đủ thứ vào trong nhà, có nên hay không? Vậy thì bảo vệ danh tính của người tố cáo, đấy cũng là một nhiệm vụ tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng khi triển khai quy định này quy định này cũng cần phải đặt ra và có giải pháp cho nó, kiểm soát hậu quả cho nó, chứ nếu chúng ta không bảo vệ được cho người cung cấp thông tin, thậm chí tính mạng của người cung cấp thông tin còn bị ảnh hưởng".
Trao đổi với VOV Giao thông, luật sư Lê Văn Thiệp, Giám đốc Văn phòng luật sư Toàn Cầu (Hà Nội) cũng cho hay, khi Bộ Công an đặt ra việc thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông thì cũng cần nghiên cứu cơ chế bảo vệ thông tin của người cung cấp thông tin vi phạm. Bởi họ rất dễ bị quấy nhiễu, trả thù: "Cơ quan chức năng cần phải đặt ra, vì có thể vì những chuyện đó thì những người tố cáo không được bảo vệ, họ có thể bị gây thưng tích, bị làm nhục… vì anh là người chỉ điểm, anh pháp hiện ra vi phạm của tôi, nên việc bảo mật về danh tính, về cách thức thực hiện phải đảm bảo an toàn cho những người làm việc đó".
Có nhiều chủ thể cần được bảo vệ, nếu áp dụng quy định thưởng tiền cho người báo tin có giá trị góp phần đảm bảo TTATGT.
Trước hết, về phía người báo tin, nguy cơ không phải chỉ xuất hiện khi người đó được khen thưởng công khai – nếu vẫn áp dụng quy chế khen thưởng như hiện hành. Người báo tin vi phạm gặp rủi ro ngay từ quá trình gửi đi thông tin tố giác, và ở khâu tiếp nhận, quản lý, xử lý thông tin tố giác của cơ quan chức năng.
Cả hai cung đoạn này, thông tin đều có thể bị rò rỉ, dẫn đến người báo tin vi phạm bị lộ thông tin cá nhân, thậm chí có thể trở thành mục tiêu tấn công của người có hành vi vi phạm, hoặc của nhóm những người có thái độ coi thường pháp luật.
Nguy cơ càng cao hơn nếu tiền thưởng cho người tố giác lại được trích từ chính nguồn thu từ tiền xử phạt vi phạm, chứ không phải từ quỹ thi đua khen thưởng.
Để được thưởng, chắc chắc tin do người dân cung cấp phải có giá trị không nhỏ. Điều này đồng nghĩa, tính chất hành vi vi phạm phải ở mức nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, hoặc có tính điển hình, mà nếu không xử lý kịp thời, nghiêm minh thì hậu quả sẽ rất lớn.
Như vậy, mức phạt tiền với hành vi vi phạm này chắc chắn không nhỏ, chưa kể các chế tài bổ sung khác. Dùng tiền nộp phạt để thưởng cho người đã tố giác vi phạm, vô hình trung biến người báo tin và người “bị báo tin” đứng về hai chiến tuyến, đẩy người báo tin đến các nguy cơ bị trả thù.
Trong bối cảnh an ninh, an toàn dữ liệu trên môi trường mạng còn rất nhiều lỗ hổng, trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng phức tạp, tinh vi, thì những nguy cơ trên là hoàn toàn có thật và rất gần. Do vậy, sự e ngại của người dân là có căn cứ.
Điều này cũng lý giải một thực tế có vẻ mâu thuẫn, là mặc dù người tham gia giao thông rất bức xúc với các hành vi vi phạm, song không nhiều người ủng hộ phương án thưởng tiền cho người báo tin có giá trị. Đa số cho rằng, nên chọn hình thức khen thưởng, biểu dương khác, hoặc nếu thưởng tiền chỉ mang tính tượng trưng, việc tiếp nhận và xử lý thông tin đó ra sao mới là điều quan trọng.
Thứ hai, về phía người “bị” báo tin vi phạm: Vi phạm TTATGT có thể tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây mất an toàn cho người khác và cho cộng đồng, song nguồn tin báo mới chỉ là một trong các manh mối, dữ liệu để phục vụ công tác điều tra, xác minh.
Nếu nguồn tin báo không được quản lý tốt, bị phát tán trên môi trường mạng hoặc các kênh đại chúng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm, thậm chí cả an toàn của người bị tố giác.
Ngay cả khi quan chức năng kết luận người đó không vi phạm hoặc chỉ vi phạm mức nhẹ, thì “được vạ, má đã sưng”, không một sự đính chính, thanh minh nào có thể cứu vãn hậu quả.
Về phía cơ quan tiếp nhận và xử lý thông tin do người dân cung cấp, khi có cơ chế thưởng, cũng là lúc áp lực từ sự giám sát của người dân cao hơn so với trước kia rất nhiều. Thông tin nếu bị bỏ sót, hoặc xử lý không kịp thời, không đến nơi đến chốn, hoặc để rò rỉ, cơ quan chức năng đều đối mặt với trách nhiệm giải trình.
Hiệu quả xử lý tin báo sẽ quyết định mức độ nhiệt tình của người dân cung cấp những thông tin tiếp theo. Chưa kể, các rủi ro về sai phạm, tiêu cực, tham nhũng nếu cán bộ thiếu bản lĩnh, thiếu đạo đức trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin.
Tin báo vi phạm TTATGT gửi đến cơ quan chức năng, bản chất là tin tố giác vi phạm, vốn là một dạng thông tin nhạy cảm đặc biệt. Với những chiếc máy quay dơ lên ở khắp nơi, với các nguồn tin hiện trường ngày càng nhiều và đa dạng, nguy cơ lộ danh tính của người cung cấp lại càng cao. Cân nhắc giữa việc được thưởng và cái giá của sự yên ổn, nhiều người chắc chắn sẽ đắn đo, nếu các rủi ro nhiều hơn lợi ích.
Một biện pháp hỗ trợ đảm bảo TTATGT dù với mục đích rất tốt, cách tiếp cận rất phù hợp, song nếu thiếu cân nhắc kín kẽ về các hướng tác động để thiết kế quy định nhằm loại trừ rủi ro, thì sẽ khó đi vào cuộc sống, hoặc thậm chí phản tác dụng. Do vậy, thưởng thế nào và quản lý việc thưởng ra sao, đó vẫn là một câu hỏi cần trả lời thận trọng, trong quá trình hoàn thiện dự thảo quy định này.