Cô gái 19 tuổi 3 lần tự sinh con tại nhà: Chuyện không lạ ở bản Pa Pốm
VOV.VN - Cô gái 19 tuổi 3 lần tự sinh con tại nhà ở Bản Pa Pốm (Điện Biên) không phải là chuyện lạ, dù mỗi lần sinh cô đều đối mặt với tử thần.
“Sinh con thuận theo tự nhiên như là cái chết báo trước”
'Sinh con thuận tự nhiên': Không cổ súy lập luận phản khoa học
Mới 19 tuổi, nhưng cô gái trẻ Vừ Thị Sùng ở bản Pa Pốm (xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) đã có tới 3 người con. 3 lần sinh nở là 3 lần đối diện “cửa tử” với những hiểm nguy, thế nhưng lần nào Sùng cũng tự vượt cạn tại nhà.
3 lần "vượt cạn" Vừ Thị Sùng đều tự sinh con tại nhà. |
Lý giải về việc hay tự sinh con tại nhà, Sùng phân trần: bởi đi trạm y tế xã hay bệnh viện thì không có tiền, mà người nhà phải đi theo chăm sóc rất tốn kém, không có người quản nương rẫy. Do đó, ngay cả chồng và gia đình cũng không muốn cho em đi.
“Bà với chồng bảo không cho đi, đẻ ở nhà thôi. Sinh ở nhà thì mình đẻ được con xong chảy nhiều máu, mất máu nhiều. Lúc đẻ được con ra ngoài còn bị rơi, bà phải nhặt con cho”, Sùng nói.
Những trường hợp tự sinh con tại nhà như Vừ Thị Sùng ở bản Pa Pốm không phải hiếm.
Tự sinh con tại nhà ở Pa Pốm khá phổ biến, gây nhiều nguy hiểm đến các thai phụ.
|
Các ca sinh tại nhà đều do người thân trong gia đình, như mẹ đẻ, mẹ chồng hoặc chồng giúp đỡ. Cá biệt có những trường hợp tự vượt cạn một mình trên nương như Vừ Thị Sùng.
May mắn chưa xảy ra trường hợp tử vong nào, nhưng những sự cố tai biến sau sinh như: băng huyết, nhiễm trùng, trẻ sinh ra bị ngạt, vàng da… thì không hiếm.
Đơn cử như trường hợp của Giàng Thị Bia (22 tuổi), lần sinh con thứ 3 không có dấu hiệu đau, chuyển dạ quá nhanh nên sinh con luôn tại nhà. Nhưng sau sinh 1 tuần bị mất máu quá nhiều, đau bụng dữ dội, người nhà mới đưa thai phụ lên Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ để khám và siêu âm.
Tại đây bác sỹ chuẩn đoán Bia bị băng huyết và sót rau trong tử cung, nếu không kịp đưa đến cơ sở y tế thì rất nguy hiểm: “Con thứ 3 này thì đau nhanh, đẻ nhanh, không đi kịp đến bệnh viện để đẻ và cũng đẻ tại nhà. Trong bản thì cũng có nhiều trường hợp tự đẻ tại nhà”.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết: Pa Pốm là bản 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhận thức còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những tư duy còn cổ hủ trong sinh nở. Người phụ nữ Mông hay xấu hổ khi có người lạ nhìn thấy, hoặc động chạm vào cơ thể, nên dù được cán bộ y tế đến tuyên truyền, vận động nhiều lần, nhưng dường như họ vẫn bỏ ngoài tai.
Chỉ đến khi sự việc bị đẩy đến mức cấp thiết, tính mạng thai phụ bị đe dọa nghiêm trọng thì người nhà mới đưa đến các cơ sở y tế.
Mặt khác, do điều kiện kinh tế của người dân còn rất khó khăn, nên ngại đi viện vì sợ chi phí tốn kém và không có người đi theo chăm sóc.
“Tập trung ở đây là đồng bào thiểu số Mông và Khơ Mú, 2 đối tượng hay đẻ tại nhà nhất. Thì những nguyên nhân chủ yếu là dân trí, hoàn cảnh kinh tế và rào cản với gia đình của chính họ. Về vấn đề này chúng tôi đang làm công tác truyền thông liên tục làm sao để dù có đẻ tại nhà nhưng vẫn làm tốt khâu bảo vệ cho bà mẹ và trẻ em, nhất là tai biến về sản khoa. Chứ còn bảo để không có đẻ tại nhà cái này rất khó”, bác sỹ Thủy cho biết.
Cũng theo bác sỹ Thủy, trước mắt, ngành sẽ đẩy mạnh việc quản lý thai sản, theo dõi từ các giai đoạn trước sinh và kịp thời cử cán bộ y tế đến hỗ trợ các hộ gia đình khi cần thiết. Về lâu dài, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và rất cần có sự chung tay của cộng đồng, làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân nơi đây, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra./.