Cô giáo khiếm thị Đỗ Lê Na: Đài là “ông tơ” “bà nguyệt” của chúng tôi
VOV.VN -Nhờ Đài TNVN mà "câu chuyện cổ tích" giữa cô giáo khiếm thị Đỗ Lê Na và anh Lê Trọng Hùng trở thành sự thực và nên duyên vợ chồng.
Không phấn bảng, và không có bục giảng, với giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm của cô giáo Đỗ Lê Na khiến các em học sinh lật giở những trang sách chữ nổi và lướt nhẹ những đầu ngón tay, và cùng nhau trao đổi… Đó là lớp học chuyên biệt của trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.
Lớp chuyên biệt dạy bằng chữ nổi dành riêng cho học sinh khiếm thị cấp 2 vào các buổi chiều chia thành 4 lớp theo từng khối. Cô Lê Na giảng dạy môn Văn, có nhiệm vụ phụ đạo lại kiến thức cho các em đã được học buổi sáng ở lớp hòa nhập (cùng với các bạn mắt sáng). Lê Na bảo, vì các em mắt kém lắm, có em chẳng nhìn thấy gì. Chính vì thế trên lớp các em không ghi chép kịp nên không nhớ được hết kiến thức trong SGK. Để học sinh khiếm thị theo kịp các bạn mắt sáng đòi hỏi phải học gấp 3-4 lần mới có thể theo được. Điểm yếu của học sinh khiếm thị là không nhớ được kiến thức, nhất là môn văn có nhiều khái niệm như từ tượng thanh, tượng hình... có khi nói khái niệm các em không hiểu nhưng hướng dẫn các em lấy ví dụ và làm bài tập thì lại làm được.
Từ kinh nghiệm bản thân, Lê Na luôn tìm cách riêng giảng cho các em dễ hiểu và dễ nhớ nhất. Lê Na bảo, ngày trước tôi cũng phải học như các em, ngoài việc nghe giảng, còn phải tranh thủ viết lại những vấn đề cơ bản, rồi phải đọc thêm tài liệu thì kiến thức mới tích lũy được nhiều. Cũng may, giờ công nghệ thông tin phát triển nên các em có thể lên mạng nghe những trang audio, chứ ngày trước, Lê Na chỉ được nghe đài.
Cô tâm sự: “Với người khiếm thị như chúng tôi, đài là phương tiện tốt nhất để tiếp cận những tri thức của nhân loại. Khi tôi 5- 6 tuổi đã thích văn học và nghe đài rồi. Đặc biệt, lúc nào tôi cũng thích chương trình Tiếng thơ, Thiếu nhi, Văn học. Nghe đài giúp tôi dễ hình dung mọi thứ nhất”. Chính vì thế, cô luôn nói với học sinh: “Đài là cửa sổ mở ra những thông tin, là nguồn kiến thức vô tận. Nghe đài mở rộng vốn hiểu biết, đặc biệt vốn từ rất phong phú mà phương tiện truyền thông khác không thể có được”.
Là thành viên trong báo Hoa nắng và Chi đoàn trường Nguyễn Đình Chiểu (dành riêng cho học sinh khiếm thị), những ngày Tết Thiếu nhi hay Rằm Trung thu, Lê Na và Ban biên tập Hoa Nắng còn được mời lên Đài giao lưu đọc thơ, tham gia ca hát và đóng kịch với các phóng viên nhỏ, với con các cán bộ của Đài và Chi đoàn thanh niên Đài. “Tôi thấy rất vui, hãnh diện và pha chút tự hào khi đến đài được mọi người đón tiếp chu đáo và niềm nở. Các chi đoàn đài còn đọc sách cho bọn tôi nghe nữa” - Lê Na kể và cười rất tươi.
Lê Na tiết lộ, cũng nhờ đài mà tôi có ngày hôm nay. Cô kể, anh Lê Trọng Hùng - chồng cô, trước kia là giáo viên dạy Sinh - Hóa ở vùng núi heo hút (Lào Cai) nhưng lại thích văn chương. Ngày ấy, phương tiện nghe nhìn chỉ có chiếc đài. Yêu thơ, một đêm năm 2001, anh nghe được bài thơ “Xa rồi cổ tích” và “Ru mưa” của một cô bé khiếm thị: “Cổ tích xưa trốn trong quả thị vàng/Nay hoang mang con kiếm tìm kỷ niệm/Thuở còn ba cổ tích còn hiển hiện/Ấm lòng con bên mỗi bữa cơm chiều” và “À ơi mưa ngủ đi thôi!/Màn đêm đã ngủ lâu rồi biết không/Rơi chi thêm nỗi nặng lòng/Cái cò lặn lội bờ sông một mình” và… Mặc dù chưa một lần gặp mặt, nhưng qua những vần thơ mềm mượt, nhẹ nhàng, đầy tâm trạng và rất lãng mạn của Lê Na khiến trái tim “anh giáo” xao xuyến. Anh quyết về Hà Nội để gặp “nàng thơ” và dệt nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Khi tôi hỏi tại sao em lại bị khiếm thị? Lê Na kể về tuổi thơ đầy sóng gió của mình, giọng cô nghèn nghẹn, vào năm 1981, khi cô vừa sinh ra đã bị bỏ rơi tại Bệnh viện Khe Sanh (Quảng Trị), may mắn được y tá Lê Thị Bích Thủy đón về nhà nuôi dưỡng. Mẹ Thủy bảo Lê Na bị khiếm thị bẩm sinh, bị teo cầu mắt nên mắt cứ sâu vào và mờ dần. Đến tuổi đi học, do thị lực kém nên cô chỉ được học dự thính. Năm 1994, tình cờ gặp Đội văn nghệ của trường Nguyễn Đình Chiểu từ Hà Nội vào biểu diễn tại trường mình. Nghe nói, những học sinh khiếm thị này đều được học văn hóa, Lê Na năn nỉ mẹ cho ra Hà Nội để được học như các bạn. Thấy con khóc lóc và quyết chí, thương con mẹ Thủy đành chấp thuận và nhờ luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Bình) xin Ban giám hiệu nhà trường và mãi đến cuối tháng 8 Lê Na được nhận vào trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.
Mặc dù lúc đó cô đã 13 tuổi, nhưng do tiếp thu nhanh, chỉ nửa năm học chữ nổi Lê Na thi đậu luôn vào lớp 2 - lớp hòa nhập với các bạn mắt sáng, rồi một mạch học tiếp THPT. Nhiều năm là học sinh giỏi của trường nên cô là sinh viên khiếm thị đầu tiên được tuyển thẳng vào khoa Văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm 2009, Lê Na ra trường lại được nhận làm giáo viên trong trường này đến nay.
Cô tâm niệm, cuộc đời mình tuy có chút thiệt thòi, nhưng gặp rất nhiều may mắn. Hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời khi giấc mơ làm cô giáo đã thành hiện thực đó là hằng ngày Lê Na được dạy cho những trẻ khiếm thị… Những may mắn đó không phải người khiếm thị nào cũng chạm tới. Nhờ nghị lực vươn lên của bản thân đã cho Lê Na niềm tin yêu vào cuộc đời để cô tiếp tục thực hiện những ước mơ./.