Có hay không chuyện thôn trưởng làng K’leng trục lợi từ hộ nghèo?
VOV.VN - Người dân làng K’leng cho rằng thôn trưởng đã làm nhiều việc không đúng với lương tâm, trách nhiệm, trục lợi từ hộ nghèo.
Làng K’leng, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum có 242 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu. Trong đó có 89 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo và là làng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Bởi vậy trong suốt những qua người dân làng K’leng, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo được Trung ương và địa phương quan tâm hỗ trợ để phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống.
Thế nhưng điều đáng buồn ở đây cũng liên quan đến những chính sách được hưởng, nhiều người dân đang tỏ ra bất bình với người thôn trưởng đã giữ vị trí này gần 10 năm nay. Người dân cho rằng thôn trưởng đã làm nhiều việc không đúng với lương tâm, trách nhiệm nhằm trục lợi từ hộ nghèo.
Đến tháng 3 năm 2018 thôn trưởng A Toanh vẫn giữ 6 thẻ bảo hiểm y tế của người dân trong làng. |
“Các hộ dân nói là vừa rồi được hỗ trợ chương trình 755 thôn trưởng thu nếu hộ được hỗ trợ 15 triệu thì thôn trưởng bảo nộp 1 triệu. Còn các hộ được hỗ trợ 5 triệu thì thôn trưởng bảo nộp 500 ngàn đồng. Rồi các lĩnh vực khác. Thẻ bảo hiểm thôn trưởng nhiệm kỳ đầu tiên thu 2 ngàn đồng. Hai năm nay qua phản ánh của dân làng người ta nói là thôn trưởng thu mỗi thẻ bảo hiểm y tế là 5 ngàn một thẻ” - ông A In nói.
Chương trình 755 mà ông A In, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn nhắc tới thực chất là Quyết định 755, ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Thông tin từ UBND thị trấn Sa Thầy cho thấy, làng K’leng có 16 hộ được nhận tiền hỗ trợ đất sản xuất, trong đó 13 hộ mức 15 triệu đồng/ hộ, 2 hộ mức trên 14 triệu đồng/ hộ và một hộ mức trên 10 triệu đồng. Đối với nội dung nhận tiền hỗ trợ mua nông cụ chuyển đổi ngành nghề, làng K’leng có 6 hộ được thụ hưởng chính sách với mức hỗ trợ đồng đều 5 triệu đồng một hộ.
Chị Y Gô khẳng định mẹ mình phải đưa tiền cho thôn trưởng sau khi nhận 15 triệu Nhà nước hỗ trợ. |
Theo phản ánh của nhiều người dân làng K’leng, trong gần 10 năm làm thôn trưởng, ông A Toanh đã làm nhiều việc không đúng với lương tâm, trách nhiệm nhằm trục lợi từ hộ nghèo, như việc thu lại của mỗi hộ được Nhà nước cấp giống cây cao su từ 20 đến 25 cây; đòi tiền phần trăm đối với những hộ được Nhà nước đền bù trong quá trình mở rộng đường.
Riêng việc thu tiền mỗi khi phát thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 1.000 người dân trong làng tồn tại từ nhiều năm nay. Người dân phản ánh đợt phát thẻ bảo hiểm y tế năm 2018 vào tháng 1 vừa qua, thôn trưởng A Toanh đã thu mỗi thẻ 5.000 đồng. Mức thu này được thôn trưởng áp dụng trong 2 năm nay còn những năm trước là 2.000 đồng.
Chị Y Hlih phải nộp 45.000 đồng mới lấy được 9 thẻ bảo hiểm y tế. |
Trao đổi với PV về những nội dung người dân phản ánh, thôn trưởng làng K’leng A Toanh cho rằng, những thông tin không tốt mà người dân nói về mình là do một số người có ý ganh ghét nên đặt điều nói xấu.
Tuy nhiên thôn trưởng A Toanh cũng thừa nhận bản thân trong một số việc có nhận tiền, gọi là tiền xăng người dân tự nguyện đưa vì thấy thôn trưởng làm việc tội nghiệp: “Mình không làm như thế tại vì một số bà con người ta ghét bản thân mình. Bản thân mình ví dụ mình đi làm cái gì cho bà con nếu mà bà con cảm thấy ví dụ ngày công của mình người ta tội mình người ta đưa tiền xăng mình mười ngàn, hai chục gì đó thôi. Tự nguyện người ta đưa thôi chứ mình không tính phần trăm”.
Câu chuyện thôn trưởng làng K’leng, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum bị người dân cho rằng có nhiều việc làm sai trái giờ đã vượt ra ngoài phạm vi của làng. Theo đề nghị của người dân trong làng, ông A In, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn đã phản ánh sự việc trong một cuộc họp với Ủy Ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum. Chính quyền thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy cũng đã biết thông tin và đang tiến hành kiểm tra làm rõ. Ngành Bảo hiểm xã hội cũng đã khẳng định không có chuyện người tham gia bảo hiểm y tế phải trả phí vận chuyển khi nhận thẻ.
Mong rằng sự việc sớm được làm sáng tỏ để người có lỗi biết sửa sai và người dân làng K’leng giải tỏa được nỗi ấm ức đã kéo dài từ nhiều năm nay./.
Vay nặng lãi ở Tây Nguyên: Giăng lưới cho vay, tận thu hộ nghèo
Kiên Giang: Yêu cầu xử lý nghiêm vụ “ăn chặn” quà Tết của hộ nghèo