Cồn Dầu bao giờ hết “nóng”?
VOV.VN - Sau hơn 10 năm triển khai dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, đến nay câu chuyện về Cồn Dầu vẫn chưa hết “nóng”.
Bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ của 97% số hộ dân trong diện di dời sẵn sàng nhường đất cho dự án để mở rộng không gian đô thị, vẫn còn một số hộ dân chưa ủng hộ chủ trương của thành phố, làm ảnh hưởng đến quá trình chỉnh trang đô thị.
Nhà bà Lê Thị Ánh ở thôn Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.
Gia đình bà Lê Thị Ánh ở tổ 85, thôn Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng đang sống trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, xung quanh ẩm thấp, mỗi khi mưa to úng ngập, việc đi lại hết sức khó khăn. Thế nhưng sau nhiều lần được vận động, gia đình bà Ánh vẫn chưa di dời,bàn giao đất cho dự án.
Bà Ánh cho biết, gia đình có 190m2 đất, thành phố bố trí tái định cư tại chỗ 1 lô đất đường 10,5m và 1 lô đất đường 5,5m, cách nơi ở cũ hơn 1 km nhưng bà chưa đồng ý. Bà Ánh yêu cầu được bố trí tái định cư tại chỗ cả 2 lô để gần nhà thờ.
“Nhà này mưa lớn là nước vào sau hè. Sống quanh đây rắn rết đủ thứ cũng khổ lắm nhưng phải bám trụ ở đây để cho thỏa đáng. Dân ai cũng đồng lòng nhất trí đi. Nhà nước bố trí cho tôi 2 lô, 1 lô đường 10,5m ở đây và 1 lô đường 5,5 m ở trên kia nhưng ở ngã 3 nên tôi không nhận”, bà Ánh nói.
Gia đình bà Ánh là một trong số ít các hộ dân ở thôn Cồn Dầu chưa chịu di dời theo chủ trương của thành phố. Trong khi đó, hơn 97% số hộ dân trong diện di dời đã thực hiện chủ trương này, sẵn sàng nhường đất để xây dựng khu đô thị sinh thái Hòa Xuân tươi mới như ngày hôm nay.
Năm 2008, Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân ở phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết, quy mô 437,2 héc-ta.Vùng đất này có địa hình thấp trũng, hằng năm thường xuyên bị ngập lụt, cần phải nâng nền xây dựng khu đô thị mới để di chuyển dân cư lên khu vực cao hơn.
Dự án được xem là “cầu nối” gắn kết hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội khu vực phía Nam của thành phố Đà Nẵng, thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài để đầu tư phát triển đô thị mới ở quận Cẩm Lệ. Cùng với việc đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, các khu tái định cư cũng được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, có công viên, cây xanh, và đặc biệt là khu Liên hợp thể thao cho cả khu vực miền Trung- Tây nguyên. Việc quy hoạch, giải tỏa, bố trí nơi thờ tự, tín ngưỡng tôn giáo cũng được đưa ra lấy ý kiến người dân.
Còn nhớ hơn 10 năm trước, nơi đây là một làng quê nghèo khó, quanh năm lụt lội. Nay Cồn Dầu đã trở thành một phần của khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.
Ông Hồ Lâm, người dân thôn Cồn Dầu nhớ lại, gia đình có 4 người nhưng chỉ mình ông là đàn ông. Những đêm mưa như trút, nước dội xuống căn nhà cấp 4 dễ sụp bất cứ lúc nào. 2 đứa con gái còn nhỏ không dám ngủ, chong đèn mong trời sáng. Ngôi làng gắn bó bao đời với gia đình ông, ai mà không quý nhưng liệu có bám trụ nổi với cảnh lụt lội, ẩm thấp mãi như vậy?
Năm 2012, hưởng ứng chủ trương di dời dân khu vực Cồn Dầu, nhường đất xây dựng Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, ông Hồ Lâm tự nguyện di dời sớm. Để thu hồi diện tích 630m2 đất của gia đình ông,thành phố bố trí cho ông 2 lô đất. 1 lô có diện tích 170m2, nằm ở đầu đường 10,5m và 1 lô diện tích 120m2, mặt tiền đường 7,5m.
Hai lô đất cách nhau vài trăm mét, xa ngôi làng cũ hơn 1 cây số. Một sự hoán đổi mà ông Lâm nhẩm tính có lợi nhiều mặt. Nếu tính giá trị 2 lô đất thì ông Lâm có trong tay hơn 3 tỷ đồng (theo thị trường nhà đất hiện tại ở khu vực này), còn làm nhà để ở thì thuận tiện đủ đường. Ông Hồ Lâm cho biết, về nơi ở mới trong căn nhà 2 tầng khang trang, vợ chồng ông mở quán bán cơm, thu nhập mỗi tháng trên dưới 8 triệu đồng. Ông Lâm còn tận dụng lô đất trống bên cạnh nhà để trồng nấm, có thêm đồng ra, đồng vào.
Ông Lâm chia sẻ: “Đợt đó tôi là người đi đầu tiên thoát được nạn lụt. Bây giờ công trình đô thị cao rồi, chắc chắn không có lụt nữa”.
Gia đình bà Tống Thị Mai tổ 67, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ đã có cuộc sống ổn định. |
Cũng như hộ ông Hồ Lâm, gia đình bà Tống Thị Mai nay đã có cuộc sống ổn định tại nơi ở mới. Sau khi nhường hơn 400m2 đất trong con hẻm nửa mét nằm sát nhà thờ Cồn Dầu, gia đình bà được bố trí 2 lô đất cách nơi ở cũ chừng 1 cây số. Với số tiền đền bù, cộng với chút tiền tiết kiệm, bà Mai xây ngôi nhà 3 tầng khang trang, 2 tầng trên để ở, còn tầng dưới cho con trai mở phòng khám răng; lô đất còn lại làm của để dành. Nay ở tuổi 60, nhìn thấy 4 đứa con đều khôn lớn, trưởng thành, công việc ổn định, bà Mai cảm thấy hài lòng.
Bà Mai nhớ lại, trước đây ở Cồn Dầu đường ra lối vào chật hẹp, việc đi lại hết sức khó khăn. Khổ nhất là khi mưa bão, cả nhà 5 người chen chúc nhau trong căn gác nhỏ, lo sợ nước lũ ngập nhà. Những lúc như vậy, bà Mai ước sao có một nơi cao ráo để cả nhà an cư, lạc nghiệp.
Bà Mai bộc bạch, khi thành phố có chủ trương di dời bà cũng thấy lo lắng khi phải rời xa mảnh đất của cha ông mình. Lo hơn nữa khi về nơi mới không còn đất sản xuất, cuộc sống rồi sẽ ra sao? Nhưng bây giờ, ngày ngày ngang qua Cồn Dầu đi lễ nhà thờ, thấy vùng xóm đạo thấp trũng ngày nào nay đã thành khu đô thị đẹp, bà cảm thấy rất vui.
Để Cồn Dầu có dáng dấp đô thị như hôm nay, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng qua các thời kỳ đã nhiều lần đến gặp gỡ, đối thoại, giải thích với bà con. Chính quyền địa phương đã thông tin đầy đủ về dự án, chính sách đền bù, hỗ trợ giải tỏa, bố trí tái định cư, và quan trọng là hiệu quả của dự án đối với đời sống của bà con. Để tạo điều kiện cho các hộ giải tỏa được ở gần nhà thờ theo nguyện vọng của bà con, đích thân Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vào tận nơi, chỉ đạo rà soát lại việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; quan tâm giải quyết hoán đổi đất về khu vực gần nhà thờ.
Linh mục Vũ Dần, Giáo xứ Cồn Dầu (từ năm 2012-2017). |
Linh mục Vũ Dần, Giáo xứ Cồn Dầu (từ năm 2012-2017) cho biết: “Chủ trương của thành phố mang lại lợi ích rất nhiều. Lời khuyên của tôi vẫn là chúng ta xem xét để theo chủ trương chung, nhất là khi ở đây số đông người dân đã đồng ý đi rồi”.
Hơn 10 năm triển khai nhưng Dự án Khu đô thị sinh thái Hoà Xuân vẫn chưa về đích. Một số hộ dân ở thôn Cồn Dầu cho đến nay vẫn chưa ủng hộ chủ trương di dời với những lý do khác nhau. Có những trường hợp lòng thì muốn đi nhưng chân cứ bị níu kéo bởi những rào cản tâm lý.
Tình hình ở Cồn Dầu "nóng" lên khi một số ít hộ dân ở đây tiếp tục gửi đơn khiếu kiện về thu hồi đất, giao đất, giao đất và việc bố trí tại định cư tại chỗ. Những kiến nghị này thành phố đã xem xét, giải quyết nhưng một số hộ chưa chấp nhận nên tiếp tục khiếu kiện lên Trung ương.
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Đoàn kiểm tra, trực tiếp xác minh thực tế tại địa phương này. Qua thẩm tra, xác minh, ngày 20/11/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó thống nhất với nội dung giải quyết của UBND thành phố.
Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định phê duyệt một phần đất quy hoạch công viên cây xanh tại khu vực xung quanh Nhà thờ Cồn Dầu thành 368 lô đất ở để bố trí cho các hộ dân.
Theo đó, nếu hộ nào có nhu cầu đất ở sẽ được hoán đổi mỗi hộ 1 lô đất tái định cư tương ứng cấp đường quy hoạch đã phê duyệt. Ngoài ra, thành phố còn có nhiều chính sách hỗ trợ khác như bố trí thêm lô phụ, nâng cấp mặt bằng đường từ đường nhỏ lên đường lớn, xem xét hỗ trợ tái định cư…
Ông Lê Văn Sơn cho rằng, khu dân cư ở Cồn Dầu đã được chính quyền thành phố quan tâm, tạo điều kiện tốt cho người dân.
Ông Sơn cho biết: “Vùng này trước đây ngập lụt, đến mùa mưa nước ngập lên tới nửa nhà và hàng năm đến mùa lũ là cần cứu tế rồi giải quyết vấn đề đời sống người dân khó khăn. Cho nên thực hiện dự án này là để tạo điều kiện rất tốt nhất cho người dân có cuộc sống mới, ổn định hơn. Trên 95% người dân đã di dời đến nơi ở mới, một số hộ còn lại chưa chịu bàn giao mặt bằng. Lần này cũng phải thực hiện biện pháp xử lý”.
Diện mạo thành phố Đà Nẵng đang đổi thay nhanh chóng. Nhiều khu đô thị mới tạo nên dáng dấp hiện đại cho thành phố trẻ bên bờ Sông Hàn. Thành quả này có sự chung tay, góp sức và đồng thuận cao của người dân.
Vùng đất Hoà Xuân từ một vùng quê nghèo, mưa lầy lũ ngập nay đường sá rộng thênh thang, san sát những ngôi nhà cao tầng núp mình dưới những hàng cây xanh mát. Nơi đây, hệ thống đường giao thông, cấp nước, thoát nước mưa, nước thải, đèn chiếu sáng, thông tin liên lạc, các công trình an sinh xã hội... được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, hướng tới nâng cao chất lượng chất lượng đời sống người dân. Người dân Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng hẳn dễ nhận ra sự đổi thay nơi mình đang sống có sự đóng góp của bà con nơi đây./.