Con đường dệt nên mùa Xuân biên thùy

VOV.VN - Những con đường từng gập ghềnh sỏi đá, lầy lội, bị chia cắt trong mưa lũ dần "lột xác", thay thế bằng hệ thống đường trục xã, liên xã...

Năm 2020, huyện miền núi biên giới Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) hoàn thành hệ thống các công trình giao thông kiên cố tới 104 thôn, bản của huyện. Những con đường mới đã góp phần giúp đồng bào các dân tộc nơi mảnh đất biên cương vươn lên thoát nghèo, góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc và đón những mùa xuân mới ấm áp, đủ đầy hơn.

Ông Hoàng Đức Hải đặt bao hoa hồi lên chiếc cân điện tử, nhẩm tính số tiền sẽ thu được từ vụ năm nay. Thương lái đỗ chiếc xe tải nhỏ bên vệ đường, luôn tay đóng bao, chất lên thùng.

Ông Hải vui vẻ kể, giờ từ nhà lên tới rừng chỉ 15 phút chạy xe, chẳng còn ngại mưa gió: "Ngày xưa, không có đường, đa số bà con lên rừng thu hoạch hồi chỉ đi bộ. Một ngày hái khoảng 20-40kg, gánh trên vai nặng rất vất vả. Từ khi có đường kết nối giữa các thôn bản, có đường lên tận rừng hồi, bà con rất phấn khởi, đi được xe máy lên tận nơi. Lại có thương lái lên tận cửa rừng nữa, bà con chỉ cần gánh đến nửa đường là được bán".

Đường nhựa, đường bê tông không chỉ nối dài từ thôn Đồng Cậm nhà ông Hải lên vùng sản xuất tập trung, mà còn trải đến khắp các thôn của xã Hoành Mô và 104 thôn, bản của huyện Bình Liêu (chiếm một nửa trong số thôn, bản khó khăn toàn tỉnh Quảng Ninh). Được triển khai từ năm 2016, đến đầu năm 2020, hệ thống các tuyến đường này đã hoàn thành với tổng chiều dài hơn 250km, tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, vốn huy động của Chương trình Nông thôn mới cùng chương trình Đề án 196 của tỉnh Quảng Ninh.

Việc đầu tư xây dựng các tuyến giao thông được đồng bào các dân tộc địa phương hết sức ủng hộ, tham gia hiến hàng nghìn m2 đất, góp công, góp sức làm đường. Những con đường từng gập ghềnh sỏi đá, lầy lội, bị chia cắt trong mưa lũ dần "lột xác", thay thế bằng hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, trục ngõ xóm, đường nội đồng kiên cố hóa, rộng rãi, thênh thang.

Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hoành Mô phấn khởi nói: "Đường tới tận trung tâm các thôn bản thuộc xã, giao thông hoàn thiện đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, phục vụ phát triển kinh tế, nông lâm sản vận chuyển, giao lưu buôn bán. Trẻ đến trường thuận tiện, việc khám chữa bệnh ban đầu cho bà con trên địa bàn, đi lại giải quyết thủ tục hành chính cũng thuận lợi hơn. Kết nối các tuyến đường biên vành đai, xã cũng phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia".

Có điều kiện thuận lợi về giao thông, đồng bào các dân tộc biên cương Bình Liêu nỗ lực, vượt khó vươn lên. Nếu như năm 2010, Bình Liêu có tới gần 40% hộ nghèo thì sau 10 năm, con số này chỉ còn 3,06%. Hạ tầng giao thông và các định hướng, chính sách phù hợp cũng đã giúp đánh thức "sơn nữ vùng Đông Bắc".

Người Bình Liêu nay không chỉ trồng hồi, quế mà còn sản xuất sản phẩm OCOP chất lượng cao, làm du lịch cộng đồng. Du khách say mê những cung đường biên giới ngập tràn cỏ lau trắng, tự hào khi đứng bên các cột mốc 1297, 1305, 1327 cheo leo, thác suối Khe Vằn, Khe Tiền hùng vĩ. Từng đoàn khách tới đây, theo đường Đồng Văn, Đồng Tâm, Húc Động, Lục Hồn... thăm bản làng người Tày, Dao, Sán Chỉ với nhiều phong tục độc đáo, ngắm ruộng bậc thang vàng óng mùa thu, rừng sở trắng muốt khi đông về.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc HTX Hoa Bình Liêu cho biết, cũng từ những đổi thay đó mà ông đã chọn Bình Liêu làm nơi đầu tư, ươm trồng hoa giống, mở rộng mô hình du lịch đón khách tham quan. Vườn hoa Cao Sơn của HTX có quy mô 1,8 ha, vừa mở cửa đã trở thành điểm đến hấp dẫn: "Chúng tôi đã đón những tour khách từ TP.HCM, Đà Lạt, họ ngạc nhiên vì trên vùng cao biên giới lại có vườn hoa như thế này. Việc tất cả các thôn bản của huyện hầu như đều được kiên cố hóa đường bê tông cũng giúp các tuyến du lịch được mở rộng. Như đường lên thôn bản mà trước kia hầu như chỉ đi được xe máy, nay đã đi được ô tô 35 chỗ. Đây cũng là điều thuận lợi để cung đường di chuyển của khách được nhiều hơn, khách được trải nghiệm nhiều hơn".

Năm qua, Bình Liêu đón hơn 67.000 khách du lịch, các sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội giàu bản sắc địa phương được biết đến nhiều hơn - một tín hiệu tích cực của du lịch Quảng Ninh trong bối cảnh dịch bệnh.

Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu khẳng định, với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của đồng bào miền núi biên giới gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, giao thông vẫn một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

"Huyện cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư lên đầu tư tại các địa điểm có lợi thế về cảnh quan khí hậu như Khe Vằn, Sông Moóc, Cao Thắng... Để đảm bảo phát triển tốt hơn nữa sản xuất gắn với du lịch thì Bình Liêu định hướng thời gian tới tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến đường giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, phục vụ cho du khách đến thăm và tạo điều kiện công ăn việc làm cho bà con tại địa bàn", ông Trường nhấn mạnh.

Hoa đào nở rộ ven đường, các chàng trai cô gái gọi nhau trảy hội soóng cọ, xem phụ nữ Sán Chỉ mặc váy đá bóng, nghe tiếng then đàn tính dập dìu khúc nhạc xuân bên khe đá. Về Bình Liêu hôm nay, những con đường mới đang nối nhau, đan xen tựa như con thoi dệt nên mùa xuân biên thùy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bình Liêu – “Thiên đường” của cỏ lau, lúa vàng và biên cương hùng vĩ
Bình Liêu – “Thiên đường” của cỏ lau, lúa vàng và biên cương hùng vĩ

VOV.VN - Trên biên giới vùng Đông Bắc có một nơi là "thiên đường" của cỏ lau trắng xóa, của lúa chín vàng, của rừng sở tinh khôi và những cung đường tuần biên hùng vĩ. Đó chính là Bình Liêu.

Bình Liêu – “Thiên đường” của cỏ lau, lúa vàng và biên cương hùng vĩ

Bình Liêu – “Thiên đường” của cỏ lau, lúa vàng và biên cương hùng vĩ

VOV.VN - Trên biên giới vùng Đông Bắc có một nơi là "thiên đường" của cỏ lau trắng xóa, của lúa chín vàng, của rừng sở tinh khôi và những cung đường tuần biên hùng vĩ. Đó chính là Bình Liêu.

Hội mùa vàng Bình Liêu - Sản phẩm du lịch mới của Quảng Ninh
Hội mùa vàng Bình Liêu - Sản phẩm du lịch mới của Quảng Ninh

VOV.VN - Lễ hội Mùa vàng lần đầu tiên được tổ chức tại huyện miền núi biên giới Bình Liêu của tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong những hoạt động điểm nhấn của Tuần Văn hóa - Du lịch Bình Liêu năm 2020 khai mạc tối nay (7/11).

Hội mùa vàng Bình Liêu - Sản phẩm du lịch mới của Quảng Ninh

Hội mùa vàng Bình Liêu - Sản phẩm du lịch mới của Quảng Ninh

VOV.VN - Lễ hội Mùa vàng lần đầu tiên được tổ chức tại huyện miền núi biên giới Bình Liêu của tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong những hoạt động điểm nhấn của Tuần Văn hóa - Du lịch Bình Liêu năm 2020 khai mạc tối nay (7/11).

Mùa vàng rực rỡ trên rẻo cao Bình Liêu
Mùa vàng rực rỡ trên rẻo cao Bình Liêu

VOV.VN - Lúa chín vàng ươm trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn cùng sắc màu văn hóa rực rỡ của người Dao, Sán Chỉ, Tày là những điểm nhấn ấn tượng thu hút du khách đến với Bình Liêu (Quảng Ninh) mỗi dịp thu về.

Mùa vàng rực rỡ trên rẻo cao Bình Liêu

Mùa vàng rực rỡ trên rẻo cao Bình Liêu

VOV.VN - Lúa chín vàng ươm trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn cùng sắc màu văn hóa rực rỡ của người Dao, Sán Chỉ, Tày là những điểm nhấn ấn tượng thu hút du khách đến với Bình Liêu (Quảng Ninh) mỗi dịp thu về.