Con đường nâng cao giá trị hạt lúa quê nghèo
VOV.VN - Làm từ thiện không mong cầu đền đáp, thậm chí không muốn nói nhiều về việc này.
“Số tiền xây ký túc xá đâu có gì đáng kể! Tôi biết có nhiều người làm từ thiện lớn lắm, tới hàng trăm tỷ đồng!”. Ông Phạm Văn Bên nói bằng chất giọng Nam bộ trầm trầm, nét mặt đăm chiêu, hằn sâu những vết chân chim nơi đuôi mắt, khiến người đối diện rưng rưng bởi sự chân thành.
PGS-TS Phạm Văn Hiền kể, khi mới biết ông Bên có ước nguyện xây KTX miễn phí, sau đó tiếp tục hỗ trợ học phí, tiền ăn cho sinh viên giỏi, nhà nghèo Ban giám hiệu Nhà trường rất cảm động và bất ngờ. Đi tìm hiểu, xác minh mới hay rằng, doanh nghiêp Cỏ May đã nổi tiếng trong vùng làm ăn giỏi và đã làm từ thiện “trường kỳ”. Vợ ông, bà Huỳnh Ngọc Oanh, một phụ nữ hiền hậu, ít lời. Nói đến tâm nguyện của chồng, bà nhỏ nhẹ: “Xưa nay, thấy ảnh làm việc gì cũng đúng hết, cho nên tui một lòng ủng hộ”. Cả 5 người con cũng vậy. Anh Phạm Minh Thiện, người con trai út mà ông tin cậy, hiện điều hành nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cho biết: “Không chỉ ủng hộ việc làm của ba, mà sau này mấy anh chị em và Cỏ May sẽ tiếp tục công việc từ thiện như ba đã tâm huyết”.
Ông Bên cho biết, toàn bộ số tiền xây dựng KTX do gia đình ông trích từ lợi nhuận của Cỏ May với 1 chuỗi công ty đang hoạt động hiệu quả (gồm 2 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với công suất 400 ngàn tấn/năm, 1 nhà máy chế biến lương thực công suất 80 ngàn tấn/năm, 1 nhà máy sản xuất bao bì công suất gần 20 triệu sản phẩm/năm. Doanh thu trung bình của Cỏ May đạt từ 2000 - 3000 tỉ đồng/mỗi năm, tạo việc làm cho hơn 700 lao động. Trong năm nay, Cỏ May đang tiếp tục đầu tư 2 dự án, chế biến tinh dầu cám và lĩnh vực du lịch với “Club Cỏ May resort” tại Phú Quốc. Ông có quy chế trích một phần lợi nhuận của để làm thiện nguyện. Vì thế mà ông tự tin sẽ “đủ lực” hỗ trợ việc học của sinh viên KTX miễn phí lâu dài.
Tay trắng lập nghiệp
Từ một tổ hợp sản xuất xà bông nhỏ, sau 30 năm, đến nay doanh nghiệp Tư nhân Cỏ May đã có một chuỗi nhà máy “quay quanh hạt lúa”. Mới đây, Cỏ May đã ký kết hợp tác với trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp nghiên cứu chế biến tinh dầu cám. Hiện, Nhà máy sản xuất Gamma Oryzanol (chiết xuất tinh dầu cám) đang được xây dựng. Nhìn vào chuỗi nhà máy không ngừng phát triển của Cỏ May, ít ai biết con đường đi đến thành công của ông Phạm Văn Bên và Cỏ May cũng đầy rẫy chông gai, có lúc từng trên bờ vực đổ bể.
Khi rời quê lên Sài Gòn, ông Bên làm công cho 1 lò bánh mì, rồi đi làm phụ hồ kiếm sống để học tiếp tú tài. Cảm mến chàng trai miệt vườn, làm ăn chân chỉ, thật thà, chủ xưởng sản xuất xà bông là một phục nữ người Hoa đã chỉ dạy cho ông cách nấu xà bông. Trong khi, người Hoa thường rất kén chọn người để truyền nghề, thậm chí chỉ truyền nghề cho con trai, chứ không truyền nghề cho con gái, vậy mà lại dạy cho 1 người xa lạ, không dây mơ rễ mái như ông. Ông Bên coi đó là cơ may. Năm 1981, ông lập ra tổ hợp xản xuất xà bông tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Sản xuất nhỏ, thủ công, giá nguyên liệu cao, kinh nghiệm kinh doanh còn non, ông đối mặt với trăm nỗi khó. Nhưng không nản chí, các thút thắt được gỡ dần bởi người chéo lái bản lĩnh. Và chỉ ít năm sau, Cỏ May đã trở thành 1 thương hiệu xà bông chất lượng có tiếng vào những 1985-1986. Ông tiếp tục mở thêm cơ sở sản xuất xà bông mới tại thị xã Sa Đéc, đánh dấu 1 bước đường phát triển. Ông cho biết, Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May được thành lập 1989 vào lúc kinh tế khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp phá sản. Ông nhận thấy, trong bối cảnh này, sản xuất xà bông đã không còn phù hợp và bèn chuyển hướng làm ăn, sang 1 lĩnh vực hoàn toàn mới, sản xuất kinh doanh lương thực dựa vào lợi thế ngay chính quê mình – Đồng Tháp là vựa lúa lớn nhất nhì cả nước. Vốn ít, ông quyết tâm quay vòng đồng vốn thật nhanh để việc kinh doanh thực sự hiệu quả.
Mặt hàng thay đổi, phương thức kinh doanh cũng thích ứng với thời cuộc, duy chỉ bốn chữ “uy tín, chất lượng” mà ông coi là “bảo bối” thì không hề suy suyển. Sự nhạy bén trong kinh doanh mách bảo ông tập trung cho sản phẩm gạo trung cấp, với mục tiêu chiếm trọn niềm tin của khách hàng bằng chất lượng sản phẩm và sự trung tín. Trải qua bão táp thương trường, ông thấu tận tâm can câu nói “khách hàng là thượng đế”. Ông khẳng định, chính “thượng đế” đã giúp Cỏ May trụ vững qua sóng gió.
Năm 2004, nhận thấy nông dân Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh nuôi cá tra xuất khẩu. Ông đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản công nghiệp tại Khu Công nghiệp Sa Đéc.
Tôi tròn mắt kinh ngạc vì sao một nông dân không hề qua 1 lớp quản trị kinh doanh nào lại bạo gan nhảy vào một lĩnh vực mới, ông Bên thân tình: “Tôi toàn đi học lóm người ta. Gặp gỡ, trò chuyện với những người có kiến thức, tôi thường hay lắng nghe, để ý học cái lý thuyết này lý thuyết nọ và cũng trang bị cho mình được chút đỉnh”. Giọng ông trầm hẳn xuống – “Tôi tích lũy từ sự trải nghiệm là chính” và học cái cách dùng người, cách hành xử, đối nhân xử thế ở đời. Thành bại ăn nhau ở đội ngũ nhân lực giỏi lại trung thành”.
Cám gạo chỉ để cho heo ăn - xót lắm!
Năm 2012, ông tiếp tục đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, gông suất lớn gấp đôi tại Khu Công nghiệp sông Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), đề xuất việc liên kết “3 nhà” đảm bảo hài hòa lợi ích. Nông dân sẽ nuôi cá qua sự đặt hàng của doanh nghiệp, an tâm vì đảm bảo có đầu ra; Ngân hàng đầu tư cho nông dân có sự cam kết của doanh nghiệp, cho vay vốn đúng địa chỉ; Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định để phát triển.
Hạt gạo đã có thể yên tâm đường dài, ngó sang cám, ông thấy đau! Ông bảo, lượng cám ở Đồng Tháp quá dồi dào, chưa kể cả vùng đồng bằng sông Cửu Long! Cám có hàm lượng dinh dưỡng cực kỳ qúy giá, trong đó có hợp chất Gamma Oryzanol có thể làm ra mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng…Vậy mà, cám lâu nay chỉ để cho heo ăn...Xót lắm! Ông Bên cùng người con trai là Phạm Minh Thiện khăn gói ra nước ngoài khảo sát thị trường. “Thấy nhiều sản phẩm nông nghiệp người ta dùng công nghệ cao đưa giá trị lên rất cao, tôi quyết tâm sử dụng cái cám này 1 cách có hiệu quả”. Là lĩnh vực công nghệ cao, Cỏ May liên kết với các nhà khoa học để nghiên cứu, sản xuất. Ông bảo, “tôi làm “chuột bạch”, thử nghiệm trước và mong sao các doanh nghiệp cùng ra trận, cùng vươn ra biển lớn, chứ 1 mình tôi “con én không làm nên nổi mùa xuân!” Tôi nghĩ mãi rồi, để giúp người nông dân cải thiện cuộc sống thì không gì hơn là làm cho những sản phẩm của họ có giá trị cao hơn”. – Những vết chân chim nơi khóe mắt như hằn sâu hơn trên gương mặt ông mà kể cả khi cười cũng thăm thẳm ưu tư.
“Tôi thành công bằng những thứ... “vô hình”
‘Nghe ông nói về hạt gạo, về quyết tâm nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, tôi buột miệng khen ông có tư duy của Bộ trưởng bộ Nông nghiệp, ông Bên cười ha hả: “Tôi muôn đời chỉ là nông dân thôi!”. Vì là nông dân cho nên ông Bên càng thấu cảm điều mà nông dân cần.
“Nửa đời người bôn ba thương trường, ông coi trọng điều gì nhất”? Ông trầm ngâm – “Đó là chữ tín và sự đường hoàng của mình! Không ai có thể cống hiến và trung thành với một người mà mình không kính trọng. Cho nên, tôi phải tự hoàn chỉnh bản thân, vun bồi nhân cách của mình để nhân viên nhìn tôi với con mắt kính trọng thì họ mới có thể cống hiến và trung thành với tôi được. Với các đối tác, tôi đường hoàng thì họ mới “chơi” với tôi chứ!”. Nghe ông trải lòng, tôi ngỡ mình đang trò chuyện với một nhà giáo dục, chuyên gia về kỹ năng sống. Bỗng thấy mình thật may mắn vì học được nhiều điều hay và thực sự ý nghĩa ở doanh nhân nông dân này!
Ông Bên kể, có thời kỳ Cỏ May lâm vào khủng hoảng cùng với sự suy thoái kinh tế nói chung (1989-1990). Công nhân làm lấy lương khoán, thu nhập của họ cũng giảm đi. Chính lúc đó, tôi hỗ trợ mỗi người 15 ký gạo/tháng, ngoài lương khoán. “Quả thật, cũng là lá rách ít đùm lá rách nhiều. Tôi đang khủng hoảng, Nhưng anh em còn khủng hoảng hơn tôi”. Chăm lo đời sống cho công nhân đối với ông, đó là tình người chứ không chỉ là trách nhiệm. Đối với công nhân bốc vác làm thời vụ, hưởng lương theo thực tế công việc, nếu chẳng may đau ốm, hoặc vì lẽ gì đó phải nghỉ việc, cuộc sống sẽ rất bấp bệnh, khổ cực. Thâu hiểu điều đó, từ năm 2008, ông Bên giúp họ bữa cơm trưa theo thời giá. Bộ phận tiền lương sẽ giữ cho họ số tiền này. Ai xin nghỉ việc sẽ được lĩnh một khoản “ra tấm ra món” để có thể bắt đầu một công việc mới.
Từ lâu, ngoài hỗ trợ hàng tháng học phí cho con em công nhân viên, xây nhà tình thương, Cỏ May còn nhiều chính sách ưu đãi khác, ví dụ 1 năm thưởng 3 tháng lương, rồi tặng thưởng hàng tháng cho người lao động. Vì thế, chuyện nhân viên “nhảy việc” hầu như không xảy ra ở Cỏ May. “Tôi biết có trường hợp người ta kéo nhân viên của tôi. Họ trả lương gấp đôi, nhân viên cao cấp mà, nhưng đã không “kéo” được” nhân viên ra khỏi công ty”. Ông Bên tỏ ra mãn nguyện khi nói về nhân viên của mình. – “Qua trải nghiệm, tôi hiểu người lao động họ cần gì. Đương nhiên, trước hết là họ cần mức thu nhập tốt. Ngoài ra họ cần những thứ khác nữa, kể cả sự hài lòng về nơi làm việc, thân thiện, nhân bản, hài lòng với một ông chủ đường hoàng mà họ kính trọng, chứ không hẳn chỉ vì đồng lương”.
Lập nghiệp từ con số không, ông Bên đúc kết: “Tôi thành công là nhờ xây đắp được những cái vô hình. Đó là nhân cách, là tình người, ở hành xử, đối đãi của mình đối với nhân viên, đối tác để tạo được uy tín với nhau. Tất cả cộng hưởng lại làm nên giá trị thương hiệu”. Anh Phạm Mình Thiện, người con trai út của ông Bên nói rằng, anh học được nhiều ở ba mình, nhất là triết lý kinh doanh thấm đẫm tình người của ông.
Thích cái tên Cỏ May, tôi đùa: “Chắc ông biết đặc tính của cỏ may là khả năng sinh tồn cao và ai đã bước vào là hoa cỏ may bám riết, dính chặt? Hèn chi doanh nghiệp Cỏ May hút khách hàng và bền vững phát triển”? Ông Bên xua tay, lắc đầu quầy quậy: “Là tình cờ, chứ tôi không có dụng ý gì hết trơn! Sau này mới biết về cỏ may. Nó xấu hoắc à, xấu như tôi vậy!” – “Chả là đọc cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, tôi có chút xúc cảm ở cái đoạn “1 sáng tinh sương, chú dế mèn đi qua vùng cỏ may dưới ánh nắng yếu ớt của một ngày mới. Những hạt sương còn đọng lại long lanh trên cành lá...” thế là đặt tên Cỏ May”.
Thuộc làu làu cả đoạn văn dài, lại đọc rất diễn cảm nữa...Tôi cứ nín thở mà nghe, mà cảm phục!
Mộng mơ, lãng mạn, yêu văn chương, yêu cái đẹp lấp lánh trong con người doanh nhân Phạm Văn Bên!>> Người đàn ông lập dị ở Đồng Tháp