Công an Hà Nội cảnh báo nhiều thiết bị gian lận thi cử mới
VOV.VN - Sáng nay, tại Hội nghị triển khai công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thượng Tá Ngô Xuân Hải, Phó trưởng phòng PA03 công an TP. Hà Nội đã hướng dẫn một số biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong kỳ thi năm nay.
Hàng năm, Bộ Công an, Công an TP. Hà Nội đều yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ có liên quan tổ chức, nắm bắt tình hình, rà soát, phát hiện các hoạt động buôn bán, tàng trữ, lưu hành các loại thiết bị gian lận thi cử. Qua đó, phát hiện nhiều vụ việc buôn bán, tàng trữ và đã xử lý. Bên cạnh đó, Bộ Công an và công an TP cũng rà soát các hội nhóm thi hộ, thi kèm, xử lý nhiều trường hợp. Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của Hà Nội.
Cảnh báo nhiều thiết bị gian lận tinh vi
Theo Thượng Tá Ngô Xuân Hải - Phó trưởng phòng PA03 Công an TP. Hà Nội, với sự phát triển khoa học công nghệ, ngày càng xuất hiện nhiều thiết bị nhỏ hơn, tinh vi, bí mật, dễ che giấu và khó phát hiện hơn.
Với thiết bị ghi hình ngụy trang: đặc điểm là dễ dàng cất giấu trong người hoặc ngụy trang tại nơi thí sinh ngồi thông qua những vật dụng được phép mang vào. Đặc điểm của các loại thiết bị này là có sim, tai nghe nhỏ và camera siêu nhỏ. Từ camera này ngụy trang để chụp đề thi chuyển ra ngoài. Thiết bị này có sim để bên ngoài gọi điện vào thì có thể tương tác với thí sinh trong phòng thi.
Một số thiết bị có camera ngụy trang và hỗ trợ kết nối wifi, thiết bị wifi sử dụng sim thẻ điện thoại, phần mềm cài đặt trên điện thoại bên ngoài và liên hệ với thiết bị mang vào phòng.
Các loại thiết bị ghi hình ngụy trang, camera có thể dưới dạng mắt kính nhỏ gọn, bút viết, có loại bút viết có cả màn hình, bàn phím ẩn dưới nắp bút; Camera dưới dạng thắt lưng; camera dưới dạng khuy áo. Theo thượng tá Hải, trước đây camera dưới dạng khuy áo thường có dây cắm vào tai nghe. Vì vậy, thí sinh phải dùng tóc dài để che dây nhưng bây giờ với micro siêu nhỏ, tài nghe siêu nhỏ dễ dàng sử dụng nên camera dạng khuy áo trở nên phổ biến. Ngoài ra còn có các loại camera ngụy trang dưới dạng trang sức đeo cổ, camera ngụy trang đồng hồ....
Với tai nghe siêu nhỏ và một thiết bị lắp thẻ sim có thể nhận cuộc gọi từ bên ngoài. Thiết bị này được ngụy trang dưới nhiều đồ vật, như giấu trong trang phục của thí sinh quấn quanh cổ áo, khâu chìm bên trong lớp áo...Sim điện thoại lắp đặt trong thiết bị. Thí sinh gắn tai nghe hạt đậu vào lỗ tai sát màng nhĩ trước khi vào phòng thi.
Có 2 cách để thí sinh chuyển đề thi ra bên ngoài từ thiết bị này đó là: đọc đề qua micro gửi ra ngoài hoặc từ camera siêu nhỏ chụp gửi ra ngoài. Sau đó, bên ngoài hướng dẫn vào qua tai nghe siêu nhỏ hoặc qua các màn hình chiếu nội dung văn bản. Tai nghe siêu nhỏ thường có kích thước 6-10 mm, pin 2 mm trong tai nghe.
Ngoài ra còn có các thiết bị khác hỗ trợ nhận cuộc gọi ngụy trang dưới dạng thẻ ATM, ngụy trang dưới dạng bút viết, máy tính. Thượng tá Hải cho rằng, theo quy chế thí sinh không được mang máy tính có thẻ sim hoặc có sóng điện thoại vào phòng thi nhưng nếu không được kiểm tra kỹ thì rất khó phát hiện.
Đại diện PA03 cảnh báo một loại thiết bị mới xuất hiện gần đây là vòng và nhẫn đeo tay. Với loại này, khi nhận được nội dung không có màn hình phát ra nên sẽ chiếu ra một màn hình khác. Ví dụ, vòng đeo tay có thể chiếu vào lòng bàn tay, khi thí sinh che bàn tay làm bài thì vòng chiếu vào lòng bàn tay đủ nội dung để thí sinh chép bài.
Phát hiện thí sinh gian lận, cần xử lý kịp thời
Thượng tá Ngô Xuân Hải lưu ý, trước khi vào phòng thi, cán bộ coi thi cần tuyên truyền nhắc nhở và nghiêm cấm thí sinh mang thiết bị này vào phòng thi, nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc, nếu làm lộ đề có thể xem xét, xử lý hình sự.
Bên cạnh nhắc nhở thí sinh, thầy cô phải quan sát kiểm tra một số thiết bị nghi vấn. Đồng hồ thông minh phải để ở ngoài phòng thi.
Ông Hải lưu ý, những vật dụng khả nghi thường có nút nguồn để sạc pin, khe cắm thẻ nhớ, camera, có màn hình hiện một số biểu tượng ghi âm, phát wifi, sóng điện thoại (những biểu tượng này rất nhỏ)...
Sau khi phát đề thi, thí sinh lẩm nhẩm đọc đề chuyển ra ngoài, không tập trung làm bài, có biểu hiện giật mình khi giám thị đến gần, hay quan sát cán bộ coi thi, mặc nhiều áo, cổ áo túi áo cộm hoặc để tóc dài trùm tai, trùm gáy, loay hoay dùng thiết bị chụp ra bên ngoài, nhìn vào thiết bị để đọc từng dòng, từng chữ viết vào... là một số biểu hiện của thí sinh gian lận.
Quy trình phát hiện xử lý thí sinh gian lận đã trong quy chế. Tuy nhiên, thượng tá Ngô Xuân Hải nhấn mạnh, khi phát hiện thí sinh gian lận cần báo ngay cho lực lượng công an để xử lý.
“Đã xảy ra tình trạng giám thị phát hiện phát hiện thí sinh gian lận, lập biên bản niêm phong giữ đến cuối buổi thi mang về nộp điểm trưởng, điểm trưởng nộp hội đồng thi là xử lý là muộn”.
Theo ông Hải, việc phát hiện đề thi có dấu hiệu bị lộ hay không rất quan trọng vì ảnh hưởng đến phạm vi cả nước. “Vì vậy, khi phát hiện các thiết bị gian lận thầy cô phải báo cáo ngay cho điểm trưởng, điểm trưởng báo ngay cho công an. Từ đó, chúng tôi sẽ truy xét, xác định đối tượng trong và ngoài là ai?, phạm vi lộ đề đến mức độ nào? Nếu ngăn chặn được, phạm vi lộ chưa lớn có thể xử lý gọn. Còn nếu xử lý muộn, có trường hợp gửi mạng nhờ giải rất nguy hiểm”, thượng tá Hải cho biết.
Năm 2022, công an TP Hà Nội bố trí khoảng 1.000 cán bộ chiến sĩ tham gia bảo vệ thi gồm các phòng nghiệp vụ, công an quận, huyện.
Trao đổi tại hội nghị, thầy Lê Công Lợi – Hiệu trưởng THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) băn khoăn, với những vật dụng như đồng hồ, đồ trang sức, kính, ví... thí sinh có được đưa vào phòng thi không? Theo quy chế, học sinh chỉ được viết bằng bút 1 màu mực, không được dùng bút chì để viết cho bài viết tự luận, vậy thí sinh có được đem bút đỏ vào trong phòng thi?
Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các nhà trường quán triệt học sinh chỉ mang vào phòng thi những vật dụng thiết yếu phục vụ cho việc làm bài.
“Trang sức, đồng hồ, bút đỏ không phục vụ cho làm bài, thí sinh mang vào thì cán bộ coi thi phải kiểm soát xem có mục đích gì khác. Điều này có thể ảnh hưởng tâm lý học sinh. Do đó, tốt nhất là trao đổi hướng dẫn phổ biến, quán triệt thêm, chỉ những vật dụng gì thiết yếu, phục vụ chính cho việc làm bài thi thì mang vào.
Mặc dù bút đỏ không bị cấm mang vào phòng thi nhưng thí sinh cũng không được làm bài bằng bút đỏ nên thí sinh không nên mang vào”, ông Toản nói.
Với học sinh khiếm thính, khiếm thị phải dùng máy trợ thính trợ thị thì kiểm soát thế nào? Về nội dung này, ông Toản cho biết, Sở GD-ĐT cùng với công an sẽ có phương án cụ thể. Thông qua bộ phận an ninh làm việc tại điểm thi để cùng rà soát. Dự kiến, trước hết cho thí sinh đăng ký, thiết bị sẽ được an ninh kiểm tra. Nếu đáp ứng được yêu cầu thí sinh mới được phép sử dụng máy trợ thính, trợ thị cho trường hợp đặc biệt.
Năm 2023, Hà Nội số thí sinh thi tốt nghiệp THPT đông nhất cả nước với khoảng 98.000 thí sinh (chưa kể thí sinh tự do)./.