Công nhân chới với vì mất việc cuối năm: “Khốn khó vì bỗng dưng... mất việc”
VOV.VN - Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán 2023, thế nhưng những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, phải cắt giảm hàng nghìn lao động thay vì tuyển người như mọi năm. Hàng loạt công nhân ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai lại đột ngột mất việc, cuộc sống thêm chật vật.
Chới với vì mất việc
Vừa tan ca, chị Nguyễn Loan, Công ty TNHH Tỷ Hùng ở quận Bình Tân, TP.HCM lẳng lặng trở về căn phòng trọ gần 12m2 trong con hẻm nhỏ gần công ty. Vẫn là con đường cũ chưa đầy 5 phút đi bộ, thế nhưng nửa tháng nay, chị thấy dài tít tắp, heo hút và tối đen hơn hẳn như tâm trạng chông chênh của chị. Chỉ còn 2 tuần nữa là chị thất nghiệp, nhưng trước mắt, chị phải chuẩn bị hơn 70 triệu đồng cho chồng chữa bệnh u não.
Chồng chị làm nghề xe ôm, do triệu chứng mắt mờ dần nên không dám nhận nhiều cuốc xe. Bỗng đầu tháng 5, anh phát bệnh nặng, được bệnh viện tuyến cuối phát hiện u não. Bao nhiêu tiền dành dụm phải dốc hết để chữa bệnh cho anh. 17 năm gắn bó với công ty Tỷ Hùng, giờ chị Loan vẫn nằm trong danh sách gần 1.200 công nhân mất việc, được bồi thường 2 tháng lương và cũng có 1 phần tiền thưởng Tết (với 11 tháng làm việc trong năm). Song, số tiền không đủ lo viện phí sắp tới cho chồng, chưa kể ăn uống, chị lại không thể dễ dàng tìm việc mới vì vừa lớn tuổi, vừa chăm chồng bệnh.
Nằm mệt mỏi trên chiếc ghế bố trong căn phòng chật hẹp, mấy hôm nay chị Loan chỉ ăn vài củ khoai và trái cà được hàng xóm cho. Chị Nguyễn Loan chua xót: “Giờ phương án cuối cùng là phải bán đất ở quê thôi chứ hết cách. Nếu không mắc bệnh thì tôi còn có thời gian đi khắp nơi tìm việc làm, chứ giờ chồng bệnh như vậy tôi không biết phải làm sao”.
Trong căn phòng trọ cũ ở phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, chị Nguyễn Thị Bích (quê ở An Giang) gói ghém, xếp đồ cho chồng bắt xe về quê mà lòng nặng trĩu. Ra đến Ngã tư Hòa Lân, có nhiều công nhân cũng đang đứng chờ xe khách để về quê như vợ chồng chị Bích, gương mặt ai cũng trầm tư, lặng lẽ nhìn nhau.
Chị Bích là công nhân Công ty TNHH Singer, chuyên sản xuất giày da ở thành phố Thuận An, gần đây do không có đơn hàng nên công ty cho công nhân nghỉ phép năm, rồi cho nghỉ không lương. Chồng chị là công nhân ở công ty xuất khẩu gỗ, mấy tháng qua cũng không có thu nhập nên phải gửi con về quê, giờ anh về phụ gia đình trồng rau, nuôi cá. Ban đầu, vợ chồng chị dự định cùng về quê, nhưng còn gánh nặng cha mẹ già, con nhỏ đang tuổi ăn học, trong khi cái Tết cận kề, cần nhiều chi phí trang trải nên chị quyết định ở lại 1 mình để kiếm việc làm thêm.
Long đong tìm việc mới
Mấy tuần qua, chị Nguyễn Thị Bích lang thang qua các khu công nghiệp trong tỉnh Bình Dương tìm việc, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu không tuyển dụng. Giờ chị đành chuyển hướng đi tìm quán ăn, cửa hàng tạp hóa để xin phụ bán hàng.
Chị Bích ngậm ngùi: “Nguyên năm nay không mần được gì nên Tết năm nay ở đây chứ không về quê. Từ đây đến Tết còn có 2 tháng nên qua Tết tính tiếp. Dự định ra năm tìm công việc mới cho ổn định, chứ mẹ cha ở quê bệnh hoài, không đủ chi tiêu”.
Ông Lê Quang Cường, 55 tuổi, là công nhân của công ty TNHH Thương mại quốc tế Dragon up (100% vốn của Đài Loan) ở phường An Lạc, quận Bình Tân TP.HCM, chuyên sản xuất gia công đế giày xuất khẩu hơn 10 năm qua. Những tháng gần đây, công ty không có đơn hàng nên ông Cường không có việc làm. Để hỗ trợ công nhân, công ty trả lương tháng 11 là hơn 2,5 triệu đồng và 3 tháng tới sẽ là 1 triệu đồng mỗi tháng. Nếu có thêm đơn hàng thì công ty sẽ tiếp tục gọi công nhân vào làm việc, còn không thì chấm dứt hợp đồng.
Ông Cường cho biết, trước đây, công việc ổn định, mỗi tháng thu nhập của ông từ 8-9 triệu đồng. Người vợ ở nhà nhận gia công, sửa vá quần áo cho người dân, trung bình mỗi ngày được trả công 100.000-200.000 đồng. Giờ đây không có việc làm, ông dắt chiếc xe máy Dream đời cũ ra hành nghề xe ôm nhưng cũng chẳng có khách. Mấy tuần nay, ông Cường đến công ty xây dựng để xin việc nhưng bị từ chối, tìm việc bảo vệ cũng không ai thuê.
Ông Lê Quang Cường lo lắng: “Con thì học đại học, phòng thì một tháng phải đóng điện nước luôn là 2,5 triệu, còn chi tiêu ăn uống, rồi đám tiệc ở quê. Bình thường đi làm hoài, nhưng giờ mình không có nguồn thu nhập, rồi phải lo tiền cho con cái học hành nên tâm trạng âu lo lắm. Trước mắt phải tìm được việc làm, nhưng chưa tìm được vì lớn tuổi rồi”.
Tại Đồng Nai, hàng ngàn công nhân lao động đã bị giảm giờ làm và mất việc. Bà mẹ đơn thân Nguyễn Thị Út, ngụ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là công nhân của công ty sản xuất đồ mộc, vừa mất việc, lại thêm ốm liên miên trên nền bệnh đái tháo đường nên không tìm được việc mới. Chị đành “hoán đổi” vị trí nội trợ cho mẹ là bà Trương Thị Phượng, 50 tuổi, để ở nhà trông con nhỏ, còn bà Phượng đi kiếm việc làm. Sau nhiều ngày mỏi mắt tìm kiếm việc làm, không được công ty nào nhận, bà Phượng đã tìm được việc phụ hồ, nấu ăn cho một nhóm công nhân đang xây dựng công trình nhỏ trên địa bàn.
Hướng ánh nhìn về phía con gái đang ốm, bà Trương Thị Phượng ngậm ngùi: “Mấy tháng trước, cứ đơn hàng đều đều, sau này làm cứ nghỉ hoài, công việc bấp bênh. Giờ thất nghiệp ở nhà hổm tới nay, ai kêu làm gì làm đó. Tui khổ cũng ráng lết đi làm thôi chứ sao giờ. Đi buôn bán thì không nổi, cứ làm thì hôm nào khỏe thì đi, không khỏe thì xin nghỉ”.
Lao động bị mất việc hàng loạt không chỉ xảy ra tại TP.HCM mà còn là thực trạng nhức nhối tại nhiều tỉnh, thành khác, nhất là các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai. Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay có 25 địa phương, đơn vị báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng việc làm, đời sống. Trong đó, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Số doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng là 441 doanh nghiệp (trong đó có 331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm hơn 75%) với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam với 68% tổng số doanh nghiệp, hơn 88% tổng số lao động bị ảnh hưởng.
Trong khi cái tết đang cận kề, các ngành chức năng làm gì để đồng hành, hỗ trợ cho công nhân vượt qua khó khăn do thất nghiệp và bão giá./.