Cử tri Lâm Đồng khát khao có thủy lợi để chống hạn
VOV.VN - Tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng sáng nay (6/5), cử tri xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) phản ánh tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Cử tri kiến nghị Nhà nước sớm có phương án xây dựng các đập thủy lợi, đảm bảo sản xuất và sinh kế lâu dài cho người dân.
Đồng Nai Thượng là xã xa nhất của huyện Cát Tiên, dân số hơn 440 hộ, 1.800 khẩu, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đến 95%. Ngoài nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Tuy nhiên, theo cử tri K’Minh, ở thôn Đa Cọ, xã Đồng Nai Thượng, do tình hình khô hạn diễn biến ngày càng khắc nghiệt, thiếu nước tưới khiến nhiều diện tích cây trồng bị khô cháy, giảm sản lượng nghiêm trọng.
“Người Kinh có câu nói là nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống, vì vậy nếu không có nước thì bà con không thể làm gì được. Đồng Nai Thượng là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc thù nên rất mong Đảng, Nhà nước quan tâm đến bà con chúng tôi, bởi không có nước cây sầu riêng bây giờ đã tự chết, tự rụng quả cho nên rất cần có nước càng sớm càng tốt để phục vụ sản xuất cho bà con”.
Những năm qua, người dân Đồng Nai Thượng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa hơn 100 ha cây điều già cỗi, năng suất kém sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày như bơ, sầu riêng, cà phê, tiêu… mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, bà con đã xây dựng thành công mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch với diện tích hơn 120 ha; hồ tiêu mang thương hiệu Tiêu sọ Đồng Nai Thượng cũng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là những sản phẩm nông sản chủ lực, giúp Đồng Nai Thượng có điều kiện vươn lên thoát nghèo, xây dựng buôn làng phát triển. Thế nhưng, việc không chủ động được nguồn nước tưới đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất và đời sống của người dân nơi đây.
Cử tri Nguyễn Văn Quy, ở thôn Bù Sa, xã Đinh Trang Thượng, cho biết hiện hệ thống hồ đập trên địa bàn có quy mô quá nhỏ, trong khi nhu cầu cây trồng cần nước tưới ngày càng tăng… là nguyên nhân khiến hàng trăm ha cây trồng đang có nguy cơ khô héo ở mùa khô này.
“Đạ Rông có 3 nguồn nước nhưng mưa xuống là nó chảy xuống sông Đồng Nai hết. Nơi đây là khu vực đồi núi cao nên có mưa thì còn nước mà hết mưa là khô cạn. Mặc dù có đào ao nhỏ nhưng nguồn nước cũng hạn chế do không còn mạch nước. Tôi đề nghị nên chặn đập này lại để giữ nước và tạo mạch nước ngầm cho dân cả vùng này để cứu cây trồng”.
Tại buổi tiếp xúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận ý kiến của cử tri và yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng quan tâm công tác phòng chống hạn, có phương án đảm bảo nguồn nước tưới lâu dài, bền vững cho người dân.