Cúm AH7N9 chưa có ở Việt Nam
(VOV) -Thời tiết tiếp tục thay đổi, các hoạt động vận chuyển lậu gia cầm vẫn còn, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh là rất cao.
Ngày 16/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám đã có cuộc họp giao ban với lãnh đạo các bộ, ngành về tình hình dịch cúm gia cầm trên cả nước.
Phát biểu tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra tại Hà Nội, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú Y nhấn mạnh, tình hình dịch cúm gia cầm tại Việt Nam đang có những diễn biến tích cực nhưng các cơ quan chuyên môn cho rằng đây là thời điểm dịch dễ bùng phát mạnh nên cần có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn.
Nguy cơ phát sinh dịch cao
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong hai tuần qua ( từ 13/4-16/4) cả nước không phát sinh các ổ dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng cơ bản được khống chế và không phát sinh thêm ổ dịch mới. Hiện cả nước chỉ còn hai tỉnh là Thanh Hóa và Hà Tĩnh vẫn còn dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.
Tuy nhiên, dịch Tai xanh lại có những diễn biến phức tạp, phát sinh ổ dịch mới tại các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định và Thái Bình. Tại các ổ dịch cũ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh dịch vẫn tiếp tục phát sinh. Hiện cả nước còn 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Bình và Bắc Ninh có các ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Đây là thời điểm dịch dễ bùng phát mạnh |
Theo nhận định của Cục Thú y, dịch cúm gia cầm đã được khống chế, hiện nay cả nước không có tỉnh nào có dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, thời gian tới, do thời tiết tiếp tục thay đổi làm giảm sức đề kháng đàn gia cầm, các hoạt động vận chuyển lậu gia cầm vẫn còn, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh là rất cao, đặc biệt là các địa bàn có ổ dịch cũ, địa bàn có mật độ thủy cầm cao.
Các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là những tỉnh có ổ dịch Lở mồm long móng, dịch Tai xanh cũ, đàn gia súc thời gian miễn dịch còn ngắn, chưa được tiêm phòng nên nguy cơ phát sinh dịch là cao.
Tăng cường các biện pháp chống dịch trong thời gian tới
Phát biểu tại buổi giao ban, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh các địa phương cần thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch cúm AH5N1 và AH7N9, chỉ thị của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, các chỉ thị của Bộ NN&PTNT về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Cụ thể, Thứ trưởng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải thành lập các đoàn kiểm tra phòng chống dịch,tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức giám sát phát hiện ổ dịch kịp thời; Triển khai tiếp tục lấy mẫu, xét nghiệm các mẫu để xác định cúm gia cầm; Đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, tiếp tục tham mưu đẩy mạnh việc phát hiện các thủ đoạn tinh vi trong việc vận chuyển; Chấn chỉnh công tác tiêm phòng vaccine, sử dụng ngân sách địa phương mua vaccine phòng chống dịch bệnh, chủ động chống dịch khi phát hiện có ổ dịch xảy ra.
Đặc biệt, đối với dịch bệnh trên chim yến nuôi, Thứ trưởng đốc thúc Bộ NN&PTNT, Cục chăn nuôi soạn thảo quy định về nuôi chim yến, đưa ra các giải pháp cụ thể về phòng ngừa dịch./.