Cưỡng chế 70ha ở Hải Phòng: Những dấu hiệu trái luật

Vụ khiếu kiện của ông Lê Đình Thảo ở xã Tiên Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng trải qua hết các cấp tòa án. Song những kết luận đúng sai vẫn còn nhiều điểm “băn khoăn”.

Anh Lê Văn Tân, con trai chủ đầm Lê Đình Thảo (đã mất năm 2009), xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, cho biết, kết luận hợp lý, hợp tình của Thủ tướng về vụ cưỡng chế khu đất của ông Đoàn Văn Vươn đã tạo niềm tin cho gia đình anh. Anh Tân mong rằng, các cơ quan chức năng xem xét lại việc huyện Tiên Lãng cưỡng chế khu đất 70ha của gia đình anh năm 2008, trên cơ sở luật pháp và công sức mà gia đình anh đã bỏ ra.

Cứ hết hạn là thu hồi?

Theo hồ sơ, ngày 30/3/1989, HTX nông nghiệp xã Tiên Thắng ký hợp đồng kinh tế đấu thầu vùng đất bãi Gành Chè và được UBND xã Tiên Thắng nhất trí ký xác nhận cho ông Lê Đình Thảo thuê có thời hạn 5 năm.

Theo Báo cáo số 38/BC-STN&MT của Sở Tài nguyên-Môi trường báo cáo UBND TP Hải Phòng ngày 25/5/2006, trong 4 năm từ 1989-1992, hộ gia đình ông Lê Đình Thảo đã hoàn thành đắp 2,7km đê, xây 5 cống lấy giống, khai hoang phục hóa được 86ha đất đai để cấy lúa, nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ.

Ông Lê Đình Thảo lúc còn sống đứng trên con đê mà ông đã bỏ công, bỏ của tạo nên

Đến ngày 19/6/1992, UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 293/QĐ-UB về việc giao đất có thời hạn để khai thác và nuôi trồng thủy sản kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Theo quyết định này, ông Lê Đình Thảo được phép sử dụng 70ha (so với 86ha ông khai hoang phục hóa) đất bãi triều ven sông Văn Úc, khu vực Gảnh Chè.

Để hoàn tất thủ tục, UBND huyện Tiên Lãng cũng đã giao cho Phòng Nông nghiệp, UBND xã Tiên Thắng lập các thủ tục giao đất và hướng dẫn ông Thảo quản lý, sử dụng diện tích đất được giao đúng mục đích đã được duyệt. Hết thời hạn được giao, ông Thảo có trách nhiệm giao lại toàn bộ mặt bằng và hiện trạng trên diện tích được giao cho Nhà nước quản lý.

Tuy nhiên, 3 năm sau, tức năm 1995, diện tích sản xuất lúa một vụ mà ông Thảo được sử dụng chỉ còn 15% (trong tổng số 30% diện tích trồng lúa được giao năm 1992), còn UBND xã Tiên Thắng được sử dụng 85% diện tích đất trong vùng cấy lúa bổ sung vào quỹ đất công ích của xã! Trong nhiều năm, UBND xã Tiên Thắng và hộ gia đình ông Lê Đình Thảo đã sử dụng diện tích đât chia theo tỷ lệ trên.   

Ngày 26/8/2004, UBND huyện Tiên Lãng có Thông báo số 282/TB-UB về việc thu hồi đất giao hết thời hạn đối với ông Lê Đình Thảo. Và ngày 31/12/2004, UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành Quyết định số 1588/QĐ-UB về việc thu hồi đất giao đã hết thời hạn sử dụng, trong đó có các nội dung: Thu hồi diện tích 70ha đất do ông Lê Đình Thảo sử dụng, nay đã hết thời hạn giao đất; Ông Thảo có trách nhiệm bàn giao toàn bộ diện tích trên và các công trình có trên đất cho Nhà nước sau 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi; Giao toàn bộ diện tích đất thu hồi và các công trình cho UBND xã Tiên Thắng quản lý, sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch của địa phương.

Vậy UBND huyện Tiên Lãng căn cứ vào đâu để thu hồi đất và không bồi thường cho gia đình ông Lê Đình Thảo?

Báo cáo của Sở TN-MT bị bỏ qua

Không đồng ý với quyết định thu hồi của UBND huyện Tiên Lãng, ông Thảo đã có đơn khiếu nại. UBND TP Hải Phòng đã có ý kiến chỉ đạo giao Sở TN&MT và UBND huyện Tiên Lãng kiểm tra, giải quyết khiếu nại của ông Thảo.

Trong báo cáo số 38/BD-STN&MT của Sở TN&MT TP Hải Phòng của ngày 25/5/2006 nêu rõ: “Thông báo số 282/TV-UBND ngày 26/8/2004 của UBND huyện Tiên Lãng về việc thu hồi đất giao hết thời hạn nhưng không xác định phương án bồi thường (hoặc lý do không bồi thường thiệt hại) là chưa đúng với khoản 2 Điều 39 Luật Đất đai năm 2003; khi công bố quyết định thu hồi đất, UBND huyện Tiên Lãng chưa công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết vùng đầm Gảnh Chè”.

Về điều này, căn cứ được huyện Tiên Lãng đưa ra để thu hồi là khoản 10, điều 38 và khoản 2, điều 43 của Luật Đất đai năm 2003 và khoản 5 điều 36 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, diện tích đất ông Thảo đang sử dụng là “Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn”, và do đó đương nhiên không được bồi thường. Tuy nhiên, lý do ông Thảo không được gia hạn vì hết hạn giao đất thì rõ ràng không thuyết phục.

Báo cáo của Sở TN-MT TP Hải Phòng cũng đã khẳng định: Căn cứ Điều 67 Luật Đất đai khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt…”.

Các hồ sơ cũng cho thấy, trong quá trình sử dụng đất, cũng như khi bị thu hồi, ông Thảo đều có nguyện vọng, nhu cầu giao đất, thuê lại đất nhưng không được huyện Tiên Lãng chấp nhận. Điều này rõ ràng trái với Luật Đất đai cũng như Nghị định 181 của Chính phủ.

Sau khi xác minh, báo cáo quá trình đấu thầu đất, sử dụng đất cũng như quá trình thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng, Sở TN&MT TP Hải Phòng- một cơ quan chuyên trách về đất đai đã phân tích và chỉ ra những điểm chưa hợp lý theo Luật Đất đai trong quá trình thu hồi đất có thời hạn của UBND huyện Tiên Lãng và có đề nghị xác đáng nhằm đảm bảo lợi ích của người sản xuất theo chỉ đạo của TP Hải Phòng, nhưng UBND huyện Tiên Lãng vẫn quả quyết khiếu nại của ông Thảo là không có căn cứ, và việc thu hồi là đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Không đồng ý với Quyết định thu hồi của UBND huyện Tiên Lãng, ông Lê Đình Thảo đã liên tục khiếu nại và kiện UBND huyện Tiên Lãng ra tòa án hành chính. Tuy nhiên, một điều đặc biệt là trong khi tòa án các cấp cho rằng việc thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng là đúng, thì Viện kiểm sát nhân dân lại liên tục kháng nghị với yêu cầu hủy các quyết định trước đó, vì cho rằng không đúng luật.

Mặt khác, trong các bản án, những lập luận đúng sai về vụ cưỡng chế 70ha đất của ông Lê Đình Thảo trên căn cứ của Luật Đất đai 2003, Nghị định 64 và Nghị định 181 của Chính phủ vẫn còn nhiều điểm đáng phải bàn. Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên