Đã đến lúc “nới lỏng” việc đeo khẩu trang cho học sinh trong trường lớp
VOV.VN - Theo chuyên gia, đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường là không cần thiết trong tình hình dịch hiện nay và hầu hết học sinh đã tiêm vaccine Covid. Nếu đeo liên tục và không đúng cách, nguy cơ gây ra các bệnh hô hấp, ảnh hưởng tới sức khỏe của các em.
Đến thời điểm này, học sinh các cấp ở Hà Nội và hầu hết các địa phương đã đi học trở lại. Thời tiết cũng bắt đầu vào mùa nóng, rất nhiều trường học vẫn yêu cầu học sinh bắt buộc phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường. Quy định này cũng đang gây nhiều ý kiến trái chiều, nhất là đối với phụ huynh học sinh.
Chị Hoàng Lê Tuyết, ở Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội có con học lớp 8. Con của chị đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 nhưng chị vẫn lo lắng nên bắt con trang bị rất kỹ càng khi đến trường. Ngoài việc đeo khẩu trang, con gái chị trong cặp lúc nào cũng có một lọ cồn xịt khuẩn. Trường của con cũng yêu cầu học sinh phải đeo khẩu trang khi đến trường và trong giờ học. Chị Tuyết ủng hộ chủ trương này của nhà trường và cho rằng, như vậy sẽ giúp con hạn chế việc lây nhiễm Covid-19.
Đeo khẩu trang kéo dài sẽ gây ra không ít hệ quả
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại băn khoăn với việc con mình đeo khẩu trang cả ngày khi đến trường. Chị Hồng Mai, ở Thịnh Quang, Ngã Tư Sở, quận Đống Đa (Hà Nội) thì cho rằng, con chị và học sinh cấp 2-3 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, con cũng đã bị mắc Covid thì việc đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường cũng không cần thiết. Thời tiết lại khá nóng nực, nếu kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới hô hấp và sức khỏe của con.
Tại hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, trước băn khoăn của đại diện nhiều Sở GD-ĐT về việc thực hiện đeo khẩu trang, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các trường thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 1583 ngày 7/4/2020. Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương và trường học không sử dụng mũ, nón, trang phục có tấm chắn giọt bắn cá nhân trong lớp học; không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học; tiếp tục duy trì đeo khẩu trang trên đường đến trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi, khi ra khỏi lớp và trên đường về nhà. Không áp dụng giãn cách trong lớp học. Hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp học với nhau và chỗ đông người….
Liên quan đến vấn đề này, TS Bùi Lê Minh - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng, việc nhiều trường bắt buộc học sinh đeo khẩu trang toàn thời gian khi ở trường là quy định chưa hợp lý.
Theo TS Bùi Lê Minh, về vai trò của khẩu trang trong việc ngăn ngừa lây lan SARS-CoV-2, đặc biệt là với Omicron hiện nay vẫn có một số dữ liệu không thống nhất. Các đánh giá về việc sử dụng khẩu trang trong môi trường trường học ở Mỹ cho thấy không có hiệu quả rõ ràng trong việc ngăn ngừa Omicron. Trong các nghiên cứu về hiệu quả ngăn ngừa lây COVID-19 thì hiệu quả của khẩu trang còn phải đi kèm với điều kiện quan trọng là khẩu trang phải được đeo đúng cách trong suốt thời gian khảo sát. Trong thực tế rất khó để có thể duy trì việc đeo khẩu trang “chuẩn” trong suốt thời gian dài như vậy, đặc biệt là với học sinh các lớp tiểu học.
“Còn nói về các hệ quả của việc đeo khẩu trang kéo dài thì cũng có không ít. Việc này trước hết là làm cho học sinh thấy không thoải mái trong khi học, nhất là khi thời tiết nóng. Trong thời gian học ở trường, mồ hôi, hơi ẩm do đeo khẩu trang kéo dài có thể làm bụi bám lại ở viền khẩu trang, hoặc thậm chí ở mặt trong khẩu trang khi khẩu trang bị lệch, lại làm tăng nguy cơ các em bị tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh” - TS Bùi Lê Minh nói.
Đã đến lúc bớt sợ Covid-19, xây dựng lá chắn khác cho thế hệ tương lai
Cũng theo TS Bùi Lê Minh, riêng với các lớp đầu cấp 2, đây là giai đoạn quan trọng để các em hình thành các kỹ năng giao tiếp, việc che mặt thường xuyên sẽ làm học sinh rất khó xác định hay làm quen với các biểu cảm của người đối diện. WHO cũng không thường xuyên nhấn mạnh vai trò của khẩu trang với nhóm trẻ 6-11 do có thể ảnh hưởng tới quá trình học và phát triển tâm lý của trẻ. Đồng thời, WHO còn khuyến cáo học sinh không nên sử dụng khẩu trang khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao do khẩu trang có thể giới hạn khả năng hô hấp của các em.
“Với những lý do trên thì việc đeo khẩu trang khi ở trường của học sinh cũng nên điều chỉnh linh hoạt hơn, có thể chuyển sang tùy chọn với học sinh khi ở trong lớp học, không đeo khi tham gia các hoạt động thể chất và bắt buộc khi tập trung đông trong không gian hẹp như lúc đi học hay tan trường”- TS Bùi Lê Minh nhấn mạnh.
Trong tình hiện nay là phần lớn trẻ em ở độ tuổi 12-17 đã tiêm vaccine hoặc đã từng mắc COVID-19 và biến thể ưu thế Omicron phần lớn không gây tác hại nghiêm trọng với trẻ thì các quy định phòng dịch tại trường học, cần nới lỏng dần tương ứng với những thay đổi trong phương án phòng dịch chung trong cộng đồng để vừa đảm bảo nguy cơ thấp ở trường học nhưng vẫn tạo môi trường tốt cho trẻ em được học tập và phát triển lành mạnh.
Việc quá căng thẳng trong phòng dịch COVID-19 có phần đã làm chúng ta quên đi những nguy cơ khác với trẻ em vẫn còn tồn tại như sốt xuất huyết, sởi, viêm phổi… hay các tai nạn, thương tích và các tổn thương tâm lý có thể gây tác hại rất lớn hay làm trẻ em thiệt mạng.
“Theo dữ liệu của Bộ Y tế từ đầu 2022, tính từ đầu dịch có hơn 40 trẻ em trong độ tuổi 13-17 tử vong do COVID-19. Mặt khác, trung bình mỗi ngày ở Việt Nam đã có tới 5 trẻ em dưới 16 tuổi thiệt mạng do đuối nước, mỗi tháng đầu năm 2022 đã có vài trẻ tử vong do sốt xuất huyết Dengue, chưa kể tới các trường hợp trẻ vị thành niên tự sát do áp lực học hành và nhiều lý do khác có thể làm tổn thương trẻ. Đây là những nguy cơ thậm chí còn nguy hiểm hơn COVID-19 nhưng chưa có chương trình quốc gia nào nhằm giảm thiểu các nguy cơ này được quan tâm nhiều như việc phòng tránh COVID-19 tại trường học. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải bớt đi nỗi sợ COVID-19 để dành tâm trí cho việc xây dựng những lá chắn khác cho thế hệ tương lai của đất nước” - TS Bùi Lê Minh nói./.