Đà Nẵng đề nghị cho phép chính thức áp dụng mô hình chính quyền đô thị
VOV.VN - Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thành phố đang đề nghị Trung ương, Quốc hội xem xét cho phép chính thức áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng và đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, tạo ra động lực mới để phát triển thành phố.
Sáng nay (12/12), Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khai mạc kỳ họp cuối năm 2023, đánh dấu nửa nhiệm kỳ của Hội đồng Nhân dân thành phố trong điều kiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, thành phố đang đề nghị Trung ương, Quốc hội xem xét cho phép chính thức áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng và đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, tạo ra động lực mới để phát triển thành phố.
Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng có nhiều điểm sáng. Quy mô kinh tế tăng gần 10 nghìn tỷ đồng; du lịch tăng gấp đôi số lượng khách so với năm 2022. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố cũng phê duyệt nhiều quy hoạch phân khu. Các chương trình an sinh xã hội được thực hiện tốt với những chính sách riêng có của thành phố.
Tuy nhiên ,tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Đà Nẵng đạt thấp, một số chỉ tiêu chưa đạt so với Nghị quyết HĐND thành phố năm 2023; nhiều ngành, lĩnh vực phục hồi chậm và còn khó khăn; cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều thách thức; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố giảm sâu, trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 12,3%; kim ngạch nhập khẩu giảm đến 23%; thu nhập tiêu dùng trong dân cư giảm, ảnh hưởng đến sức mua, giá trị tăng thêm ngành buôn bán (trừ ô tô và xe máy) giảm 10,3%; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm…
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, Kỳ họp lần này sẽ thảo luận, bàn bạc cho ý kiến về 156 tài liệu, dự kiến thông qua 43 Nghị quyết với nhiều chủ trương quan trọng, có tác động lớn và trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Hội đồng Nhân dân thành phố tập trung cho ý kiến về điều chỉnh chế độ, chính sách người hoạt động không chuyên trách phường, xã, người tham gia công việc ở tổ dân phố, thôn; quyết định một số chính sách an sinh xã hội mang tính đặc thù của thành phố như: nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội; chính sách trợ cấp thường xuyên và đột xuất đối với người có công cách mạng, thân nhân liệt sĩ mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo...
Kỳ họp cũng dành thời gian để đại biểu thảo luận, thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề: “Về tình hình thực hiện các dự án chậm triển khai, dự án chậm bàn giao, dự án chậm đưa đất vào sử dụng” và “Về việc thực hiện các quy định pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố”, làm cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua giám sát để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 26 người giữ chức vụ do Hội đồng Nhân dân thành phố bầu, đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Phát biểu tại kỳ họp này, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh, chủ đề của năm 2024 là “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Trên cơ sở đó, Hội đồng Nhân dân thành phố thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, công nghệ AI phát triển nhằm tạo nền tảng cho sự bứt phá của thành phố trong thời gian đến.
Bí thư Thành ủy cho rằng, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Hội đồng Nhân dân và UBND thành phố chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 của Quốc hội; trên cơ sở đó, kiến nghị, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố:
“Thành phố và Chính phủ đang đề nghị với Quốc hội xem xét chính thức áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng và đề xuất cho phép áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù và chính sách mới phát triển thành phố, tạo ra động lực mới để thúc đẩy phát triển thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết 43 và Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị. Cùng với đó, thành phố cũng xây dựng cơ chế chính sách để phát triển một số lĩnh vực về công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị Hội đồng Nhân dân thành phố tăng cường giám sát các vấn đề nổi cộm, cử tri và Nhân dân quan tâm; đặc biệt tăng cường giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 34 ngày 27/10/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.
Trước mắt, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn-2024, cần thực hiện tốt công tác an ninh trật tự, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, quan tâm về an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất cho Nhân dân, nhất là người có công, các đối tượng chính sách xã hội; tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân.