Đại biểu Quốc hội kiến nghị xem xét “kỳ án Vườn Mít”
VOV.VN - Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị xem xét lại vụ án này với tinh thần không bỏ lọt tội phạm, nhất thiết không để xảy ra oan sai
Trong phần thảo luận tại phiên làm việc sáng 25/10 về công tác phòng chống tội phạm, công tác của ngành Tòa án, Viện Kiểm sát và thi hành án, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (Bình Phước) khi đề cập vấn đề tình trạng thụ lý án kéo dài, gây bức xúc trong dư luận đã đưa ra ví dụ bằng vụ án vườn mít hay vụ án Lê Bá Mai, và gọi đây là điển hình về án kéo dài với 11 năm.
Trong vụ án này, đương sự Lê Bá Mai bị cáo buộc tội danh hiếp dâm trẻ em và giết người xảy ra năm 2004 tại xã An Khương, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước và đã hai lần bị tuyên án tử hình, một lần tuyên vô tội và nay lại tuyên chung thân.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, dư luận quan tâm tới vụ án này vô cùng bức xúc và đặt tên cho vụ án này là “Kỳ án vườn mít” bởi vì nó kéo dài quá lâu, các mức án quá khác biệt, nhiều chi tiết kết tội chưa thực sự thuyết phục.
Đại biểu đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao xem xét lại bản án theo thẩm quyền của mình với tinh thần không bỏ lọt tội phạm, nhất thiết không để xảy ra oan sai, đặc biệt không sợ vì bồi thường trách nhiệm mà bỏ qua oan sai.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu dẫn chứng bằng một vụ án khác và cho rằng đây không phải là vụ án phức tạp nhưng lại để quá dài. Vụ án xảy ra đã 10 năm, đương sự đã nhiều lần kêu oan và bị xử lý hành chính, tòa tuyên án 36 tháng tù treo, đã nhiều lần đề nghị nhanh chóng giải quyết bởi càng để lâu càng gây bức xúc, bởi bản thân họ đã bị tuyên án 3 năm tù treo nhưng thực chất là hơn 10 năm bị án treo với tiếng là bị án tù. Không chỉ bản thân họ, mà trên thực tế người thân cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng kéo dài này; người dân nôn nóng, tòa án phúc thẩm trả lại điều tra bổ sung và không biết bao giờ vụ việc mới được xem xét.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phải chăng những vụ án trên đây là hậu quả của sự thiếu tự tin về năng lực, bản lĩnh và sợ trách nhiệm bồi thường, vô cảm trước sinh mạng chính trị của người dân./.