Đại diện Bộ Công an nói gì về phát ngôn của tướng Trần Sơn Hà?
Đại diện Bộ Công an cho rằng người dân có quyền giám sát hoạt động của CSGT nhưng việc yêu cầu được xem kế hoạch chuyên đề là không khả thi.
Trong cuộc họp ngày 15/8 tại Phòng CSGT Công an Hà Nội, ông Trần Sơn Hà nói: "Cán bộ, chiến sỹ Phòng CSGT Công an Hà Nội khi xử lý vi phạm ngoài đường phải cứng rắn, kiên quyết đấu tranh với những trường hợp vi phạm.
Chúng ta ra đường xử lý vi phạm được các cấp có thẩm quyền cho phép, trên ngực có bảng tên, biển hiệu, có thẻ đàng hoàng nên người dân yêu cầu kiểm tra kế hoạch, chuyên đề hay kiểm tra tem kiểm định của máy bắn tốc độ là không đúng, họ không có quyền như vậy".
Phát ngôn của ông Trần Sơn Hà gây xôn xao dư luận. |
Trao đổi với phóng viên, thiếu tướng Trần Thế Quân – Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) nói: “CSGT khi làm nhiệm vụ đều đeo thẻ tuần tra kiểm soát trên ngực và có ghi rõ họ tên, số hiệu của cán bộ, chiến sỹ.
Trường hợp người dân nghi ngờ đó là thẻ giả hoặc người đó giả danh CSGT thì có quyền yêu cầu người làm nhiệm vụ xuất trình chứng minh CAND hoặc gọi điện đến đơn vị có cán bộ, chiến sỹ đó để xác minh, kiểm tra.
Tuy nhiên, với các chương trình hay kế hoạch chuyên đề, nếu người dân yêu cầu được xem lại là không khả thi. Theo đó, mỗi kế hoạch chuyên đề chỉ có người quản lý chung được giữ, sau đó phổ biến cụ thể cho cán bộ, chiến sỹ và không phải cán bộ, chiến sỹ nào cũng có một tờ kế hoạch chuyên đề đem theo.
Theo tinh thần Hiến pháp 2013 thì không thể phủ nhận vai trò giám sát của người dân nhưng không có điều khoản quy định cụ thể, chi tiết về từng trường hợp người dân được kiểm tra hay không được kiểm tra CSGT.
Người dân có quyền kiểm tra, giám sát, nhưng cũng không nên lạm dụng quyền đó để gây khó dễ cho lực lượng thực thi nhiệm vụ”.
Thiếu tướng Trần Thế Quân. Ảnh: Như Ý |
Không thể tước quyền giám sát của dân
Trao đổi với PV về phát ngôn của ông Trần Sơn Hà, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty luật TNHH Trường Lộc) nói: Về nguyên tắc hoạt động của các cơ quan công an, chiến sỹ công an nhân dân được quy định cụ thể tại Điều 5 của Luật công an nhân dân.
Cụ thể theo Điều 5: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công an nhân dân: Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.
Công an nhân dân được tổ chức tập trung, thống nhất và theo cấp hành chính từ Trung ương đến cơ sở. Hoạt động của Công an nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các chiến sỹ Công an nhân dân thì khi hoạt động “phải dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”. Theo luật sư Tuấn, phát ngôn: Người dân không có quyền kiểm tra CSGT là trái với Luật Công an nhân dân.
Theo Luật Tiếp cận Thông tin được Quốc hội thông qua tháng 4/2016 quy định: Mọi công dân có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Tại điều 10 còn cho phép công dân tiếp cận mọi thông tin được cơ quan nhà nước công khai và có quyền yêu cầu nhà nước cung cấp thông tin.
"Vì thế chuyên đề, kế hoạch xử phạt của CSGT không thuộc phạm trù bí mật quốc gia nên người dân có thể được kiểm tra, pháp luật không cấm", luật sư Tuấn phân tích./.