Đại học nghiên cứu tại Việt Nam: Đề xuất từ các chuyên gia tại Pháp
VOV.VN -Có cần xây dựng các đại học mà chức năng chính là nghiên cứu tại Việt Nam và làm thế nào để xây dựng các đại học nghiên cứu hiệu quả tại Việt Nam?
Có cần xây dựng các đại học mà chức năng chính là nghiên cứu tại Việt nam và làm thế nào để xây dựng các đại học nghiên cứu hiệu quả tại Việt Nam, những thành công và bài học của Pháp trong lĩnh vực này là gì… Đó là những nội dung thảo luận sôi nổi tại bàn tròn giáo dục lần thứ 3 do Hội Chuyên gia Việt nam tại Pháp (AVSE) tổ chức tại Paris.
Tại hội thảo, các diễn giả đã phân tích hai loại hình đại học chính trên thế giới là đại học chuyên về giảng dạy và đào tạo và thứ hai là đại học nghiên cứu, tức là nghiên cứu chiếm một vị trí quan trọng trong các hoạt động giáo dục và đào tạo.
Nghiên cứu tại Pháp – triển khai từ lâu nhưng đầu tư còn hạn chế:
Về tình hình phát triển đại học nghiên cứu tại Pháp, bà Sacha KALLENBACH, Tổng thanh tra Bộ giáo dục Pháp và ông Damien VERHAEGHE, Tổng thanh tra Bộ giáo dục Pháp và Chánh văn phòng đại học Aix-Marseille cho biết Pháp đứng thứ 6 trên thế giới về các ấn phẩm khoa học, thứ 4 về các bằng phát minh quốc gia đăng kí bản quyền tại Châu Âu, và thứ 8 nếu tính theo bản quyền đăng kí tại Mĩ. Tuy nhiên, nước Pháp chỉ đứng thứ 24 về đổi mới công nghệ, do đầu tư cho nghiên cứu vẫn chưa đứng hàng đầu khu vực và thế giới.
Pháp có một mô hình đào tạo, nghiên cứu khá đặc biệt so với thế giới với:
- Các cơ quan, tổ chức chuyên về nghiên cứu (và chỉ làm nghiên cứu, không có đào tạo)
- Các đại học: có 73 trường trên toàn Pháp. Cần chú ý là không phải tất cả 73 trường này đều có nghiên cứu.
- Các Trường Lớn chuyên đào tạo ra nguồn nhân lực cao hay chính là giới tinh hoa làm quản lý các cơ quan đầu ngành.
Từ 2007 đến nay, chính sách đưa ra là phải liên kết ba khối này với nhau, đặc biệt là giữa các trung tâm nghiên cứu và trường đại học tạo nên các Đơn vị phối hợp nghiên cứu UMR. Về số lượng, có hơn 30 cơ quan tổ chức chuyên về nghiên cứu, trong đó phải kể đến CNRS - Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp và có 73 trường đại học phân bổ trong nhiều vùng khác nhau của Pháp.
Một số đặc điểm chung về nghiên cứu tại Pháp:
Hai Tổng thanh tra giáo dục của Pháp tham gia cuộc bàn tròn phân tích sâu một số đặc điểm về nghiên cứu tại Pháp như việc phân bổ, gắn kết giữa nghiên cứu và giảng dạy không đồng đều, thiếu gắn kết.
Ngân sách cho nghiên cứu, khoảng 20 tỉ Euro, chủ yếu đến từ ngân sách nhà nước, nguồn đến từ doanh nghiệp còn hạn chế. Ngân sách chủ yếu dùng để chi trả tiền lương và thưởng cho người làm nghiên cứu. Một hình thức đang phát triển là đầu tư cho nghiên cứu trên các hình thức kêu gọi vốn cho dự án. Các chủ đầu tư hay tài trợ có thể là các cơ quan nhà nước, hay các doanh nghiệp tư nhân.
Cũng theo hai chuyên gia của Pháp, việc quản lí ngân sách chi tiêu cho nghiên cứu tại các trường đại học Pháp gặp nhiều khó khăn. Việc đánh giá nghiên cứu không diễn ra từ A đến Z, trước và sau khi giải ngân như tại Mỹ.
Một số thách thức của nghiên cứu tại Pháp:
Từ những phân tích đó, các diễn giả cho rằng Pháp nêu ra một số thách thức của nghiên cứu tại Pháp như:
- Xây dựng một chính sách nghiên cứu quốc gia và khớp nối với các chính sách đơn lẻ của các đơn vị độc lập.
- Tìm kiếm một mô hình kinh tế mới để có thể đầu tư phát triển cho nghiên cứu tốt hơn nữa, đưa lên tầm cao hơn của thế giới.
- Làm thế nào để tăng sức hấp dẫn của Pháp đối với các nhà nghiên cứu nước ngoài, cũng như thu hút các sinh viên giỏi quốc tế ?
- Nên xóa bỏ hay không những chức danh hay quy chế nghiên cứu riêng biệt.
- Tạo các liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu và các trường đại học hoặc các nhóm (tổ hợp) đại học.
- Cải tiến phương pháp đánh giá nghiên cứu, không chỉ trên mỗi cá nhân nghiên cứu, mà trong tổng hòa chiến lược chung của một cơ sở nghiên cứu. Đánh giá được tác động của nghiên cứu tới kinh tế, và khả năng cạnh tranh của quốc gia.
Tham dự cuộc bàn tròn, các giảng viên cấp cao người Việt tại các trường đại học của Pháp đã phân tích việc hợp tác đào tạo nghiên cứu giữa Việt Nam và Pháp. Sự liên kết trên diện rộng hơn được đánh dấu bằng việc ra đời của Ủy ban hợp tác khoa học – kỹ thuật với Việt Nam (CCSTVN) vào năm 1973.
Thời kì 1990-2010, theo diễn giả Nguyễn Qúy Đạo, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp và Giáo sư Trường kĩ sư Ecole Central de Paris, là thời kì vàng son của hợp tác Pháp- Việt, trong đó bao gồm cả về giáo dục, đào tạo, đánh dấu bằng hiệp định song phương kí kết năm 1990, nối tiếp bằng chuyến thăm của tổng thống François Mitterrand năm 1993 với thông điệp “Cộng hòa Pháp sẵn sàng phát triển cùng Việt nam một hợp tác tham vọng, toàn diện” (François Mitterrand, 02/09/1993).
Hợp tác được thể hiện bằng nhiều kết quả cụ thể như đào tạo cán bộ, cộng tác trong các công trình nghiên cứu và các hội thảo chuyên ngành về các lĩnh vực khác nhau về y học, kĩ sư v.v, cùng nhiều kí kết quan trọng.
Diễn giả PHAN-LABAYS Thị Hoài Trang, Tiến sĩ, giảng viên và chủ nhiệm chương trình cao học Khoa học chính trị và quan hệ quốc tế, đại học Jean Moulin Lyon 3, chia sẻ một kinh nghiệm hợp tác, đặt biệt trong nghiên cứu giữa đại học Lyon 3 và Học viện ngoại giao Hà Nội.
Đại học nghiên cứu ở Việt Nam: liệu có cần thiết?
Câu hỏi về sự cần thiết xây dựng đại học nghiên cứu ở Việt nam, theo diễn giả PHAN-LABAYS Thị Hoài Trang, nghiên cứu gần như một hoạt động chính không thể thiếu của một trường đại học bên cạnh hoạt động quan trọng thứ nhất là giảng dạy.
Chiều ngược lại hoàn toàn có thể, nghĩa là các viện nghiên cứu hoàn toàn không có giảng dạy truyền thống. Tuy nhiên hiểu theo nghĩa rộng thì nghiên cứu cũng là một cách giảng dạy, truyền thêm kiến thức, mà có lẽ nhìn rõ nhất là thông qua các nghiên cứu luận án tiến sĩ.
Đại học nghiên cứu liệu có cần thiết ở Việt Nam? Câu trả lời rất rõ là “Có”. Có nghiên cứu, mới đổi mới được đào tạo, mới truyền lại các kiến thức mới nhất. Có nghiên cứu mới có thế có đủ kiến thức, và kĩ năng hợp tác trong các dự án nghiên cứu và chuyên ngành quốc tế. Có nghiên cứu mới có thể tạo uy tín cho giáo dục trong cộng đồng quốc tế.
Nếu nhìn trên diện rộng và ra các nước phát triển như Mĩ, Nhật, khối Châu Âu hay một nước như Hàn Quốc thì thấy mối liên hệ song hành mật thiết giữa nghiên cứu và phát triển công nghệ, các ngành khoa học cơ bản, kinh tế, xã hội.
Đề xuất cho Đại học nghiên cứu tại Việt Nam
Các diễn giả tham dự cuộc thảo luận bàn tròn đã nêu một số đề xuất cho việc phát triển đại học nghiên cứu tại Việt nam :
Theo diễn giả PHAN-LABAYS Thị Hoài Trang, cần thay đổi “triết lí giáo dục”, giảng dạy về tính cần thiết của nghiên cứu ngay trong những năm đầu của đại học. Định hướng nghiên cứu và giảng dạy phương pháp nghiên cứu. Ngay trong cách học, cũng tăng cường “tìm tòi nghiên cứu trong việc học” thay vì thụ động trong kiến thức giảng viên truyền lại.
Thứ hai, cần tạo ra những mô hình giảng viên mới, những giảng viên nghiên cứu, mà số giờ giảng dạy được giảm bớt để có thời gian cho nghiên cứu và đăng tải các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế. Các chính sách tuyển dụng dài hạn, hoặc theo hợp đồng nghiên cứu những nhà khoa học thế giới cần linh hoạt.
Theo các thanh tra giáo dục Pháp Sacha Kallenbach và Damien Varhaeghe, cần tạo những tổ hợp với những chính sách nghiên cứu chung. Phát triển ý tưởng này, nguồn lực của Việt nam còn hạn chế, có lẽ bước đầu nên tập trung đầu tư mạnh một số khối (ví dụ Đại học quốc gia Hà Nội, nơi qui tụ nhiều đại học nhỏ) để nâng cao uy tín và vị thế lên tầm quốc tế.
Về nguồn tài chính, ngoài nguồn nhà nước cấp, các diễn giả cho rằng cần có chính sách và chiến lược hợp tác nhằm huy động được đầu tư từ các doanh nghiệp./.