Đắk Nông chưa có phương án khả thi khắc phục đường giao thông bị hư hỏng
VOV.VN - Đợt mưa lũ kéo dài cuối tháng 7, đầu tháng 8 đã làm hư hỏng nặng một số công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Việc khắc phục, sửa chữa để sớm đưa vào sử dụng là cấp bách, nhưng hiện nay địa phương đang khó khăn về kinh phí, việc sửa chữa có thể phải kéo dài.
Theo Sở GTVT Đắk Nông, đợt mưa lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua đã làm hư hỏng nặng 2 công trình giao thông quan trọng của tỉnh gồm 300m Đường Hồ Chí Minh qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa; 850m tỉnh lộ 1 thuộc xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức.
Cả 2 đoạn tuyến của 2 công trình đều bị sụt lún nghiêm trọng. Trong đó, đường Hồ Chí Minh, bị sụt lún 2 trong số 4 làn đường, hiện nay phải hạn chế qua lại, tổ chức phân luồng để các phương tiện vận tải nặng đi qua tuyến đường khác. Còn đoạn hư hỏng tại Tỉnh lộ 1 hiện nay chủ yếu chỉ có xe máy được lưu thông, các phương tiện vận tải phải đi theo các tuyến khác.
UBND tỉnh Đắk Nông đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại hai đoạn tuyến, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh sớm khắc phục, đưa công trình trở lại phục vụ lưu thông.
Tuy nhiên, theo ông Hà Sỹ Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông, việc khắc phục các công trình này hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chưa xác định được nguồn kinh phí để sửa chữa. Theo tính toán sơ bộ, cần khoảng 300 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa 2 công trình này. Trong đó, tỉnh đang kiến nghị trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách phòng chống thiên tai để sửa chữa tỉnh lộ 1. Đối với Đường Hồ Chí Minh, tỉnh đang xin ý kiến Bộ GTVT về xác định nguồn kinh phí cũng như hướng khắc phục, sửa chữa.
Cũng theo ông Hà Sỹ Sơn, việc khắc phục, sửa chữa các công trình này cần nhiều thời gian, bởi sau khi xác định được nguồn vốn, còn phải qua nhiều bước mới có thể triển khai: “Thứ nhất là khó khăn về nguồn vốn, thứ hai là khó khăn trong dự kiến của đơn vị tư vấn khi đề xuất các phương án thì hầu hết thời gian thi công khắc phục sự cố này thì kéo dài khoảng từ 7 tháng đến 1 năm. Do đó, thời gian để khắc được xong hoàn toàn hư hỏng ở các đoạn tuyến này phải kéo dài".