Đảm bảo an ninh tại 2 dự án cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng và Đồng Đăng-Trà Lĩnh

VOV.VN - Ngày 23/8, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp cùng với chủ đầu tư dự án 2 tuyến cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP), gồm cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã ký kết quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ thi công hai dự án cao tốc trên địa bàn.

Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự nhằm thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ giữa Công an tỉnh Lạng Sơn, Ban QLDA, doanh nghiệp dự án trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật phục vụ quá trình thi công dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng và dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (giai đoạn 1) trên địa phận tỉnh Lạng Sơn.

Nhà đầu tư mong được phối hợp, giám sát để tránh thất thoát

Theo Quy chế phối hợp, Công an tỉnh Lạng Sơn đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ thi công, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gây mất an ninh trật tự liên quan đến hai dự án trên; xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn của các dự án.

Công an tỉnh chủ động hướng dẫn, giải quyết các thủ tục về cư trú, tạm trú cho nhân viên, người lao động và các kỹ sư, chuyên gia làm việc tại các công trình; quy trình về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và quản lý hoạt động vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, đất đai, môi trường trong quá trình thực hiện các dự án; giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự có thể xảy ra giúp doanh nghiệp, nhà thầu yên tâm thực hiện...

Doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án kiểm tra, giám sát nhà thầu xây dựng đảm bảo chất lượng; tuân thủ quy trình, quy định, hạn chế thấp nhất sự cố về môi trường, sạt lở; tuyệt đối không để xảy ra tai nạn lao động; rà soát, bổ sung phù hợp vị trí các tuyến đường gom dân sinh dọc hai bên tuyến đường, đáp ứng nhu cầu đi lại và canh tác của người dân.

Chủ đầu tư các dự án phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh giải quyết kịp thời vướng mắc về thủ tục pháp lý trong quá trình thực hiện; trao đổi thông tin về những vấn đề, vụ việc liên quan đến an ninh trật tự như cản trở thi công, trộm cắp, cháy nổ… cho cơ quan Công an để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.

Đặc biệt, chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương và lực lượng Công an cơ sở quan tâm, hỗ trợ người dân có đất, công trình bị ảnh hưởng bởi dự án, bảo đảm điều kiện để người dân ổn định đời sống...

Ông Lương Văn Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty CP Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng cho biết, tại dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng và dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (giai đoạn 1), ngay sau lễ khởi công, các doanh nghiệp dự án đã khẩn trương triển khai các công việc từ bước khảo sát thiết kế, phối hợp với địa phương đẩy nhanh công tác GPMB, làm việc với tổ chức tín dụng thúc đẩy vốn huy động cho dự án.  

Đây là hai dự án có quy mô lớn, đi qua địa bàn 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng với nhiều huyện, xã nên trong quá trình triển khai có thể sẽ xảy ra những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh xung quanh dự án.

Các dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP), có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp…với số lượng nhân sự lên đến hàng nghìn người, hàng trăm máy móc thiết bị, khối lượng vật tư, vật liệu thi công có giá trị tài sản rất lớn.

Do đó, để hoàn thành dự tránh tiêu cực, thất thoát, xảy ra hành vi trộm cắp tiêu thụ vật tư trái phép có thể dẫn đến ảnh hướng tiến độ, chất lượng dự án là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp.  

Theo ông Hiệp, hiện các nhà thầu cũng đã đồng loạt vào cuộc, tập trung sẵn sàng các nguồn lực nhân sự, máy móc thiết bị tại công trường để triển khai ngay, với tinh thần có mặt bằng đến đâu thi công đến đó. Mục tiêu thông tuyến các dự án trước ngày 31/12/2025 và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2026. 

“Tại các dự án Tập đoàn Đèo Cả tham gia ở các địa phương chúng tôi đều ký kết các quy chế phối hợp giữa các đơn vị, doanh nghiệp dự án trong hệ thống Tập đoàn với các cơ quan công an tỉnh, cơ quan chức năng địa phương và đã triển khai rất thành công tại các dự án. Việc ký kết quy chế phối hợp các dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thể hiện quyết tâm, cam kết của các đơn vị, tổ chức và cơ quan liên quan trong nâng cao công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, các hoạt động tiêu cực ảnh hưởng đến quá trình thực hiện Dự án”, ông Hiệp nói. 

Công ty CP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng kiến nghị Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung trong quy chế phối hợp; đồng thời, tổ chức tuyên truyền để người dân địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm, nói “không” với việc thờ ơ, tiếp tay cho các hành vi sai trái, bị nghiêm cấm, vi phạm pháp luật tại các dự án.  

“Việc phối hợp với công an địa phương, người dân nơi dự án đi quả để đảm boả, an ninh, trật tự là một trong các giải pháp quan trọng hàng đầu. Cũng qua đây, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng, người dân là kênh phản ánh để doanh nghiệp dự án kịp thời nắm bắt các hạn chế, thiếu sót, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để chủ động có biện pháp xử lý, phối hợp khắc phục”, đại diện doanh nghiệp dự án nhấn mạnh.

Tạo ra cơ chế cùng giám sát lẫn nhau

Phát biểu tại lễ ký, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng và dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được Chính phủ xác định là các dự án quan trọng quốc gia, là trọng điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải. Hàng tháng, Ban chỉ đạo quốc gia do Thủ tướng Chính phủ chủ trì đều tổ chức họp định kỳ để kiểm tra tiến độ thực hiện.

Tỉnh Lạng Sơn cũng đã đưa các dự án này vào danh mục các dự án trọng điểm cần tập trung chỉ đạo, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng tỉnh, khi các tuyến cao tốc hoàn thành, sẽ trở thành cầu nối quan trọng trên hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tham gia vào tuyến hành lang kinh tế xuyên Á, tạo lợi thế cho Việt Nam trở thành cửa ngõ giao thương với Trung Quốc và các nước ASEAN.

Các tuyến này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh như xuất nhập khẩu hàng hóa, du lịch, dịch vụ và khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, đồng thời tạo động lực phát triển bền vững, đưa Lạng Sơn trở thành trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Theo ông Thiệu, để triển khai thành công và đưa dự án vào khai thác, còn nhiều việc phải làm và nhiệm vụ rất nặng nề với nhiều khó khăn cần vượt qua. Công tác bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình thực hiện các dự án có vai trò vô cùng quan trọng, bởi bất kỳ vấn đề phát sinh nào liên quan đến an ninh trật tự đều có thể ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Trong đó có công tác quan trọng là bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình triển khai, thực hiện dự án.

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị: công an tỉnh cần chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và doanh nghiệp để nắm chắc tình hình, kiểm soát an ninh trật tự, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, không để phát sinh điểm nóng. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong các thủ tục về cư trú, phòng cháy chữa cháy, quản lý sử dụng vật liệu nổ, đảm bảo môi trường trong quá trình thi công.

Đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp cần tập trung bố trí nhân lực, thiết bị, đảm bảo chất lượng thi công và tiến độ, tuân thủ quy định pháp luật, hạn chế tối đa sự cố môi trường và tai nạn lao động. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời các vướng mắc pháp lý và an ninh trật tự.

Đối với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo đúng quy định, chủ động tham mưu tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, phối hợp chặt chẽ với công an trong công tác giải phóng mặt bằng và an ninh trật tự.

Theo ông Bùi Văn Hà – Cố vấn cao cấp Tập đoàn Đèo Cả,  nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an cho rằng, việc ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự dự án giữa Công an tỉnh Lạng Sơn, doanh nghiệp dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng; cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh cho thấy cách làm việc nghiêm túc, khoa học, minh bạch, có kết quả.

Không chỉ tại các dự án này, tại tất cả các điạ phương nới có các dự án Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, doanh nghiệp này đều ký kết các quy chế phối hợp và thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản, cho thấy những thành công cụ thể. Theo sát các dự án của Tập đoàn Đèo Cả với vai trò cố vấn an ninh.

“Tôi nhận thấy Đèo Cả phối hợp người dân, các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí là kênh giám sát các hoạt động tại dự án, kịp thời phản ánh các vướng mắc, bất cập. Tôi cho rằng, các kênh giám sát đồng thời cần theo dõi sát sao các hoạt động của không chỉ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu, mà cũng cần giám sát hiệu quả thực hiện các công việc của địa phương, của các đơn vị tư vấn, các cơ quan liên quan. Có vậy mới đưa các dự án hoàn thành mang lại hiệu quả tốt nhất cho đất nước, cộng đồng và doanh nghiệp”, ông Hà nói.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026
Cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026

VOV.VN - UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về tình hình thực hiện dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT. Theo kế hoạch, chủ trương đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 12/2022.

Cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026

Cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026

VOV.VN - UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về tình hình thực hiện dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT. Theo kế hoạch, chủ trương đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 12/2022.

Nâng vốn Nhà nước lên 70% để thực hiện được cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh
Nâng vốn Nhà nước lên 70% để thực hiện được cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh

VOV.VN - Muốn Cao Bằng phát triển, muốn xoá được đói giảm được nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên thì không có một cách nào khác đó là phải tập trung vào những tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Nhưng nhiều nhà đầu tư đến Cao Bằng rồi lại "một đi không hẹn ngày trở lại"...

Nâng vốn Nhà nước lên 70% để thực hiện được cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh

Nâng vốn Nhà nước lên 70% để thực hiện được cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh

VOV.VN - Muốn Cao Bằng phát triển, muốn xoá được đói giảm được nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên thì không có một cách nào khác đó là phải tập trung vào những tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Nhưng nhiều nhà đầu tư đến Cao Bằng rồi lại "một đi không hẹn ngày trở lại"...

Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh hơn 14.300 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức PPP
Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh hơn 14.300 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức PPP

VOV.VN - Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), dự kiến hoàn thành năm 2025 và đưa và khai thác, vận hành từ năm 2026.

Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh hơn 14.300 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức PPP

Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh hơn 14.300 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức PPP

VOV.VN - Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), dự kiến hoàn thành năm 2025 và đưa và khai thác, vận hành từ năm 2026.