Dân kêu trời vì bị “giao nhầm” rừng già không thể sản xuất
VOV.VN - Đến nay, đã gần 3 năm trôi qua, Đà Nẵng vẫn chưa tìm được diện tích rừng khác để cấp lại cho dân.
Sau khi được chính quyền địa phương giao rừng sản xuất, 14 hộ dân người Cơ Tu, ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng vào rừng phát quang canh tác. Ngay lúc đó, bà con phát hiện tại đây có nhiều cây gỗ lớn thuộc diện gỗ quý, không được khai thác. Vậy là những hộ này phải tạm dừng việc sản xuất. Gần 3 năm qua, 14 hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Bà con đang rất sốt ruột vì chưa có đất sản xuất. |
Ông Bùi Văn Chữ là một trong số những hộ dân người Cơ Tu, ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang được thành phố Đà Nẵng giao đất rừng sản xuất. Cùng với nhiều người, năm 2014 gia đình ông được giao 3ha đất rừng sản xuất theo chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Khi vào rừng phát quang, ông Chữ thấy diện tích rừng này có nhiều cây gỗ lớn chứ không phải rừng nghèo. Ý thức được việc bảo vệ rừng, ông và 13 hộ dân khác ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí báo cáo lên xã. Chờ đợi 3 năm qua, gia đình ông vẫn không được giao rừng để sản xuất.
“Chúng tôi thấy cây gỗ to thì báo nhà nước biết. Bây giờ chúng tôi vẫn chỉ biết đi làm thuê vì vẫn chưa có rừng để sản xuất”, ông Bùi Văn Chữ, thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng lo lắng.
Theo ông Đinh Văn Khèn, Phó Trưởng thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng thì 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí có 116 hộ dân được giao đất rừng nghèo để sản xuất, mỗi hộ bình quân 3ha. Tuy nhiên, 12 hộ dân ở thôn Giàn Bí được giao diện tích rừng có nhiều cây gỗ lớn, bị cấm sản xuất. Việc nhầm lẫn này của các cơ quan chức năng làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ông Đinh Văn Khèn cho biết, cán bộ thôn đã nhiều lần kiến nghị, nhưng cấp trên cứ bảo chờ và đã gần 3 năm trôi qua.
Lãnh đạo huyện Hòa Vang cho rằng, từ năm 2014, địa phương đã tiến hành khảo sát để giao đất rừng nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, bảo vệ. Theo đó, hơn 400ha rừng nghèo được giao cho gần 140 hộ dân. Tuy nhiên, sau đó phát hiện 14 hộ dân được giao gần 50ha rừng già, có cây gỗ lớn nên đã thu hồi diện tích này.
Chưa có đất sản xuất nên bà con đi làm thuê kiếm sống. |
Theo quy trình giao rừng cho người dân quản lý, sản xuất, huyện xây dựng Đề án giao rừng trình thành phố. UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, thông qua việc thẩm định của Chi cục Kiểm lâm và đại diện chính quyền địa phương. Việc dừng ngay các hoạt động sản xuất và thu hồi lại diện tích rừng già có cây gỗ lớn để bảo vệ rừng là quyết định đúng đắn.
Tuy vậy, đã 3 năm trôi qua nhưng chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm về sự “nhầm lẫn” này. Lãnh đạo thành phố cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai và có biện pháp xử lý; Tìm diện tích rừng phù hợp để giao cho bà con phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống./.