Dân nghèo trồng ngô ở Sơn La: “Mất cả chì lẫn chài“
VOV.VN -Khi đất đai ngày càng bạc màu, ngô lại rớt giá thê thảm, các hộ dân nghèo ở Sơn La không chỉ lao đao mà còn trở thành "con nợ".
Với trên 160.000 héc ta, Sơn La là địa phương có diện tích và sản lượng ngô đứng đầu cả nước. Những năm trước đây, các vùng trồng ngô hàng hóa trên địa bàn đã giúp nhiều hộ dân có cuộc sống khá giả hơn.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi đất đai ngày càng bạc màu, ngô lại rớt giá thê thảm, do giá ngô nhập khẩu vào Việt Nam rất thấp, mà suất đầu tư để trồng ngô khá cao khiến người trồng ngô, đặc biệt là các hộ dân nghèo không chỉ lao đao mà còn trở thành "con nợ". Vậy thực trạng này như thế nào, đâu là nguyên nhân dẫn đến người làm ngô muốn từ bỏ loại cây trồng đã gắn bó nhiều năm và Sơn La có giải pháp gì cho vùng ngô khó?
Đồi ngô đợi thu hoạch
Chỉ cách trung tâm xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn chưa đầy 10 km, nhưng để đến bản Nà Nhụng, vừa đi bộ, vừa đi xe máy cũng phải mất gần 1 tiếng đồng hồ. Con đường lúc lên thẳng đứng gần như phải bò, lúc xuống gần như ngồi trượt, chỉ có cánh lái xe máy dân bản địa mới dám cầm lái leo lên, trượt xuống trên những đoạn đường này. Mới nhìn tuyến đường này, chúng tôi đã ái ngại cho việc đi lại và vận chuyển hàng hoá của bà con. Dọc đường đi, những đồi ngô đã vàng úa, nhưng bà con chưa thu hoạch. Trả lời thắc mắc này, anh lái xe giải thích, bà con đợi xem giá cả thế nào, vì hiện tại giá ngô quá thấp.
Gia đình đầu tiên mà chúng tôi gặp khi đến bản Nà Nhụng, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, Sơn La là chị Lò Thị Pản. Năm năm gán đất cho chủ đầu tư, gia đình chị Pản chỉ còn 1 héc ta đất trồng ngô và ít ruộng cấy lúa. Cuộc sống cứ luẩn quẩn, thiếu thốn, tài sản trong nhà không có gì đáng giá.
Chị Pản cho biết, 5 năm trước, chồng chị đi cắm nợ giống, phân bón của chủ đầu tư để trồng ngô. Cụ thể số nợ là bao nhiêu chị thì cũng không biết, chỉ biết chủ nợ đến đòi 70 triệu đồng trong lúc chồng chị bỏ đi địa phương khác làm ăn. Tiền không có, tài sản không, không còn cách nào khác, chị gán 3 héc ta đất trồng ngô cho chủ nợ trong vòng 8 năm để họ xóa nợ.
Chị Pản cho biết: “Chủ nợ về đòi. Chúng tôi không có tiền trả nên họ lấy đất. Nhà chỉ còn 1 héc ta đất để trồng cấy, thu hoạch không được nhiều nên chẳng đủ ăn”.
Nhiều chị em bản Nà Nhụng lo lắng vì các khoản nợ chủ đầu tư
|
Vay để trồng ngô thông qua hình thức cắm nợ từ giống cho đến phân bón, từ năm 2011, ông Lò Văn Mầng, bản Nà Nhụng cũng không thoát khỏi cảnh tương tự gia đình chị Pản. Đầu vụ cắm các loại gieo trồng ngô, đến mùa thu hoạch bắp bán không đủ trả, lại nợ tiếp.
Ông Lò Văn Mầng cho biết: Đầu tư trồng 1 héc ta ngô phải từ 13 đến 15 triệu đồng, trong khi 1 héc ta ngô thu hoạch từ 4,5 tấn đến 5 tấn. Giá ngô bắp hơn 2.000 đồng/kg như hiện nay thì mỗi héc ta ngô lỗ từ 2 đến 3 triệu đồng, chưa kể công lao động cả mấy tháng trời. Trong khi đó, ông cũng như bà con trong bản, 100% là phải vay tư thương để đầu tư trồng ngô. Cứ vay 1 tạ gạo, đến vụ trả 1 tấn ngô, nếu không trả hết thì tính lãi suất từ 2,5 đến 3%/tháng.
Người dân đối mặt với tình trạng “nợ chồng lên nợ”
Không chỉ dừng ở vay để trồng ngô, nhà có việc từ ma chay đến cưới xin ông đều tìm đến các chủ đầu tư để vay tiền. Lãi suất cũng giao động từ 2 đến 3%/ tháng. Năm này qua năm khác, nợ chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, gia đình đã phải gán cả đôi bò cho chủ nợ. Vậy mà đến nay, nợ vẫn chồng chất lên đến gần 130 triệu đồng.
Ông Mầng nói: “Tôi chuẩn bị cưới con dâu, bảo nó cho trước 3 tạ lợn, thế là nó cho tiền để mình đi mua lợn. Nợ nhiều nên mỗi năm tôi phải thanh toán cho nó 18 triệu, cho đến năm 2021 mới xong. Đất tôi không gán, giống cũng tự mua ở ngoài, không cắm nó nữa”
Xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn là xã biên giới, có 19 bản với 1.552 hộ, trong đó dân tộc Sinh Mun chiếm 76%. Là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 97%, xã có tới 1.050 hộ nghèo.
Ông Lù A Dủa, Chủ tịch UBND xã Phiêng Pằn cho biết: Tình hình cho thuê đất diễn ra từ nhiều năm nay, cho tới thời điểm này, tổng số hộ cho các tư thương thuê lại đất để canh tác là 239 hộ ở 14 bản. Việc không canh tác mà người dân cho thuê lại đất vì nhiều lý do. Thứ nhất là nợ chủ đầu tư không trả được phải cho họ thuê trong thời hạn thỏa thuận; thứ 2 vì đất bạc màu, canh tác không hiệu quả, không có vốn đầu tư sản xuất; thứ 3 là do điều kiện gia đình thiếu lao động…
Người dân kết hợp chăn nuôi gia súc mới không phải vay nợ trồng ngô
|
Tuy nhiên, ông Chủ tịch xã cũng thừa nhận: Người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt như ở Nà Nhụng, tình trạng vay nợ thành phong trào. 100% số hộ trong bản đều vay. Vay không chỉ để đầu tư trồng ngô, lúa mà vay để cưới xin, mua sắm vật dụng trong nhà. Trồng ngô đến vụ thu hoạch không trả đủ nợ, nên bà con cứ nợ nần năm này qua năm khác và trở thành con nợ khó đòi.
Ông Lù A Dủa nói: “Tình trạng các hộ cho thuê thầu đất trên địa bàn xã đã diễn ra từ lâu năm. Đến năm 2014, xã đã báo cáo huyện để có chỉ đạo Phòng nông nghiệp, phòng Dân tộc, Công an, Tài nguyên môi trường…vào phối hợp với xã để có kế hoạch tuyên truyền, cũng như kế hoạch khảo sát thực trạng các hộ được vay, được nợ… Quá trình xã nắm được xã cũng đã tổ chức nhiều đoàn xuống cơ sở để rà soát, tuyên truyền và nắm tâm tư nguyện vọng của dân”.
Dọc quốc lộ 6, nơi vựa ngô của Sơn La, gia đình bà Hoàng Thị Điêu, bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu cũng không thoát khỏi đói nghèo sau bao năm lăn lộn, gắn bó với cây ngô. Gia đình có hơn 1 héc ta đất trồng ngô, mỗi vụ đầu tư từ 17 đến 18 triệu để mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Cuối vụ thu từ 6 đến 7 tấn nếu được mùa.
Với giá ngô như hiện nay thì vừa đủ tiền đầu tư. Mấy tháng trời lăn lộn với nương ngô, không một đồng tích lũy, bà cho biết: Gia đình vẫn phải nợ lại chủ đầu tư 6 triệu đồng vì bán ngô xong phải chi tiêu các khoản khác trong gia đình. Nhưng theo bà Điêu, nếu không trồng ngô thì cũng không biết trồng cây gì vì đất dốc không thể canh tác được gì.
Bà Điêu cho biết: “Mỗi năm ngô lên, nếu không được mùa như năm nay thì sẽ còn nợ lại giống, phân bón sang năm mới trả tiếp. Trồng ngô cũng khó khăn lắm. Thứ nhất là ngô không lên giá, hai là đất xấu, trời mưa nhiều đất đồi trôi đi hết. Nếu trồng cây nhãn cây xoài thì phải làm rào, mà làm thì không có cây que làm, không làm thì trâu bò phá hết. Thế nên cứ phải trồng cây ngô”.
Đất bạc màu năng suất thấp, giá ngô hạ sâu, do ngô nhập về Việt Nam giá thấp người trồng ngô Sơn La loay hoay với bài toán tiếp tục trồng hay "chia tay" với loài cây bắp từng cứu đói cho bà con. Nếu cứ trồng, nợ nần nguy cơ sẽ chồng chất nợ nần, còn nếu không thì cây con gì sẽ thay thế để bà con có thu nhập, cuộc sống từng bước thoát khỏi vòng luẩn quẩn gian khó suốt hàng chục năm qua./.