Nhà báo Đỗ Việt Nga: Viết quốc tế phải khách quan
VOV.VN - Ngoài tính khách quan, cái khó của PV, BTV theo dõi mảng quốc tế là phải tìm hiểu thông tin ở xa, phải hiểu về nhiều vấn đề thuộc nhiều quốc gia...
Nếu coi mỗi lần tiếp xúc với ngoại ngữ là một cơ hội học tập, để trau dồi và rút kinh nghiệm cho bản thân, PV, BTV sẽ tận dụng tốt các cơ hội này để cải thiện trình độ ngoại ngữ của mình.
Với những bài bình luận quốc tế chính xác, sắc sảo, mảng Thời sự quốc tế của Đài TNVN đã chiếm được tình cảm và sự tin cậy của thính giả. Nhà báo Đỗ Việt Nga, Trưởng phòng Thời sự quốc tế chia sẻ kinh nghiệm của mình.
PV: Phóng viên đảm nhiệm mảng quốc tế có gì “đặc biệt”, thưa chị?
Nhà báo Đỗ Việt Nga: Cũng như bất cứ nhà báo nào, những người làm quốc tế phải giỏi kỹ năng như bất kỳ phóng viên nào. Song, vì đối tượng tiếp cận của chúng tôi là người nước ngoài và thông tin được tiếp cận cũng xuất phát từ nước ngoài, nên đòi hỏi phóng viên cần có thêm một số kỹ năng khác như: thông thạo một trong những ngoại ngữ thông dụng hiện nay của thế giới, trong đó có tiếng Anh - là ngôn ngữ được sử dụng ở hầu hết các sự kiện quốc tế lớn hiện nay. Nếu phóng viên có thể sử dụng nhiều hơn một ngoại ngữ sẽ là một lợi thế, đặc biệt khi tác nghiệp tại các sự kiện quốc tế lớn.
Nhà báo Đỗ Việt Nga |
Làm về mảng quốc tế, PV, BTV cần có kiến thức nền về các vấn đề quốc tế. Bởi rất nhiều trường hợp, khi trả lời phỏng vấn, nhất là các nhà lãnh đạo cấp cao, câu trả lời của họ thường có nội hàm rộng. Ví dụ, vào tháng 11/2015, khi Thủ tướng New Zealand John Key tới thăm Việt Nam, phóng viên VOV1 đã có dịp phỏng vấn ông. Trước câu hỏi của phóng viên, Thủ tướng John Key trả lời rất cô đọng nhưng hàm ý nhiều vấn đề. Trong trường hợp này, nếu không có kiến thức rộng, phóng viên khó có thể hiểu hết được ý nghĩa câu trả lời của Thủ tướng. Cái khó của PV, BTV theo dõi mảng quốc tế là phải tìm hiểu thông tin ở xa, phải hiểu về nhiều vấn đề thuộc nhiều quốc gia, khu vực hoặc là một vấn đề nhưng lại dưới góc độ tiếp cận của nhiều quốc gia. Điều này hoàn toàn khác so với phóng viên làm về các vấn đề trong nước, họ thực hiện những đề tài tồn tại ngay trong đời sống hằng ngày nên họ có thể hiểu rất rõ về nó.
PV: Thưa chị, để làm tốt công việc viết tin, bài; biên tập, dàn dựng tin, bài quốc tế, PV, BTV phải lưu ý điều gì?
Nhà báo Đỗ Việt Nga: Ngoại ngữ giỏi là điều đầu tiên. Tuy nhiên, kiến thức văn hóa nền tảng của quốc gia cũng là cần thiết. Mỗi thông tin đều có đời sống riêng. Nếu hiểu được đời sống của thông tin sẽ truyền tải thông tin chính xác và hấp dẫn. Không ít BTV quốc tế gặp tình huống có thể hiểu tất cả các từ, song về nội dung tổng thể lại không thực sự hiểu người ta muốn nói gì. Để khắc phục điều này, không có cách nào khác ngoài việc liên tục tìm hiểu và cập nhật thông tin về các nước trên thế giới để bổ sung cho hạn chế là BTV phải viết về một vấn đề mà mình không được sống với nó.
Khi phỏng vấn người nước ngoài, ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Chúng ta cần thể hiện tính chuyên nghiệp trong tác phong làm việc, từ việc liên hệ tới thời điểm gặp mặt. Trang phục luôn phải phù hợp với hoàn cảnh, giờ giấc chính xác, nội dung phỏng vấn phải chuẩn bị cẩn thận và yêu cầu phỏng vấn cần được gửi sớm để đối tác sắp xếp thời gian.
Nhọc nhằn biên tập viên tin bài quốc tế
PV: Với những vấn đề quốc tế còn có những ý kiến trái chiều, các chị xử lý như thế nào?
Nhà báo Đỗ Việt Nga: Với vấn đề gây tranh luận, chúng tôi thường hỏi ý kiến chuyên gia ở nhiều nơi, đồng thời phối hợp với các cơ quan thường trú của Đài TNVN tại 11 quốc gia trên thế giới nhằm có cái nhìn đa chiều, phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Viết quốc tế phải khách quan.
PV: Còn những vấn đề quốc tế “nhạy cảm” liệu có sự “né tránh”?
Nhà báo Đỗ Việt Nga: Chúng tôi luôn xác định làm quốc tế là phải “đi trên dây” tức là có sự kiện nảy sinh đều phải đưa, nếu không sẽ lạc hậu so với các báo khác và như thế, thính giả sẽ bỏ rơi mình. Có điều là khi đưa, chúng tôi sẽ có sự cân đong đo đếm kỹ càng, đưa đến một mức độ cho phép nhưng vẫn đảm bảo chiều sâu của vấn đề. Dù là vấn đề quốc tế nhưng chúng tôi thường gắn sự kiện với Việt Nam, đặt trong mối tương quan với Việt Nam xem với vấn đề này thì trong nước có chính sách như thế nào thì mình sẽ có quan điểm tương ứng.
PV: Thực hiện mảng quốc tế, sự kiện chủ yếu ở xa không thể tham dự được, phóng viên gặp những khó khăn gì và phải khắc phục ra sao?
Nhà báo Đỗ Việt Nga: Đây là khó khăn lớn của BTV, PV đảm trách mảng quốc tế ở tất cả mọi quốc gia. Tuy nhiên, may mắn là chúng tôi được tác nghiệp trong thời kỳ internet phát triển mạnh mẽ, vì thế mà ngồi tại Việt Nam, chúng tôi cũng có thể theo dõi trực tiếp sự kiện quốc tế diễn ra ở một nơi nào đó trên thế giới thông qua các kênh truyền hình quốc tế, các trang tin quốc tế làm trực tiếp về sự kiện. Điều khó khăn nhất trong lúc tác nghiệp là thực hiện các cuộc phỏng vấn với các đối tác ở nước ngoài, vì chúng ta không ở gần họ, chưa từng tiếp xúc và có sự khác biệt về văn hóa, về giờ giấc và cả chi phí đắt đỏ (nếu phỏng vấn qua điện thoại hay phỏng vấn qua vệ tinh). Nếu làm ở báo giấy và các trang tin tức online thì thuận tiện hơn vì việc phỏng vấn có thể thực hiện qua thư điện tử.
PV: Xin cảm ơn chị!./.