Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: Người VOV phải biết đặt ra áp lực để vượt lên hôm qua
VOV.VN - Từ lãnh đạo cao nhất đến cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và nghệ sỹ của VOV phải tự đặt ra áp lực cho chính mình để nỗ lực phấn đấu, sáng tạo, vươn lên phía trước.
Tại cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo một số cơ quan báo chí tiêu biểu nhân kỷ niệm kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Nhiệm vụ trọng tâm lúc này của Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí là tập trung thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Quy hoạch sẽ giúp báo chí phát triển mạnh mẽ, bền vững”.
Liên quan đến chủ đề này, phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ- Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Tổng giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ tại cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo một số cơ quan báo chí tiêu biểu nhân kỷ niệm kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019). |
PV: Sắp tới, chúng ta sẽ chứng kiến những bước đi quan trọng nhằm thực hiện quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ mà Quy hoạch báo chí đã nêu ra. Trong bản Quy hoạch này, có một số đơn vị báo chí lớn sẽ trở thành mô hình truyền thông đa phương tiện và VOV là một ví dụ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TGĐ Nguyễn Thế Kỷ: Từ lúc còn ở Ban Tuyên giáo Trung ương, là Phó Trưởng ban phụ trách mảng báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, tôi được tham gia chủ trì xây dựng Đề án Quy hoạch báo chí ngay từ đầu.
Mục đích xây dựng Đề án này là làm cho báo chí có tính hệ thống tốt hơn, khoa học hơn, mạnh hơn, có thêm điều kiện và nguồn lực để phát triển.
Đề án đề cao tính chuyên nghiệp, khoa học, hiện đại và tính cách mạng của báo chí nước nhà; ưu tiên phát triển những cơ quan báo chí có lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, có đội ngũ người làm báo vững mạnh, tiêu biểu cả về bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
Và đương nhiên, Đề án không ưu tiên những cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đưa thông tin ẩu, thiên về giật gân câu khách “tình, tiền, tù, tội”, “cướp, giết, hiếp” - điều mà công chúng, nhất là các doanh nghiệp ta thán, kêu ca, khốn khổ từ nhiều năm nay, kể cả đưa thông tin nhằm mục đích “đánh đấm”, “dọa nạt”, gợi ý “xin xỏ tài trợ, quảng cáo”…những cơ quan báo chí và nhà báo biến sản phẩm báo chí của mình thành loại hàng hóa tầm thường, thậm chí gây hại cho xã hội.
Đó là mục tiêu và mong muốn của những người làm Đề án và tôi tin chúng ta sẽ làm được, nếu quyết tâm, làm đồng bộ và khoa học. Trước hết, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chủ quản phải vào cuộc mạnh mẽ, nghiêm túc; phải tự làm ở ban, bộ, ngành, địa phương, đoàn thể của mình thật tốt.
Tuy nhiên, khi thực hiện Quy hoạch báo chí, cần đề cao tính khoa học, tính chuyên nghiệp, tính hệ thống, chú ý đến tính chất, đặc thù mỗi loại hình báo chí, mỗi cơ quan báo chí, của từng ngành, địa phương. Làm Quy hoạch không phải là phép trừ (-), mà phải cố gắng đạt tới kết quả của phép cộng (+), tốt nhất là phép nhân (x). Nói nôm na và đơn giản thế này: gà thì ở trên cạn, vịt thì bơi dưới nước, chim thì bay trên trời, nếu “nhốt” chung một chỗ theo kiểu cơ học, sẽ rất không ổn.
Không phải cơ quan báo chí và người làm phát thanh tốt thì làm truyền hình cũng tốt, làm báo in, báo điện tử cũng tốt hay ngược lại. Cũng khó tìm được một phóng viên vừa đi làm truyền hình, làm xong lại phải ngồi “cày” tin bài cho phát thanh, cho báo in, báo điện tử, vì thông tin phải nhanh, phải sắc, phải hấp dẫn.
Ở địa hạt văn hóa, văn nghệ cũng vậy, nếu ghép đoàn nghệ thuật cải lương (của người Kinh) với đoàn nghệ thuật Zù kê (của người Khơmer) vào làm một cũng không ổn, dù họ ở trong một tỉnh; nhập đoàn chèo với đoàn kịch nói cũng vậy…Nếu không khéo, chúng ta có thể mắc sai lầm “nghiệp dư hóa” báo chí, văn hóa, văn nghệ.
Tất nhiên, khi xây dựng các mô hình báo chí đa loại hình, đa phương tiện, Đài TNVN, Đài THVN, báo Nhân Dân, TTXVN, Tạp chí Cộng sản, báo QĐND, báo CAND và một số cơ quan báo chí quan trọng khác sẽ trở thành những tổ hợp truyền thông đa phương tiện, nhưng không được làm theo lối giản đơn của một phép cộng như đã nêu ở trên.
Khi thực hiện đề án này thì một số cơ quan báo chí có sự thay đổi thậm chí có thể chuyển từ toà báo điện tử sang tạp chí điện tử. Do đó, sẽ có một số nhân sự không nằm trong cơ quan báo chí nữa. Vì vậy, cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí phải có kế hoạch hỗ trợ anh em trong công việc và trong cuộc sống.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - Ảnh: Vũ Toàn |
PV: Theo Đề án Quy hoạch báo chí thì sẽ có nhiều thách thức đối với các cơ quan báo chí Việt Nam, trong đó có VOV?
TGĐ Nguyễn Thế Kỷ: Trong xu thế toàn cầu hóa về thông tin, thời kỳ bùng nổ về số hóa và mạng xã hội như hiện nay, đặt ra cho các cơ quan báo chí những thách thức rất lớn.
Tôi nghĩ, mỗi cơ quan báo chí hay từng loại hình báo chí đều có thế mạnh riêng. Quan trọng là các đơn vị báo chí phải biết khai thác những mặt mạnh đồng thời biết hạn chế những điểm yếu để phát triển.
Đến nay, VOV là cơ quan báo chí có đầy đủ 4 loại hình với 8 kênh phát thanh, 17 kênh truyền hình, 2 báo điện tử, 1 tờ báo in (Tiếng nói Việt Nam và ấn phẩm Sóng Việt).
Sau 74 năm xây dựng và trưởng thành, VOV thực sự tự hào về chặng đường đã đi qua, nhưng nhìn về phía trước thì có cả niềm vui, xen lẫn những lo âu, thách thức không nhỏ. Điều này thì cơ quan báo chí nào cũng ý thức được nhưng với những cơ quan báo chí lớn thì trách nhiệm hay áp lực còn lớn hơn nữa. Thuyền to, sóng lớn là vì thế.
Trong một diễn đàn do Hội nhà báo Việt Nam tổ chức vào tháng 4 vừa qua, tôi cũng từng trao đổi, đối với một cơ quan báo chí hay người đứng đầu cơ quan báo chí thì phải giải quyết cho được 5 vấn đề.
Thứ nhất là nội dung bởi vì nội dung là là trái tim của cơ quan báo chí, nếu không có nội dung tốt thì không ai đọc, không ai nghe, không ai xem.
Nhưng để có nội dung tốt thì yếu tố quan trọng hàng đầu là nhân tố con người. Người làm báo hiện nay, rõ ràng so với mấy chục năm trước đây thì phải đáp ứng yêu cầu cao hơn rất nhiều, họ không chỉ cần kiến thức về báo chí, về ngoại ngữ, về tin học mà phải biết cách để đưa tác phẩm đến với công chúng.
Thứ ba là kỹ thuật và công nghệ cần phải được coi trọng hơn trước, bởi đây là cách để đưa thông tin đến với công chúng trong và ngoài nước, thậm chí phải cạnh tranh với nhau và đặc biệt cạnh tranh, đấu tranh với mạng xã hội.
Điểm thứ tư là kinh tế báo chí, không thể trông cậy mãi và nhiều vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước, phải vươn lên tự chủ về tài chính. Có tự chủ về tài chính thì mới thu hút được người tài, mới có tiền đầu tư máy móc và công nghệ, tổ chức các hoạt động, các chương trình để phát triển nội dung.
Điểm thứ năm là quan hệ với công chúng. Báo chí phải tính đến công chúng bởi bây giờ công chúng có rất nhiều lựa chọn, người ta có thể xem truyền hình, nghe phát thanh, xem báo điện tử, đọc mạng xã hội…Làm sao để nội dung hấp dẫn, bổ ích và thiết thực mà điều kiện để tiếp cận nội dung đó cũng phải tiện ích, không rườm rà, tốn kém. Làm sao để công chúng luôn gắn bó, thủy chung với cơ quan báo chí là việc vô cùng quan trọng.
PV: Vậy theo ông, trong thời gian tới, VOV sẽ thay đổi như thế nào để phù hợp với xu thế này?
TGĐ Nguyễn Thế Kỷ: Thứ nhất là phải cơ cấu lại VOV. Với 4 loại hình báo chí thì cơ cấu lại như thế nào cho tinh gọn hơn, khoa học hơn, hiệu quả hơn. Chắc chắn sẽ phải giảm đi khá nhiều đầu mối và nhân sự nhưng lại tập trung thu hút những nhân sự giỏi. Tất nhiên, làm điều này không dễ chút nào, đồng thời phải có cả nguồn lực tài chính, phải có một chế độ lương thưởng hấp dẫn thì mình mới có thể giữ được người tài và kéo được người tài ở nơi khác về.
Thứ hai là xây dựng chiến lược phát triển VOV như thế nào; Ứng dụng những công nghệ mới vào các chương trình phát thanh, truyền hình như thế nào; Truyền dẫn phát sóng làm sao để đến với công chúng ở xa nhất, tín hiệu cũng phải tốt nhất...
Từng đơn vị có thể chọn cho mình đối tượng công chúng "ruột", đồng thời phải biết kéo thêm công chúng bằng các chương trình, các tác phẩm tốt của mình.
Nếu nghe phát thanh, xem các chương trình truyền hình, xem báo điện tử, đọc ấn phẩm báo in của VOV mà công chúng thấy có những lợi ích, những điều thú vị dường như ở nơi khác ít hơn hoặc có nơi không có thì mình phải cố gắng làm được điều đó.
Nói là một chuyện, để đạt được như thế là điều rất khó và tôi nghĩ rằng từ người lãnh đạo cao nhất của VOV cho đến các cán bộ, phóng viên, nhân viên, nghệ sỹ luôn luôn phải tự đặt ra áp lực cho chính mình, tức là cố gắng để đổi mới mình, vượt lên hôm qua, để mình không lạc hậu, không bỡ ngỡ trong chặng đường đi tới nhiều gian khó./.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!