Đâu là “điểm nghẽn” thu phí tự động không dừng?
VOV.VN - Theo chỉ đạo của Chính phủ, sau ngày 31/7/2022, nếu dự án BOT chưa triển khai xong việc lắp đặt thiết bị thu phí không dừng sẽ phải xả trạm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân.
LTS: Như chúng tôi đã đề cập trong bài "Cấp thiết lắp đặt thu phí không dừng: Vì sao vẫn ì ạch?", sau 5 năm triển khai, hiện nay đã vận hành ETC 575 làn/113 trạm; (còn phải lắp đặt 246 làn/30 trạm còn lại trong năm nay). Trong khi đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, sau ngày 31/7/2022, nếu dự án BOT chưa triển khai xong việc lắp đặt thiết bị thu phí không dừng sẽ phải xả trạm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân. Ngay từ 1/6 tới sẽ áp dụng thu phí không dừng toàn bộ trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Vậy chủ trương thu phí tự động vừa minh bạch các nguồn thu dự án BOT, vừa hạn chế tình trạng ùn ứ kéo dài trên các tuyến cao tốc sẽ được triển khai như thế nào, để người dân thoát khỏi cảnh ùn tắc tại những trạm thu phí thủ công, nhất là vào mỗi dịp nghỉ lễ, tết? Câu trả lời phụ thuộc vào Bộ Giao thông Vận tải và các bên liên quan sẽ thực hiện lời hứa như thế nào trước Chính phủ và nhân dân. Đây là nội dung nhóm phóng viên VOV đề cập trong bài 2 với nhan đề: “Đâu là “điểm nghẽn” thu phí điện tử không dừng (ETC)?”.
Sau 3 năm tiến độ lắp đặt với tốc độ của... rùa, cho đến nay, việc lắp đặt các làn thu phí tự động trên toàn quốc đã cơ bản hoàn thành, với tổng số 113 trạm. (Bộ quản lý 69 trạm; địa phương quản lý 44 trạm). Chỉ còn 4 trạm do VEC quản lý do thiếu vốn; 8 trạm không đủ điều kiện triển khai. Về hạ tầng đã được Bộ trưởng Bộ GTVT “chỉ mặt đặt tên” điểm nghẽn đầu tiên là tiến độ lắp đặt trạm thu phí, cam kết “đồng hành” cùng Nhà đầu tư VEC giải quyết.
Theo đó, sau nhiều lần “lỗi hẹn” vì không có tiền để lắp các làn thu phí tự động, gần đây nhất, “anh cả” trong lĩnh vực đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), khẳng định sẽ tổ chức đấu thầu “thuê dịch vụ thu phí” trong quý 2, hoàn thành lắp đặt xong trong quý 3. Còn đối với những Nhà đầu tư BOT khác, sau khi lựa chọn sử dụng dịch vụ của 2 Nhà đầu tư dịch vụ là VETC và VDTC và đã lắp đặt xong, vấp ngay phải “lỗi kỹ thuật” khiến các chủ xe lái xe – khách hàng- của mình ngán ngẩm.
“Hiện tại hiện trạng thẻ thu phí bị trừ tiền chưa đúng, bị nhầm. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có kiểm soát tốt, không gây bất lợi cho người tham gia giao thông”, một lái xe chia sẻ.
Tương tự, theo phản ánh của nhiều lái xe, lưu thông tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình, thi thoảng họ vẫn được nhân viên thu phí giải thích đang mắc “lỗi hệ thống”, nên yêu cầu người tham gia giao thông đưa tiền mặt.
Bất cập về hạ tầng kỹ thuật - như người dân phản ánh – chưa khắc phục xong, thì gần đây nhất, lại xảy ra “lỗi hạ tầng kỹ thuật” - sự cố đứt cáp quang tuyến đường hiện đại bậc nhất Đông Nam Á hiện nay – tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (xảy ra ngày 24/4) đã gây ùn tắc kéo dài trước con đường BOT. Sự cố này khiến nhiều người tham gia giao thông “lắc đầu” ngao ngán!
“Sự cố vậy không chấp nhận được. Muốn người dân thực hiện thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh tình trạng sự cố. Đối với Hà Nội - Hải Phòng thu phí hoàn toàn. Hạ tầng cáp quang đứt thì phải có “sơ cua”. Còn trên các tuyến BOT thì có cả làn thu phí tự động và thu phí lượt. Người dân có lỗi thì phê phán. Nhưng cơ quan quản lý lỗi thì phải xử lý. Có như vậy mới trơn tru được”, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam bức xúc.
Sau nhiều năm dừng, hoãn, lắp đặt, dán thẻ... thì tới nay, sau 2 năm “ngưng trệ” vì dịch bệnh, mọi hoạt động giao thương – mạch máu của nền kinh tế - khởi động trở lại, thì: đứt phựt, nghẽn... hệ thống cáp quang, hệ thống thanh toán... (tựu chung là hạ tầng kỹ thuật thu phí) khiến người tham gia giao thông chưa kịp hiên ngang thẳng tiến qua các trạm thu phí điện tử không dừng, đã phải chịu cảnh xếp hàng rồng rắn trước các trạm được đầu tư nhiều trăm tỷ.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, cần truy xét trách nhiệm của các nhà đầu tư để xảy ra sự cố đứt cáp quang trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Bởi lẽ, sự cố này có thể chưa gây hậu quả về kinh tế, nhưng lại có thể gây nghi ngờ cho người tham gia giao thông về sự cam kết tính hiện đại, thông suốt của dịch vụ thu phí tiên tiến, hiện đại.
“Theo tôi, đơn vị cung ứng dịch vụ phải xem xét lại, rút kinh nghiệm; thứ hai là phải có chế tài xử phạt và thứ ba phải yêu cầu có biện pháp phòng ngừa trong thời gian tới, không thể để như thế này được. đơn vị cung ứng dịch vụ bao giờ cũng phải có phương án dự phòng, đặc biệt vào thời điểm lưu lượng xe lớn như ngày lễ, ngày tết hay vào những giờ cao điểm phải có phương án dự phòng. Để giải quyết vấn đề này, đơn vị cung ứng phải kết hợp với những đơn vị kĩ thuật, đề phòng những sự cố như vậy”, PGS.TS Ngô Trí Long bày tỏ.
Trong khi các nhà đầu tư BOT, các nhà cung cấp dịch vụ ETC cứ liên tục quảng bá, thì chính những “sự cố” như vừa rồi phần nào làm “vỡ mộng” hình ảnh về dịch vụ thu phí văn minh, hiện đại. Những “trục trặc kỹ thuật” này hy vọng sớm được giải quyết, vì sự tham gia của một Nhà đầu tư dịch vụ thứ 2. Ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC, thuộc Tập đoàn Viettel, cam kết - đã có lời giải dứt điểm- cho “điểm nghẽn” về hạ tầng công nghệ.
“Về câu chuyện hạ tầng được cho là “điểm nghẽn” nay đã được giải quyết. Chúng tôi đã đầu tư công nghệ để làm được tất cả các xe đều vì lý do gì chúng ta cần tổ chức dán thẻ định danh các phương tiện theo công điện của Thủ tướng, Thủ tướng yêu cầu các sở, ban, ngành đều gương mẫu và tổ chức dán trước 1/6 thì doanh nghiệp dự án cũng đồng hành và cũng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đang tích cực để triển khai dán định danh phương tiện cho các phương tiện có nhu cầu”, ông Trình khẳng định.
Vì lẽ đó, Bộ GTVT đồng ý với việc Tổng cục đường bộ Việt Nam đề xuất thí điểm thu phí tự động toàn bộ trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, dự kiến thực hiện từ tháng 6 tới. Bùi Thị Quỳnh, Phó giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thuộc Vidifi, cam kết về công tác chuẩn bị.
“Công tác chuẩn bị phía doanh nghiệp không có vướng mắc gì. Chúng tôi nhận thấy “điểm nghẽn” chính là từ phía cầu. Đó là công tác tuyên truyền của các cơ quan nhà nước, các nhà cung cấp dịch vụ cần phối hợp để tuyên truyền tới khách hàng để nâng cao với tỷ lệ sử dụng thu phí không dừng tăng lên, khai thác được hiệu quả phần tiện ích của tuyến đường mà chúng tôi đã đầu tư xây dựng cũng như tiện ích dịch vụ thu phí không dừng”, bà Quỳnh cho hay.
Bên cạnh vấn đề thiếu vốn, hạ tầng kỹ thuật “chập chờn” gây sự cố “đứt cáp quang” thì một “điểm nghẽn” khác có thể chính tác động tới chất lượng dịch vụ ETC trong thời gian tới, khiến người tham gia giao thông “ngần ngại” dán thẻ. Hiện cả nước có gần 2,7 triệu phương tiện đã dán thẻ dịch vụ không dừng trong gần 5 triệu xe, đạt 57%. Tuy nhiên, tỷ lệ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng khi qua trạm thu phí cũng chỉ đạt khoảng 60-65%. Đây cũng là “điểm nghẽn” rất lớn cần giải quyết với vai trò quyết định từ phía các Nhà tín dụng (các ngân hàng).
“Điều kiện về kỹ thuật thu phí, ngân hàng tuyên tuyền và yêu cầu lái xe phải dán thẻ. Còn ai không thì phải xếp hàng. Thông báo toàn quốc ngày đấy tổ chức dán thẻ nạp tiền nhiều điểm này, các lái xe có nhu cầu dán trước. Nếu không dán thì đến đấy mà xếp hàng. Những người đáy chịu vất vả, thiệt thòi. Như vậy, chúng ta quyết liệt một lần để làm, tránh vấn đề thu phí cứ loay hoay mãi”, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, nêu quan điểm.
Ngoài ra, một khó khăn rất lớn cũng đang làm ảnh hưởng tới tốc độ dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí điện tử ETC, từ phía các nhà xe, doanh nghiệp vận tải. Sau dịch Covid19, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn chồng chất, có doanh nghiệp hàng trăm đầu xe phải hoạt động cầm chừng, thậm chí xe phải nằm đắp chiếu, doanh nghiệp cận kề phá sản...
“Tôi ủng hộ chủ trương chúng ta phải hiện đại hóa công tác thu phí để giảm chi phí công khai minh bạch nhưng mà phải có lộ trình và ít nhất là cũng phải để một số làn. Ví dụ 60-80% số làn xe tại trạm thu phí ETC. Lý do gì đó người ta chưa có dán thẻ thu phí không dừng vì chưa lưu thông qua các làn này. Chúng tôi cũng tham khảo kinh nghiệm của một số nước triển khai chủ trương nào đều phải có một quá trình, một thời kỳ quá độ, như thế để đảm bảo cho các hoạt động lưu thông đi lại bình thường”, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, nêu quan điểm.
Về số lượng phương tiện tham gia dán thẻ, đến thời điểm này có khoảng gần 3 triệu phương tiện tham gia dịch vụ (chiếm hơn 65% tổng số phương tiên trên toàn quốc); Bộ Giao thông vận tải phấn đấu trong năm nay, số lượng phương tiện dán thẻ đạt từ 80-90%.
Để đạt được mục tiêu này ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cho biết, trước đây có hỗ trợ của Bộ cho việc phát triển dán thẻ miễn phí, tuy nhiên từ đầu năm nay đã dừng áp dụng chính sách này.
“Tôi đề nghị cho duy trì chính sách này thêm 1 năm. Nếu được chúng tôi sẽ dùng toàn bộ kênh đang phát triển thẻ viễn thông thì sẽ triển khai rất nhanh. Ngoài ra, hiện nay người sử dụng dịch vụ đang rất khó trong việc lựa chọn dùng của ai. Ví dụ như bây giờ người ta đang sử dụng thẻ của đơn vị này nhưng thấy đơn vị khác tốt hơn và muốn chuyển sang thì rất phức tạp về mặt thủ tục. Tức là phải đi làm thủ tục để hủy và phải đến một điểm cố định, rất mất thời gian. Tôi đề nghị để tháo gỡ việc này, cho phép người dân được quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ của ai, qua đó sẽ thúc đẩy hai bên cùng phải nâng cao chất lượng và giải quyết vấn đề cạnh tranh lành mạnh”, ông Nam kiến nghị.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thừa nhận do đây là hình thức thu phí mới, công nghệ phức tạp, liên quan đến nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT, ngân hàng cung cấp tín dụng nên bước đầu không tránh khỏi tồn tại, hạn chế. Qua thực tế triển khai, những “điểm nghẽn” về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, thanh toán được giải quyết, những bất cập mới phát sinh hay những vướng mắc nào tiếp theo sẽ được tiếp tục nhận diện và tháo gỡ, để tăng tốc triển khai lắp đặt và sử dụng dịch vụ thu phí tự động trên toàn quốc./.