Đẩy mạnh thực hiện Hiệp định hợp tác lao động Việt – Lào
VOV.VN - Hiệp định là căn cứ để các doanh nghiệp dịch vụ của hai quốc gia tiến hành đưa lao động của Việt Nam sang làm việc tại Lào và ngược lại.
Hôm nay (18/8), tại tỉnh Nghệ An, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào tổ chức Hội nghị thông tin về Hiệp định hợp tác lao động Việt – Lào.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào - Baykham Khattiya, cùng 50 đại biểu đến từ các bộ, ngành ở địa phương vùng giáp biên giới của Việt Nam và Lào, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào, và một số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Lào đã dự hội nghị.
Hiệp định hợp tác lao động Việt – Lào, được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào ký tháng 7/2013. Đây là căn cứ để các doanh nghiệp dịch vụ của hai quốc gia tiến hành đưa lao động của nước này sang làm việc tại nước kia và cũng là những chuẩn mực để người sử dụng lao động phải tuân theo khi sử dụng lao động của nước bạn tới làm việc.
Tại hội nghị, các địa phương có chung đường biên giới với nước bạn Lào, các doanh nghiệp có hoạt động đưa người lao động Việt Nam sang Lào làm việc được cung cấp những nội dung cơ bản của Hiệp định hợp tác lao động Việt – Lào.
Với 7 chương, 21 điều, Hiệp định điều chỉnh được các hình thức lao động phù hợp với tình hình thực tế, quy định cụ thể về thủ tục xin cấp giấy phép lao động, đăng ký lưu trú, các loại phí liên quan, chế độ bảo hiểm, y tế, xử lý tranh chấp… đảm bảo được yêu cầu quản lý và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trong những năm gần đây, với sự phát triển kinh tế của Lào và mối quan hệ hợp tác toàn diện của hai nước, lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở Lào ngày càng tăng về số lượng và với nhiều hình thức khác nhau, bao gồm: Đi theo các công trình nhận thầu, trúng thầu, đầu tư, thực hiện dự án viện trợ không hoàn lại; Đi theo các hợp đồng cung ứng nhân lực giữa các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động của Việt Nam và các nhà thầu công trình nước ngoài tại Lào hoặc chủ sử dụng lao động của Lào; đi theo con đường cá nhân.
Hiện nay, có khoảng 13.500 lao động Việt Nam làm việc tại Lào, chủ yếu đi theo các dự án hợp tác đầu tư, dự án nhận thầu công trình, dự án hợp tác giữa các địa phương có chung đường biên giới.
Với việc hợp tác đầu tư sang Lào đang phát triển mạnh mẽ, nên nhu cầu sử dụng lao động Việt Nam tại Lào trong thời gian tới rất lớn, dự kiến đến năm 2015, tổng số lao động Việt Nam làm việc tại Lào sẽ vượt mức 20.000 người./.