ĐBQH: Cần bảo vệ lao động nữ ở nước ngoài trước nguy cơ bị xâm hại tình dục
VOV.VN - Theo ý kiến ĐBQH, lao động nữ ở nước ngoài đối mặt với nguy cơ cao bị hành hạ, bóc lột, bị xâm hại tình dục..., đồng thời khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam có 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó, tỷ lệ nữ chiếm khoảng 35-40 %. Tuy nhiên, lao động nữ phải đối mặt với nhiều thách thức, rào cản hơn so với lao động là nam giới trong cả quá trình đào tạo, ra nước ngoài lao động và khi trở về.
Đây là ý kiến được nhiều đại biểu Quốc hội góp ý cho dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, cần có quy định, có những chính sách đặc thù đối với lao động nữ, lao động người dân tộc thiểu số người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo quá khổ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
“Lao động nữ gặp nhiều khó khăn hơn và đối mặt nguy cơ cao bị hành hạ, bóc lột, bị xâm hại tình dục, lây nhiễm các bệnh xã hội, đồng thời khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Tất cả vấn đề nêu trên làm nảy sinh tâm lý sợ hãi. Sau khi lao động trở về, việc tái hòa nhập cộng đồng của lao động nữ tiếp tục gặp khó khăn trong tìm kiếm cơ hội việc làm, thậm chí có nguy cơ tan vỡ gia đình do sự vắng mặt lâu ngày của người mẹ người vợ trong nhà”, đại biểu Phước Bình nói.
Đại biểu Phước Bình đề nghị, rà soát, xem xét tất cả các dòng dịch chuyển lao động quốc tế hợp pháp mà lao động Việt Nam đã và đang tham gia, nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng của dự thảo Luật và bảo đảm nhu cầu việc làm thỏa đáng cho nhóm lao động yếu thế, trong đó có lao động nữ.
Dự thảo luật cần bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có kiến thức về giới và có năng lực giải quyết vấn đề giới của lao động nữ di cư. Bổ sung quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu người lao động phát hiện nguy cơ đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự…
Theo ý kiến các đại biểu, lao động nữ phải có quyền tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý, các dịch vụ xã hội, y tế, tâm lý tại quốc gia nơi người lao động làm việc.
“Cần cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý đối với một số trường hợp đặc biệt như bị xâm hại, bị lạm dụng, bị bóc lột sức lao động hoặc rơi vào đường dây ma túy, lừa đảo khi lao động ở nước ngoài. Bổ sung nhiệm vụ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước với trường hợp lao động trở về nước trước thời hạn mà không phải do lỗi của người lao động, mà do họ là nạn nhân của xâm hại, quấy rối tình dục, bị bóc lột sức lao động và dịch bệnh”, đại biểu Thạch Phước Bình góp ý.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung một số quy định tại các điều 27, 68 và 72 của dự thảo luật. Bên cạnh đó, việc luật hóa danh mục các công việc và khu vực người lao động không được đi làm việc ở nước ngoài cũng góp phần hạn chế các rủi ro cho họ, đặc biệt là lao động nữ./.