ĐBQH đề nghị làm rõ thông tin chi 1 tỷ đồng để nâng điểm ở Sơn La
VOV.VN - ĐBQH đề nghị phải làm rõ thông tin chi 1 tỷ đồng để nâng điểm cho 1 thí sinh. Nếu vi phạm thì kiên quyết xử lý và công khai trước dư luận xã hội.
Phải xử lý để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật
Đại biểu Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đây là vụ việc vô cùng nghiêm trọng và nó không phải là câu chuyện chi 1 tỉ đồng hay 1.000 đồng.
“Đã là gian lận thi cử, là tiêu cực, sử dụng tiền để gian lận tiêu cực, dù không đến con số 1 tỉ đồng thì vẫn phải xử lý đến nơi đến chốn để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật”- đại biểu Triệu Thế Hùng cho biết.
Đại biểu Triệu Thế Hùng. (Ảnh: KT) |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng cũng nhấn mạnh, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu ai vi phạm đều sẽ bị xử lý. Đặc biệt với cán bộ, đảng viên tính nêu gương phải đi đầu.
"Tôi tin các chi bộ, đảng bộ các địa phương sẽ công tâm nhìn nhận việc phụ huynh có con được sửa, nâng điểm thi là cán bộ, lãnh đạo tại địa phương. Nếu phụ huynh có dính líu được cơ quan điều tra kết luận thì sẽ phải xử lý", ông Hùng nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc "bồi dưỡng" tới 1 tỷ đồng chỉ là lời khai của bị can. Việc có hay không sự vụ này, ai đưa, đưa thế nào, quan hệ giữa người đưa và người nhận là vấn đề cơ quan điều tra phải làm rõ.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đây là một vấn đề hệ trọng, phải xác định xem lời khai có đúng sự thật không. Nếu đúng sự thật đó phải truy cho tới cùng, tránh tình trạng khai để che giấu tội trạng của mình, đẩy tội cho người khác.
“Nếu lời khai đúng sự thật, hành vi này sẽ bị quy vào tội nhận hối lộ và đưa hối lộ với hình phạt được quy định rõ bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi. Nếu đúng, cần phải chế tài xử phạt rất nặng với trường hợp này”- đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, một khi giá nâng điểm lên tới 1 tỷ đồng, các sinh viên sau khi ra trường có thể sẽ làm mọi cách để thu hồi số tiền này. Nếu tình trạng này không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh sẽ để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng cho thế hệ sau.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội). |
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho rằng, cần phải làm đến cùng và phải công bố sự việc này tới xã hội. “Tôi cho rằng phải điều tra và phải công bố, không trừ một trường hợp nào, kể cả các cháu học sinh. Nếu các cháu tham gia vào thì cũng phải công bố, tất nhiên chúng ta sẽ nhân đạo với những cháu gọi là nạn nhân, không tham gia vào và không biết. Còn những cháu cũng tham gia vào mà mìh điều tra ra thì cũng phải công bố, phải xử lý”.
Liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Sơn La chấn động thời gian qua, Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điểm a, khoản 2, điều 356 Bộ luật hình.
Theo Tuổi trẻ, cơ quan điều tra cho biết, "chi phí" giúp rút bài sửa nâng điểm có bị can khai, trung bình mỗi trường hợp "giá" là 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Tiền Phong, lãnh đạo Viện KSND tỉnh Sơn La cho rằng, thông tin về giá nâng điểm 1 tỷ đồng cho một thí sinh là không chính xác. Đây chỉ là lời khai một phía của bị can. Các đối tượng trong vụ án này liên tục thay đổi lời khai, một số chứng cứ bị tiêu huỷ, gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra./.