Để không còn những nỗi đau do trẻ bị đuối nước
(VOV) -Các bậc cha mẹ nên để mắt đến con nhỏ, kết hợp với nhà trường để tuyên truyền, giáo dục cho trẻ…
Trong vòng chưa đầy 2 tháng qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra 19 vụ đuối nước, làm 42 học sinh thiệt mạng. Chỉ riêng trong 3 ngày cuối tuần qua đã có 9 học sinh thiệt mạng vì tai nạn này. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) về nội dung này.
PV: Thưa ông, đâu là nguyên nhân khiến nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây?.
Ông Nguyễn Trọng An: Vấn đề chết đuối ở trẻ em trên tất cả các tỉnh đều có xu hướng gia tăng, qua các thông báo từ các tỉnh gửi về. Trẻ em bị chết đuối nhiều là do thời tiết bắt đầu nóng, các em mặc dù đang đi học nhưng đã nghỉ học sớm và đi tắm, chơi. Không chỉ quanh gia đình, cạnh nhà trường và các khu du lịch cũng đã có hiện tượng trẻ em bị chết đuối.
Ngày 12/9/2012, nhóm nữ sinh cấp II ở Mỹ Đức, Hà Nội nghỉ học sớm và rủ nhau đi tắm, không may tai nạn xảy ra khiến 8 em thiệt mạng |
Cho nên các bậc cha mẹ nên để mắt đến con nhỏ, nếu con lớn đang đi học thì phải kết hợp với nhà trường, vì giai đoạn này các thầy cô giáo hay cho học sinh nghỉ sớm. Thời tiết thì nóng nực, các em được nghỉ sớm, cha mẹ lại tin con cái họ đang học ở trường cho nên trẻ em bỏ ra tắm sông và vui đùa ở ven hồ, ven ao có nguy cơ đuối nước rất cao. Đó là những cảnh báo mà chúng tôi cũng đã, đang triển khai trong cả truyền thông giáo dục cũng như cảnh báo với các cơ quan chức năng.
PV: Có một thực tế là trẻ em đuối nước không chỉ do các em tắm sông, hồ, ao, biển mà nhiều trường hợp gặp tai nạn ngay chính trong ngôi nhà của mình. Vậy việc xây dựng mô hình “ngôi nhà an toàn” cho trẻ đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai như thế nào, thưa ông?.
Ông Nguyễn Trọng An: Chúng tôi đưa vào các phương tiện truyền thông rất nhiều trong nhiều năm nay, đặc biệt sẽ tập trung vào Quyết định 548 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đó là xây dựng ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích. Vì hơn 60% vụ trẻ em bị tai nạn thương tích là xảy ra quanh gia đình và trong gia đình.
Chính vì thế, việc xây dựng ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em rất quan trọng, trong đó có các hoạt động loại trừ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em trong các chum vại, giếng khơi, các hố sâu xung quanh nhà.
Chúng tôi tuyên truyền, giáo dục của tất cả các bậc cha mẹ, cũng như các em biết rằng nguy cơ đuối nước rất tiềm ẩn. Một vấn đề nữa là chúng tôi đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để có những can thiệp trên đường trẻ em đi đến trường, ngay tại trong nhà trường, trong cộng đồng; trong các khu vui chơi giải trí chung phải có người lớn hướng dẫn, cảnh báo bản thân các em cũng như tất cả các bậc cha mẹ, để phòng chống thương tích cho trẻ em.
PV: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng như thế nào để góp phần giảm thiểu những vụ tai nạn đuối nước thương tâm không đáng có ở trẻ, thưa ông?.
Ông Nguyễn Trọng An: Hàng năm vào dịp hè, Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em có thông báo cho tất cả các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội- là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước của trẻ em ở các địa phương, qua đó cảnh báo cho tất cả các gia đình và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung, đặc biệt phòng chống chết đuối trẻ em ở các địa phương.
Chúng tôi sẽ có công văn của Bộ gửi lãnh đạo ở tất cả các tỉnh, phải có kế hoạch để làm thế nào thực hiện chương trình về phòng chống tai nạn thương tích chung của địa phương, đã thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Bộ cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức quốc tế, sẽ tổ chức lễ phát động phòng chống đuối nước ở trẻ em để thúc đẩy, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các bậc cha mẹ, mọi người dân, bản thân trẻ em về phòng chống đuối nước trẻ em.
Bên cạnh đó, vừa rồi Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cũng trở thành một thành viên của Ban vì bình yên sông nước, do Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia thành lập.
Chúng tôi cũng tiến hành đánh giá các cuộc phát động trước đây và triển khai kế hoạch vì bình yên sông nước, để đảm bảo an toàn nói chung cho người dân tham gia giao thông đường thủy, cũng như trẻ em trong việc đi học, đến trường, đi chơi… để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em.
PV: Xin cảm ơn ông./.