Để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn
VOV.VN - Hiện, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở nước ta là trên 12%, dự báo đến năm 2050 là 28%. Tốc độ già hóa dân số nhanh đặt ra nhiều thách thức trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Các dịch vụ y tế cho người cao tuổi chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Theo bác sĩ Mai Xuân Phương – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Dân số, Tổng cục Dân số (nay là Cục Dân số), Bộ Y tế, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là khoảng 73,7 tuổi nhưng khoảng 95% người cao tuổi mắc ít nhất 1 bệnh. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh, đa số là bệnh lý mạn tính nên nhu cầu chăm sóc y tế dài hạn của người cao tuổi ngày càng tăng cao. Đây là thách thức đầu tiên trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Trên thực tế những năm gần đây, chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Các địa phương trong cả nước đã cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án cụ thể để từng bước quan tâm đầu tư hơn nhằm chăm sóc, nâng cao chất lượng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Tuy nhiên, vẫn chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng và tình hình thực tế của nhóm dân số này.
Hệ thống cơ sở chăm sóc người cao tuổi đã được bước đầu hình thành phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước song vẫn chưa bắt kịp với tốc độ chuyển đổi nhân khẩu học và cơ cấu dân số. Hiện nay, cả nước chỉ có 49/63 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố có khoa lão. Về đào tạo, trên toàn quốc cũng mới chỉ có 3 cơ sở có bộ môn lão khoa. Việc vừa điều trị bệnh vừa phục hồi chức năng cho người cao tuổi không chỉ cần thuốc men, trang thiết bị y tế mà cả chế độ dinh dưỡng, luyện tập, không đơn giản điều trị một bệnh mà nhiều bệnh đi kèm trên nền cơ thể suy yếu, các bộ phận trong cơ thể cũng suy giảm chức năng. Do vậy, người thầy thuốc về lão khoa phải có kiến thức rất rộng và sâu mới đáp ứng được nhu cầu chữa trị bệnh tật của người cao tuổi.
Tuy nhiên, theo BS Mai Xuân Phương, vẫn còn tình trạng bác sĩ sử dụng các hướng dẫn chăm sóc điều trị bệnh dành cho người trẻ tuổi để chữa trị cho người già. Nguyên nhân là do chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt về mặt chính sách trong khi quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng và hệ thống y tế với nguồn lực mới chỉ tập trung vào lực lượng dân số trẻ.
Mặt khác, quá trình chuyển từ quan niệm người cao tuổi là gánh nặng thành người cao tuổi là tài sản còn chậm, chưa có giải pháp để phát huy sức mạnh của cả cộng đồng trong việc chăm sóc người cao tuổi. Người già lại là nhóm dễ bị tổn thương cả sức khỏe thể chất, tinh thần và thu nhập. Hiện nay, người cao tuổi sống chủ yếu nông thôn, làm nông nghiệp và có đời sống vật chất khó khăn. Trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Nhiều người cao tuổi vẫn phải tự kiếm sống, tự chăm sóc nhau hoặc sống đơn thân. Một số nghiên cứu cho thấy, khoảng 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất; 33% không biết chia sẻ vui buồn cùng ai và 22 % cảm thấy rất cô đơn.
"Trước tình hình đó rất nhiều địa phương cũng đã quan tâm phát triển mô hình viện dưỡng lão. Song nguồn cung viện dưỡng lão tại Việt Nam đang thiếu hụt rất nhiều so với nhu cầu thực tiễn với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay. Các địa phương nói riêng và ở Việt Nam nói chung chưa có một mô hình chuẩn hay hướng dẫn chi tiết cụ thể cho hoạt động của viện dưỡng lão", BS. Mai Xuân Phương nhận xét.
Nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn
Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, bác sĩ Mai Xuân Phương đề xuất cần nâng cao năng lực của hệ thống y tế, phát triển ngành lão khoa, xây dựng các chính sách hướng đến tạo môi trường thân thiện với người cao tuổi, bao quát từ lĩnh vực y tế đến văn hóa xã hội, giao thông, xây dựng… tạo điều kiện thuận lợi để người già được chăm sóc sức khỏe và tham gia vào các hoạt động văn hóa xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi chăm sóc người cao tuổi.
Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh tật, khám, chữa bệnh, xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều trị các bệnh lý mạn tính đối với người cao tuổi.
"Làm sao để mỗi bệnh viện tuyến huyện cũng có đơn nguyên lão khoa hoặc dành một cơ số giường bệnh nhất định để điều trị bệnh cho người cao tuổi và có bác sĩ chuyên khoa về lĩnh vực này", BS. Mai Xuân Phương bày tỏ mong muốn.
Thứ ba là tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu hợp tác đầu tư nguồn lực thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Cần có những chính sách, hướng dẫn cụ thể để xây dựng, phát triển hệ thống viện dưỡng lão để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi.
“Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030. Một trong những mục tiêu của Chương trình là 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. Chúng tôi rất mong, người cao tuổi hoặc người trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe; hàng năm người cao tuổi sẽ được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và 100% người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe. Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng sẽ được phát hiện điều trị quản lý các bệnh không lây nhiễm như ung thư tim mạch, tăng huyết áp đái tháo đường bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sa sút trí tuệ”, BS. Mai Xuân Phương nói.
Bác sĩ Mai Xuân Phương đề xuất, tại cộng đồng, có thể tổ chức các câu lạc bộ liên thế hệ, vừa giúp người già được giao lưu, trò chuyện, thoải mái về tinh thần, vừa cung cấp kiến thức tự chăm sóc sức khỏe. Cũng cần xây dựng các đội tình nguyện tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, nhất là đối với những trường hợp sống đơn thân, không thể tự phục vụ bản thân.