Đề xuất cho thực hiện chuyển đổi giới tính tại Việt Nam
Đại diện Bộ Y tế: "Cần thừa nhận thực tế để giải quyết. Mình không cho phép họ vẫn ra nước ngoài làm".
Cụ thể, dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi đang đưa ra hai phương án. Thứ nhất là không thừa nhận việc chuyện đổi giới tính tại Việt Nam như từ trước đến nay. Thứ hai là cho phép thực hiện nhưng chỉ trong một số trường hợp đặc biệt được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có, tức là bên ngoài là nam nhưng trong suy nghĩ của họ lại là nữ và ngược lại. Việt Nam không cho phép thực hiện việc chuyển đổi giới tính, nên đến nay có khoảng 1.000 người đã ra ngước ngoài chuyển đổi giới tính và về sống ở trong nước.
“Cá nhân tôi nghiêng về phương án thừa nhận thực tế để giải quyết, không né tránh. Mình không cho phép thực hiện nhưng họ vẫn ra nước ngoài làm, làm chui nên vừa tốn kém, nguy cơ chị rủi ro hậu quả rất lớn. Đây cũng là vấn đề về quyền được sống thật với giới tính của mình”, tiến sĩ Quang nói.
Theo ông, những người đã đi chuyển giới khi về nước gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề thủ tục giấy tờ liên quan đến nhân thân. Lý do vì pháp luật trong nước không cho xác nhận lại giới tính.
Trên thế giới hiện có 20 nước trong số 200 quốc gia, vùng lãnh thổ thừa nhận việc chuyển đối giới tính. Riêng khu vực châu Á có 5 nước gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Nepal và Thái Lan.
Trước đó, dư luận trong nước xôn xao về câu chuyện của cô giáo chuyển giới Phạm Lê Quỳnh Trâm. Tháng 9/2012, Quỳnh Trâm được coi là người chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam được công nhận. Tuy nhiên sau đó quyết định xác định lại giới tính cho Quỳnh Trâm bị thu hồi vì lý do trái pháp luật./.