Đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có khả thi?
VOV.VN - Hôm nay (12/4), tại TP.HCM, Viện nghiên cứu vùng và đô thị (IRUS) tổ chức hội thảo “Ý tưởng điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ (đoạn trên địa bàn TP.HCM và Bình Dương).
Điều chỉnh tuyến đường sắt TP.HCM- Cần Thơ dọc theo Vành đai 3
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành phố (Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ) với chiều dài 174 km. Tại TP.HCM, tuyến đường sắt này đi song song với Vành đai 2, qua TP Thủ Đức, Quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh.
Thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo tại hội thảo, TS Trịnh Văn Chính, chuyên gia giao thông cho biết, dự án sau nhiều năm quy hoạch chưa triển khai. Hiện nay, dọc tuyến Vành đai 2 đã đô thị hóa nhanh, giá nhà trong khu vực tăng lên rất cao.
Nhóm nghiên cứu đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ vào một phần bên trái đường Vành đai 3. Cụ thể, từ điểm đầu tuyến tại ga An Bình (Bình Dương) tuyến đi theo hành lang đã quy hoạch về phía Bắc đến ga Dĩ An và ga Bình Chuẩn, sau đó rẽ trái và đi theo Vành đai 3 về phía Nam, đến vị trí gần cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ đi tiếp tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hành lang đã được quy hoạch trước đây.
PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, ước tính giá đền bù giải phóng mặt bằng dọc tuyến Vành đai 2 hiện đã tăng 2,5 - 3 lần so với giá đền bù trên Vành đai 3. Do đó, nếu điều chỉnh kết nối tuyến đường sắt với Vành đai 3 sẽ giảm nhiều chi phí so với hướng tuyến hiện hữu.
“Chúng ta nên chỉnh tuyến đi dọc theo Vành đai 3. Chúng ta đang giải phóng mặt bằng mà ở đây đất trống rất nhiều, sẵn đó quy hoạch giải phóng luôn, thêm 20m nữa thôi. Nếu đi theo tuyến Vành đai 2 thì giải phóng mặt bằng lên đến 45m vì tuyến đường sắt riêng phải có vành đai riêng, mà như vậy thì chi phí rất cao”, PGS.TS Nguyễn Văn Trình cho biết.
Chuyên gia đánh giá khó khả thi
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đánh giá cao ý tưởng cũng như những hiệu quả mà dự án có thể mang lại.
Tuy nhiên, tất cả đều cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ hơn khi điều chỉnh hướng tuyến. Mô hình đường sắt dọc đường bộ cao tốc đã có nhiều nước làm nhưng cần phải giải quyết các bài toán quy hoạch, các cơ sở pháp lý. Việc di chuyển đường sắt ra bên ngoài cũng cần phải tính toán, điều tra xã hội học, trả lời được câu hỏi là làm đường sắt nhằm mục đích ưu tiên chở hàng hóa hay hành khách.
Tuyến đường sắt này cần được đặt trong quy hoạch vùng, quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia…Do đó, đề xuất này tuy có vẻ khả thi nhưng phải đánh giá kỹ lưỡng.
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (thuộc Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, đây mới là ý tưởng bước đầu nên cần có các luận cứ chứng minh tính khả thi. Trong đó, cần phải rà soát lại quy hoạch quốc gia, quy hoạch các tỉnh, đảm bảo tính pháp lý.
“Ý tưởng này phải có lộ trình để giải quyết về mặt quy hoạch để đảm bảo tính pháp lý trong triển khai thực hiện. Còn nếu không có trong quy hoạch thì đương nhiên ý tưởng đó cũng chỉ là định hướng. Do đó, tôi nghĩ vấn đề quy hoạch hết sức quan trọng mà nhóm nghiên cứu phải đưa ra được định hướng khả thi để có thể tích hợp hoặc cập nhật vào trong các quy hoạch có tính pháp lý”, ông Phạm Hoài Chung nói.
Đại diện các sở, ngành tại TP.HCM và Bình Dương cho rằng, Vành đai 3 TP.HCM có lộ giới quy hoạch 74m, giải phóng mặt bằng một lần. Hiện, dự án đã hoàn thành cắm ranh và hoàn thành thiết kế kỹ thuật. Do đó, dự án Vành đai 3 sẽ không đủ lộ giới 20m cho tuyến đường sắt như ý tưởng. Như vậy, tính khả thi của đề xuất này là không cao./.