Đề xuất giảm phí tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
VOV.VN - Sau những khuất tất được công bố trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Tổng cục Đường bộ vừa trình Bộ GTVT phương án giảm mức phí ở đây.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 1 chỉ sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ nhưng giá phí thu tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ - Ninh Bình (1.500 đồng/km) là bất hợp lý và bất thường, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân. |
Theo đề xuất, tất cả phương tiện di chuyển trên tuyến đường này sẽ được giảm 25% giá vé so với mức giá hiện tại, thời điểm giảm phí từ ngày 15/10/2017.
Nguyên nhân giảm mức phí trên được Tổng cục Đường bộ đưa ra là do quá trình kiểm tra đơn vị nhận thấy lưu lượng xe tại trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ tăng nhanh, doanh thu cao.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Bộ GTVT giao các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT điều chỉnh phương án tài chính, điều chỉnh hợp đồng dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ cho phù hợp.
Theo phương án Tổng cục Đường bộ Việt Nam trình Bộ GTVT, đến năm 2021 sẽ bắt đầu tăng giá vé trở lại với mức tăng 18% và sau đó ba năm tăng một lần, mỗi lần tăng 18%.
Dự kiến mức phí trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ giảm 25% giá vé từ ngày 15/10. |
Liên quan đến dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ, vừa qua Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm. Trong đó, việc thực hiện trình tự phê duyệt tổng mức đầu tư, thiết kế cơ sở dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ còn thiếu chặt chẽ, không lường hết các yếu tố ảnh hưởng dẫn đến phải điều chỉnh, thay đổi quá lớn trong thời ngắn.
Cụ thể, sau khi đã phát hành hồ sơ yêu cầu lần thứ ba để lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư từ gần 8.500 tỉ đồng xuống còn 6.700 tỉ đồng.
Về giá thu phí, kết luận thanh tra khẳng định trước khi thực hiện dự án Bộ Tài chính đã có văn bản nêu rõ: “Việc đặt trạm thu phí trên đường BOT để thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư chỉ được thu phí khi dự án hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng”.
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sai phạm như thế nào?
Cận cảnh tuyến BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ được chỉ ra có nhiều sai phạm
Bức xúc vì những bất hợp lý ở BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ
Hàng loạt sai phạm đó chưa được xử lý, lẽ ra theo quy định, tuyến đường này phải ngừng thu phí đến khi rà soát kiểm tra xong. Tuy nhiên tuyến đường này vẫn được thu phí bình thường.
Mặt khác, tuyến đường này đang thu phí trên tuyến đường có sẵn, nhà đầu tư chỉ thảm thêm một lớp nhựa mỏng lên, nhưng lại thu phí theo mức thu phí của đường cao tốc làm mới (1.500 đồng/km), điều này là hết sức vô lý khiến người dân bất bình./.
Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29 km, khởi công cải tạo nâng cấp vào ngày 20/7/2015 và hoàn thành giai đoạn 1, bắt đầu triển khai thu phí từ ngày 6/10/2015.
Cienco 1 là một trong ba cổ đông sáng lập của MPC với số vốn góp là 148 tỉ đồng, chiếm 18% vốn điều lệ. Cổ đông lớn nhất tại dự án có số vốn điều lệ lên tới 823 tỉ đồng này là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát (nắm 65% vốn điều lệ, giữ vị trí tổng giám đốc), cổ đông nữa là Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành sở hữu 17%.
Mức thu phí toàn tuyến trên thấp nhất là 45.000, cao nhất là 180.000 đồng.
Thời gian thực hiện dự án đến cuối năm 2017, giai đoạn 1 đến Quý IV/2015. Thời gian thu phí là 17 năm 2 tháng 18 ngày.