Đề xuất lấp hồ Thành Công: “Họ không hiểu vai trò của hồ trong đô thị”
VOV.VN - Đơn vị đề xuất không hiểu vai trò của hồ trong đô thị là như thế nào. Hồ Thành Công phải được bảo tồn…
Hồ Thành Công như một lá phổi của khu vực và cũng là hồ điều hòa cho khu vực Thành Công.
Tại hội thảo cải tạo chung cư cũ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 4/4, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico, đơn vị được thành phố giao cải tạo chung cư cũ Thành Công) đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy một phần diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ.
Vị trí hồ Thành Công trên bản đồ Google Maps. |
Nói về đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, có những đề xuất mà ngay cả thành phố chưa thể quyết được, ví dụ lấy một héc-ta hồ Thành Công làm nhà cho dân. Đề xuất này được cho dân, được cho doanh nghiệp, nhưng liệu thành phố có dám xóa bỏ quy hoạch chỗ đó không? Chủ đầu tư nói sẽ đào thêm hồ chỗ khác, chắc gì đã làm được (!?).
Phải hiểu rõ vai trò của hồ
Trao đổi với phóng viên về đề xuất của Vihajico, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm cho biết, họ không hiểu vai trò của hồ trong đô thị là như thế nào?
Hồ trong đô thị đóng vai trò điều hòa, thu gom nước mưa khi trời mưa tránh nguy cơ ngập lụt cho thành phố. Hơn nữa, hồ còn đóng vai trò là cảnh quan đô thị, tạo ra khí hậu tốt cho cảnh quan xung quanh đó. Hồ có tính chất làm giảm nhiệt độ trong đô thị, bởi nhiệt độ trong đô thị thường cao hơn khu vực xung quanh từ 1 đến 2 độ.
Tuy mới chỉ là ý tưởng nhưng đề xuất này nhanh chóng vấp phải những ý kiến phản đối từ dư luận về tính khả thi và lo ngại sẽ gây ảnh hưởng đến không gian hồ Thành Công. |
“Nói thế để thấy, hồ trong đô thị không nên lấp mà cũng không nên lấy hồ nơi khác để thay thế. Bởi hồ Thành Công sẽ điều hòa cho khu vực Thành Công chứ không thể điều hòa cho khu vực khác, hay lấy hồ ở khu vực khác để điều hòa cho khu vực Thành Công. Sự tồn tại của hồ Thành Công từ lâu nay đã có rồi, giờ phá sự cân bằng ấy và thay bằng cân bằng khác là không ổn”. Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm phân tích.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm đề xuất: “Nếu chủ đầu tư có nhu cầu về tái định cư cho người dân ở khu Thành Công trong quá trình cải tạo thì nên sử dụng khu Giảng Võ vì khoảng cách từ Thành Công đến Giảng Võ không xa. Cải tạo mà đưa dân đi nơi khác xa thì dân không chịu, nên phải đưa dân ở nơi gần chỗ ở cũ. Nhưng họ không nghĩ ra cách nào khác mà lại nghĩ ra cách lấp hồ. Phương án đó không khả thi”.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm: hồ Thành Công sẽ điều hòa cho khu vực Thành Công chứ không thể điều hòa cho khu vực khác, hay lấy hồ ở khu vực khác để điều hòa cho khu vực Thành Công. |
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, trong khi cây xanh, mặt nước đang được người dân hết sức quan tâm thì doanh nghiệp chủ động đề xuất giảm diện tích không gian xanh là không ổn. Hơn nữa, tăng dân số trong nội đô là không đúng với chủ trương của thành phố.
Kể cả trong trường hợp doanh nghiệp bù lại 1 ha mặt nước mới cho hồ Thành Công thì ông Nghiêm vẫn băn khoăn tính khả thi. "Đào thêm 1 ha ở chỗ khác thì hình dáng hồ như thế nào, có ảnh hưởng tới vấn đề thoát nước mặt, địa chất, thủy văn hay không?”, chuyên gia này đặt câu hỏi.
Lấp hồ Thành Công xây nhà, một ý tưởng vui đùa?
Theo ông Nghiêm, định hướng trong việc cải tạo các khu chung cư này đã được xác lập rất rõ trong các nghị định, trong các chương trình phát triển của thành phố, cũng như trong quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đến 2030. Đặc biệt, phải tuân thủ Luật Thủ đô, tức là tuân thủ quy hoạch chung.
Còn theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, không nên lấy đất của hồ Thành Công vì Hà Nội đang rất thiếu diện tích mặt nước, cây xanh. Cần phải giữ gìn các diện tích mặt nước./.