Đêm nay bắt đầu cẩu đầu máy, toa xe lên đường ray trên cao
VOV.VN - Dự kiến 22 giờ đêm nay Ban QLDA Đường sắt và các nhà thầu tiến hành cẩu đầu máy, toa xe tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông lên ga trên cao.
Sáng 20/2, Bộ trưởng Bộ GTVT kiểm tra lô đầu máy, toa xe đường sắt Cát Linh - Hà Đông và công tác chuẩn bị cẩu đầu máy, toa xe lên đường trên cao.
Đầu máy, toa xe tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã được tập kết ở đường Quang Trung, Hà Đông để chuẩn bị cẩu lên trên đường ray trên cao vào đêm nay.
Đoàn công tác của Bộ GTVT do Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa làm trưởng đoàn đi thị sát lô 4 chiếc đầu máy, toa xe đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tuyến đường sắt số 3 Hà Nội) đang được tập kết tại đường Lê Trọng Tấn kéo dài (khu đô thị Văn Phú, Hà Đông) để chờ cẩu lên ga La Khê. Lô thiết bị này được đưa từ cảng Hải Phòng về từ rạng sáng 19/2.
Dự kiến trong đêm 20/2 (từ 22 giờ đến 5 giờ sáng) sẽ cẩu được 2 đầu máy (toa xe) lên đường ray trên cao |
Báo cáo tại hiện trường, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Lê Kim Thành cho biết có 2 phương án để đưa lên đường ray: đưa về Depot tại Ba La hoặc cẩu lên ray khu vực ga La Khê. Phương án được lựa chọn là cẩu từng đầu máy, toa xe (32 - 35 tấn) lên ray bằng cẩu 150 tấn.
Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn khi tiến hành cẩu
Sau khi nghe báo cáo về phương án đưa đầu máy, toa xe lên cao, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, những đầu máy, toa xe đường sắt là hàng có giá trị lớn. Việc tập kết an toàn tại Hà Nội đã là thành công, việc đưa lên ray càng cần hết sức cẩn trọng, không vì sức ép tiến độ mà để xảy ra rủi ro.
“Hệ số an toàn khi thi công phải cao nhất, phải an toàn tuyệt đối, không được phép có bất cứ rủi ro nào. Đây là lô hàng đầu tiên, cần rút kinh nghiệm để hoàn thiện cách thức chuẩn để giữ an toàn tuyệt đối các đầu máy, toa xe trong quá trình vận chuyển, cũng như giữ gìn trật tự ATGT. Nếu cần thiết có thể đề nghị lực lượng công an phối hợp, hỗ trợ”, Bộ trưởng GTVT yêu cầu.
Mỗi đầu máy, toa xe nặng từ 32-35 tấn sẽ được cẩu trọng tải 150 tấn cẩu lên đường sắt trên cao tại ga La Khê. |
“Người dân Hà Nội, dư luận rất quan tâm và mong đợi những đầu máy, toa xe đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông. Chúng ta cần cố gắng, nỗ lực để sớm mang lại hiệu quả dự án. Mấy hôm nay Bí thư thành ủy Hà Nội cũng họp về metro và đường sắt đô thị. Nếu các dự án đường sắt đô thị không triển khai kịp thời thì Hà Nội không thay đổi được phương thức đi lại, không giải quyết được ùn tắc giao thông”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói thêm.
Bộ trưởng Bộ GTVT giao cho Vụ Khoa học- công nghệ, Cục Quản lý chất lượng và xây dựng CTGT cùng Ban Quản lý dự án họp bàn phương án tối ưu nhất, an toàn nhất để đưa đầu máy, toa xe lên đường ray trên cao.
Cũng trong buổi sáng, Ban Quản lý dự án đường sắt đã họp bàn với các Vụ, Cục, tổng thầu và các đơn vị liên quan về phương án, các tính toán kỹ thuật để đưa đầu máy, toa xe lên ray.
Tại cuộc họp, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Lê Kim Thành cho biết, khoảng 22 giờ đêm nay bắt đầu cẩu toa xe lên, thời gian để cẩu mỗi toa xe mất khoảng 3 giờ. Vì vậy, dự kiến trong đêm 20/2 sẽ đưa được 2 toa xe đầu lên ray trên cao tại ga La Khê.
“Chiều nay, các đơn vị liên quan sẽ kiểm tra thực địa các thông số kỹ thuật của thiết bị cẩu, địa chất, nếu tất cả các điều kiện đều đảm bảo hệ số an toàn cao sẽ triển khai việc cẩu nâng đầu máy, toa xe lên trong đêm”, ông Thành cho biết.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt yêu cầu các thành viên đơn vị tư vấn, cơ quan chịu trách nhiệm vận chuyển một lần nữa rà soát lại các thông số kỹ thuật của các thiết bị nâng hạ như cẩu nâng, cẩu tự hành, dây cáp, chiếu sáng... cân nhắc các trường hợp có thể xảy ra, đặc biệt rà soát lại hạ tầng giao thông khu vực nâng toa xe làm sao để không ảnh hưởng đến các công trình ngầm phục vụ dân sinh và đặc biệt yêu cầu có các phương án cảnh báo gần, cảnh báo từ xa nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông cũng như đảm bảo an toàn trong quá trình thi công./.
Trước đó, chiều ngày 12/2/2017, đoàn tàu đầu tiên gồm tổ hợp 2 toa có đầu tàu kết hợp và 2 toa khách đã cập cảng biển Hải Phòng; 18h tối cùng ngày, đoàn tàu đã được chuyển lên bờ thành công. Các bên bảo hiểm vận tải biển và vận tải đường bộ cùng phối hợp chặt chẽ, xác nhận các thủ tục chuyển giao trách nhiệm trước khi tàu được đưa lên bờ chuẩn bị cho hành trình đường bộ về dự án.
Do đây là loại hàng hóa đặc chủng - đoàn tàu đường sắt đô thị, cùng một số trang thiết bị đo kiểm và vật tư dự phòng, lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam nên thủ tục thông quan liên quan đến hàng hóa miễn thuế nhập khẩu dài hơn so với thông thường, tới chiều ngày 16/2/2017 các thủ tục hải quan hoàn thành, đủ điều kiện bốc xếp để vận chuyển từ cảng về công trình.
Song song trong thời gian làm thủ tục nhập cảnh, thông quan, phương án vận chuyển được trình chấp thuận. Đoàn tàu có chiều cao lớn, dài, cộng với chiều cao của xe vận chuyển chuyên dụng nên phải xác định cung đường vận chuyển đảm bảo không vướng các chướng ngại về chiều cao cũng như góc rẽ. Theo đó, lộ vận chuyển từ cảng Hải phòng chạy dọc theo Quốc lộ 5 cũ, rẽ vào Quốc lộ 21B về đến Phủ Lý, rẽ vào Quốc lộ 1 cũ về đến Văn Điển, rẽ vào Quốc lộ 70 về đến đường Quang Trung - Hà Đông và tập kết tạm tại khu đô thị Văn Phú, Hà Đông gần sát khu ga La Khê trên tuyến.
Với hành trình vận chuyển như trên, để đảm bảo an toàn cho hàng và để tránh ùn tắc giao thông trên tất cả hành trình mà xe đi qua, đoàn xe phải đi dần từng cung chặng từ 11h đêm hôm trước đến không quá 5h sáng hôm sau. Đêm ngày 17, rạng sáng 18/02, đoàn tàu đã được tập kết tạm thời tại điểm trung gian là huyện Mỹ Lộc – tỉnh Nam Định trên Quốc lộ 21B và đêm 18, rạng sáng 19/02 đoàn tàu tiếp tục được vận chuyển về Hà Nội, hiện tập kết tạm trên đường Lê Trọng Tấn kéo dài – quận Hà Đông, qua khu đô thị Văn Phú. Suốt quá trình vận chuyển, các bên tham gia phải túc trực áp tải, tiền trạm dẫn đường với duy nhất nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đoàn tàu.