Địa kỹ thuật là “chìa khoá” tạo dựng không gian sống an toàn, bền vững
VOV.VN - Ngày 14/12, phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2023 với chủ đề “Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng Xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang đặt ra những nhiệm vụ mới đối với khoa học địa kỹ thuật.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học địa kỹ thuật đối với sự phát triển hạ tầng bền vững, kiến tạo không gian sống an toàn cho cộng đồng, trước sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, biến đổi khí hậu… Đây là sự kết nối, hợp tác “không biên giới” của nhiều bộ môn, chuyên ngành khoa học về địa chất, trái đất, môi trường, vật lý, toán học, hoá học,… cùng với các mô hình, công nghệ tính toán mới nhất.
Không chỉ liên quan đến phát triển hạ tầng bền vững, địa kỹ thuật đã xuất hiện trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; đặc biệt là quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế dựa vào khai thác vào tài nguyên tự nhiên sang kinh tế tri thức.
“Với mô hình phát triển dựa vào tài nguyên, nhân loại phải cần tới 3 trái đất, vì vậy, nhiệm vụ của khoa học địa kỹ thuật là phải đưa ra những giải pháp xây dựng hạ tầng ít tác động nhất tới trái đất, thân thiện nhất với môi trường trong quá trình mở rộng không gian sống trên trái đất bằng các công trình ngầm hay hướng ra biển”, Phó Thủ tướng cho biết.
Dẫn chứng lại một số thảm hoạ động đất, sóng thần, Phó Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu cơ bản về khoa học trái đất, địa kỹ thuật nhằm đưa ra các khuyến nghị trong quy hoạch, bố trí không gian, đô thị, các công trình hạ tầng chiến lược, quan trọng. Đồng thời, xây dựng nguồn tài nguyên dữ liệu đầu vào cho địa kỹ thuật từ các bộ môn, chuyên ngành khoa học như địa chất, khí hậu, thuỷ văn, môi trường…; tăng cường nghiên cứu vật liệu mới, bền vững với môi trường, đáp ứng yêu cầu kết cấu…
Theo Phó Thủ tướng, hội nghị quốc tế địa kỹ thuật là cơ chế hữu hiệu để các nhà khoa học kết nối, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cùng hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu, mang tính thời đại đối với sự phát triển bền vững của trái đất, cũng như mỗi quốc gia, không chỉ hiện tại mà cả tương lai.
Phó Thủ tướng mong muốn sau hội nghị sẽ có nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau cùng hợp tác trong những đề tài nghiên cứu chung, với sự tiên phong của các doanh nghiệp nhằm thương mại hoá thành sản phẩm: “Có rất nhiều nhiệm vụ được thực tiễn cuộc sống đặt ra cho các nhà khoa học, từ những vấn đề cơ bản đến những giải pháp có tính ứng dụng hướng tới một môi trường sống an toàn cho cộng đồng, xã hội, người dân theo hướng chuyển đổi xanh, để trái đất được phục hồi, an toàn và bền vững”.
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về các nội dung chuyên sâu: Móng sâu; thi công hầm và công trình ngầm; cải tạo nền đất yếu, mô hình số và quan trắc địa kỹ thuật; trượt lở và xói mòn; năng lượng tái tạo - năng lượng gió ngoài khơi và địa kỹ thuật bờ biển…
Trong khuôn khổ hội nghị, 55 gian hàng của các tổ chức khoa học, các công ty, doanh nghiệp trong nước và quốc tế giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động sản xuất, thi công xây dựng hạ tầng, dự án nền móng, công trình ngầm.