Dịch Covid-19 tại Hà Nội đang âm ỉ và bắt đầu lan ra diện rộng
VOV.VN - Bệnh viện Bạch Mai đã liên quan lây nhiễm đến 5 tỉnh, thành phố và 20 quận, huyện của Hà Nội.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội sáng nay (30/3), Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định: Tình hình thế giới cho thấy dịch Covid-19 diễn ra vô cùng phức tạp và trở thành đại dịch, lan ra trên 200 nước và vùng lãnh thổ. Hiện tại Trung Quốc đang có tình trạng lây nhiễm trở lại.
Các nước láng giềng như Lào, Campuchia cũng đã bắt đầu bùng phát. Có nghĩa là nguy cơ rủi ro từ các tỉnh biên giới giáp Lào, Campuchia cũng sẽ có nguy cơ tăng lên.
Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Thành phố Hà Nội. |
Tại Việt Nam chúng ta chứng kiến giai đoạn 1 chỉ có 16 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 8 trường hợp lây nhiễm chéo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đến giai đoạn đầu của giai đoạn 2, chúng ta đã khống chế được các nguồn dịch đi từ các nước vào Việt Nam, nhất là các nước châu Âu, Mỹ; các nước ở vùng Đông Nam Á. Những nguy cơ xâm nhập này được kiềm chế bởi các trường hợp nhập cảnh đều đã được đưa vào các khu cách ly tập trung để xét nghiệm, theo dõi. Theo ông Nguyễn Đức Chung, nguồn lây này tại Hà Nội đến nay tương đối yên tâm bởi số này sẽ lây nhiễm ít và hiện nay đã bị cắt đứt từ bên ngoài.
Hà Nội đang bắt đầu âm ỉ và lan truyền dịch bệnh ra diện rộng
Tuy nhiên, Hà Nội đang bước vào một giai đoạn vô cùng nguy hiểm và nếu như tình trạng diễn ra như tại Vũ Hán đã từng xảy ra thì có thể thấy Hà Nội đang bắt đầu âm ỉ và lan truyền dịch bệnh này ra diện rộng hơn trên địa bàn Thành phố và lây nhiễm chéo rộng hơn trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
"Ổ dịch" tại Bệnh viện Bạch Mai có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng nếu người dân không chấp hành việc ở nhà, hạn chế di chuyển. |
Chủ tịch Thành phố Hà Nội cho biết: "Riêng Bệnh viện Bạch Mai đã liên quan đến 5 tỉnh, thành phố là: Hà Nam, Ninh Bình, Thái Nguyên, Nam Định và Hà Nội. Từ BV Bạch Mai hiện nay cũng lan ra gần 20 quận, huyện của Hà Nội và có thể trong thời gian ngắn nữa sẽ lan ra 30 quận, huyện. Vấn đề chỉ là thời gian, do số người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai hiện nay rất lớn. Nhưng hoàn toàn có thể ngăn chặn đươc nếu chúng ta đều có ý thức tự giác từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng".
"Chúng ta thấy không chỉ lây cho những người trong BV Bạch Mai, từ bệnh nhân, người làm ở BV Bạch Mai đã lây cho cộng đồng. Có những trường hợp F2, F3 đã thành F0. Khi đã lây lan thì sẽ rất nhanh và theo cấp số nhân, điều này đã được thế giới khẳng định, không còn phải nghi ngờ gì nữa", ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Thành phố Hà Nội, có thể thấy tình hình hiện nay đang bước vào một giai đoạn diễn biến hết sức phức tạp và hiện nay chưa ai có thể khẳng định dịch bệnh sẽ kết thúc vào lúc nào. Vì vậy, tất cả chúng ta phải xác định tình hình này sẽ còn kéo dài chứ không phải 1-2 tháng. Bởi nếu ở Trung Quốc, dịch tập trung trong 12 tuần thì hiện nay Italy chỉ trong vòng có 4 tuần mà vẫn chưa đến đỉnh điểm, Mỹ, Tây Ban Nha mới đến tuần thứ 2, Lào, Campuchia mới đến tuần thứ nhất…
Có nghĩa là dịch bệnh liên tiếp nhau, còn dai dẳng và còn rất dài. Trong đó có những nước ra lệnh cách ly và thiết quân luật đến hết tháng 6 như nước Anh và một loạt các nước công bố thời gian rất dài. Vì vậy, cần chuẩn bị phương án cho dài hạn chứ không phải cho ngắn hạn.
Thông tin tự khỏi bệnh khiến người dân chủ quan
Liên quan đến người bị nhiễm mà hiện nay có một số thông tin những người này có thể tự khỏi được, ông Nguyễn Đức Chung khuyến cáo đề nghị các cơ quan thông tin truyền thông của Hà Nội và của Trung ương, Sở Y tế và Bệnh viện Bạch Mai tham khảo, hỏi lại Bộ Y tế để chúng ta có một khuyến cáo chính thức cho người dân. Theo thông tin từ CDC của các nước, câu chuyện tự khỏi là rất khó khăn. Chúng ta đã chứng kiến người chết trẻ nhất ở Pháp là 17 tuổi và rất nhiều bệnh nhân trẻ trên thế giới đang nhiễm bệnh. Có thể thấy dịch bệnh này đang lây cho tất cả các độ tuổi từ bé đến người già, tỷ lệ người già mắc bệnh nền chết nhiều hơn.
“Nói tự khỏi khiến người dân dẫn đến chủ quan. Dịch bệnh đã bị nhiễm thì cần phải khẩn trương tìm thông tin, phát hiện, có biện pháp cách ly và chữa”.
Từ dịch bệnh tác động đến phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, nếu diễn ra dài hạn thì sẽ tác động rất lớn. Dịch bệnh diễn ra nhanh và cũng tác động rất nhanh tới tình hình kinh tế-xã hội, điều đó nằm ngoài tất cả những gì chúng ta đã nghĩ. Vì vậy cần phải có cái nhìn thực tiễn hơn, quan sát tình hình diễn ra trên thế giới rõ hơn, nhìn nhận tình hình tại Việt Nam nghiêm túc hơn để từ đó nhận ra diễn biến của dịch bệnh và thấy rõ nguy cơ, dự báo chắc chắn được các nguy cơ sẽ diễn ra để có những hành động đúng. Nếu chúng ta không dự báo đúng thì sẽ dẫn đến sai đường, sai phương pháp.
“Nếu sai phương pháp trong phòng chống dịch bệnh này chúng ta sẽ phải trả giá bằng sinh mạng của người dân. Nếu không làm quyết liệt, chúng ta sẽ phải trả giá bằng sự sống chứ không phải bằng kinh tế. Vì vậy, đề nghị cả hệ thống chính trị chúng ta phải nhận thức được vấn đề này”, ông Chung nhấn mạnh.
Chủ tịch Thành phố Hà Nội đề nghị phải hành động nhanh chóng, dứt khoát, nên tự giác cách ly tránh lây nhiễm cho gia đình và xã hội. Đẩy mạnh hệ thống tuyên truyền để người dân chủ động tự rà soát trong những ngày qua đã tiếp xúc với những ai liên quan đến BV Bạch Mai, không chần chừ.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị, trưởng ban chỉ đạo tại các phường, xã, thị trấn cập nhật ngay các trường hợp có tiếp xúc, có biểu hiện dương tính ở Bệnh viện Bạch Mai để tập hợp với phương châm 4 tại chỗ. Cấp này có toàn quyền quyết định cách ly, xác minh, làm rõ, tổ chức cách ly tại cộng đồng theo đúng tinh thần Thành phố hướng dẫn và các trường hợp này không phải xin ý kiến.
“Trong lúc này là cao điểm nhất, nguy hiểm nhất của chặng đường chống dịch 60 ngày đêm đã qua. Vì thế trong 2 tuần tới, nếu hạn chế được lây lan thì tôi tin sẽ thành công”, Chủ tịch TP Hà Nội nói./.