Diễn biến mưa lũ không thể lường hết
VOV.VN - Khu vực ĐBSCL diễn biến sạt lở diễn ra nhanh ngày càng phức tạp. Hiện có tổng số 562/786km sạt lở bờ sông và bờ biển
Sáng 31/7, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai họp triển khai chủ động ứng phó thiên tai tại ĐBSCL.
Theo Văn phòng thường trực ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ năm 2010 đến nay, tại khu vực ĐBSCL diễn biến sạt lở diễn ra ngày càng phức tạp.
Trong khu vực hiện có tổng số 562/786km sạt lở bờ sông và bờ biển, trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm 55 điểm/173 km.
Cuộc họp ứng phó với thiên tai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. |
Theo dự báo do lũ thượng nguồn về, trong 2-3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, sau đó chậm do chiều thấp.
Đến ngày 8/8 mực nước cao nhất trên sông tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,35m (dưới BĐ1 là 0,15m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,75m (dưới BĐ1 là 0,25m).
Trong 10 ngày tiếp theo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long cao nhất tại trạm Tân Châu lên mức 3,7m (trên BD1 là 0,20m) trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc lên mức 3,1m (trên BĐ1 là 0,10m, sau đó biến đổi chậm.
Đến ngày 18/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền ở mức 3,55m (trên BĐ 1 là 0,5m), trên sông Hậu ở mức 2,95m (dưới BĐ1 là 0,05m). Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Thời gian xuất hiện đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long vào giữa tháng 10/2018. Cấp độ rủi ro thiên tai Cấp 1-2.
Trong khi đó, tại các tỉnh trọng điểm trồng lúa như Đồng Tháp, tất cả diện tích lúa đều nằm trong ô bao, còn tại An Giang khoảng 2.300 ha ngoài đê bao có khả năng bị ảnh hưởng của nước sông dâng cao.
Để khắc phục sạt lở và giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 1.500 tỷ đồng cho các tỉnh ĐBSCL để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng đến khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đồng thời bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 và 36 triệu USD từ dự án WB9 và dự án GMS1.
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai nhiều địa phương chưa có kế hoạch phòng chống thiên tai của năm 2018 và giai đoạn 2016-2020.
Diễn biến mưa lũ không thể lường hết
Sau khi nghe đại diện Tổng cục phòng chống thiên tai, thủy lợi, thủy sản, trồng trọt, Viện khoa học Thủy lợi miền Nam báo cáo cho ý kiến về công tác chuẩn bị ứng phó phòng chống thiên tai, sạt lở đối với khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng – Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh chúng ta ở cuối nguồn của 2 sông Hồng và Mê Công chịu tác động từ thượng nguồn là rất lớn “Vụ vỡ đập bên Lào cách rất xa biên giới nước ta, đến giờ nước đã về đến ĐBSCL đã ít nhiều làm gia tăng mực nước lũ ở thượng nguồn, cho thấy diễn biến mưa lũ không thể lường hết được”.
Kết luận cuộc họp ông Sơn yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, bão thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên và ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất;
Chuẩn bị phương án ứng phó đề phòng bão đổ bộ vào khu vực ĐBSCL, chuẩn bị tốt các phương án thông báo, kêu gọi cũng như neo đậu tàu thuyền tránh trú khi có bão; tăng cường hệ thống truyền thông đến người dân và sẵn sàng phương án sơ tán dân; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Chuẩn bị phương án ứng phó đề phòng lũ lớn có thể xuất hiện, bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh; tổ chức các điểm giữ trẻ tập trung và tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đến các điểm giữ trẻ để đảm bảo an toàn;
Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, đê biển, nhất là tuyến các tuyến đê bao vùng thượng nguồn và đê biển Tây; đôn đốc tổ chức xử lý khẩn cấp các sự cố sạt lở bờ sông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng trong việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm… để sẵn sàng ứng phó với lũ ngập dài ngày;
Chủ động thu hoạch sớm diện tích lúa hè thu sớm, nhất là đối với những khu vực thấp, trũng không có đê bao, bờ bao bảo vệ; chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để giảm thiểu thiệt hại và phát huy tối đa lợi thế từ lũ;
Chỉ đạo việc kiểm tra những khu vực bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm lòng dẫn thoát lũ; để tổ chức cảnh báo và di dời dân đến nơi an toàn;
Chỉ đạo hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với mưa lũ trên truyền hình, phát thanh, truyền thanh xã, ấp, nhất là kỹ năng phòng tránh lũ, dông, lốc, sét…
Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ thường xuyên phát các tin dự báo, cảnh báo về diễn biến mưa lũ tại khu vực ĐBSCL để chính quyền và người dân biết, chủ động có giải pháp ứng phó;
Tổ chức trực ban theo quy định, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.