Diện mạo mới trên quê hương Đội du kích cách mạng Cổ Văn
VOV.VN - Từ vùng đất in dấu nhiều lịch sử trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Nhật xưa, với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 , Mường Lai nay đã trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Địa danh Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã đi vào lịch sử cách mạng của dân tộc với mốc son chói lọi là sự kiện thành lập “Căn cứ kháng Nhật Lê Lợi” và sự ra đời của “Đội du kích Cổ Văn” - lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên được thành lập ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái vào năm 1945.
Đêm mùng 9/5/1945, trên đồi sim Cổ Văn, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, đội du kích Cổ Văn được thành lập. Được nhân dân ủng hộ, đội du kích không ngừng lớn mạnh về quân số và khí thế cách mạng càng dâng cao.
Ngày 4/7/1945, Đội du kích được lệnh lên đường giải phóng châu Lục Yên và đến ngày 8/7, châu Lục Yên được giải phóng. Sau đó Ủy ban kháng chiến lâm thời Lục Yên được thành lập để tiếp tục lãnh đạo phong trào các mạng ở địa phương.
Đội du kích Cổ Văn sau đó hợp với bộ đội chủ lực tham gia nhiều chiến dịch lớn, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”.
Từ vùng đất in dấu nhiều lịch sử trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Nhật xưa, với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, Mường Lai - - nơi căn cứ cách mạng Cổ Văn ngày ấy nay đã trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Em Nông Thúy Niềm, đoàn viên thanh niên ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên cho biết: “Ngay từ khi còn nhỏ em đã được nghe ông bà, bố mẹ kể về những chiến công oanh liệt của các vị anh hùng, đặc biệt là lịch sử hào hùng của đội du kích Cổ Văn. Đối với em hình ảnh những người chiến sĩ áo chàm tay không cướp đồn giặc hay hình ảnh những người anh hùng đã không quản ngại gian khó, hy sinh để chiến đấu giải phóng quê hương đã im đậm trong tâm trí. Bởi vậy, dù có đi đâu em cũng luôn nhớ tới truyền thống cách mạng của quê hương mình”.
Với truyền thống anh dũng, kiên cường, bất khuất trong kháng chiến cứu quốc của cha ông, ngày nay các thế con cháu của Cổ Văn xưa cũng tự lực tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ đó nhiều mô hình kinh tế trong xã đã được hình thành như: xưởng sản xuất gạch, xưởng xẻ gỗ, xưởng mộc, chế tác đá mỹ nghệ... Mô hình Tổ hợp tác đan lát do chị Linh Thị Hoa, ở thôn 4, xã Mường Lai làm chủ là một ví dụ. Không chỉ góp phần khôi phục nghề truyền thống mà còn mang về thu nhập ổn định cho các lao động cao tuổi ở đây:
“Công việc rất là phù hợp với phụ nữ có tuổi vì ở nông thôn không làm gì được, công ty không có không làm gì được, chỉ có đồi với ruộng thôi. Thế thì việc làm thêm này cho thu nhập ổn định”, chị Hoa nói.
Bí thư Đảng ủy xã Triệu Văn Huấn cho biết, sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 -2025, đến nay, xã đã có 13/23 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong số đó có nhiều chỉ tiêu rất quan trọng như tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 110%, diện tích cây ăn quả đạt 135%; tỷ lệ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt 96%, tăng 6,7% so với Nghị quyết… Các chỉ tiêu còn lại đều có khả năng sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Riêng tỷ hệ hộ nghèo đa chiều đến nay chỉ còn 22,6%. Về xây dựng nông thôn mới, cũng hoàn thành 10/19 tiêu chí và quyết tâm về đích trong năm 2024.
“Xã tăng cường xây dựng, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng đội ngũ cán bộ gần gũi, cống hiến hết mình vì hạnh phúc của nhân dân. Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch. Quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chỉ số hạnh phúc cho người dân”, ông Huấn nói.
Xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái - quê hương của đội du kích Cổ Văn xưa giờ đây đã mang một diện mạo mới. Điều đó được thể hiện rõ nét qua việc người dân, cán bộ đảng viên đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm; những ngôi nhà sàn khang trang, những ngôi nhà xây kiên cố, đồng lúa của xã luôn bội thu trong hai mùa vụ. Đây là cơ sở để xã Mường Lai hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020- 2025.