Doanh nghiệp khai thác đá “tố” những khuất tất ở BOT đường chuyên dùng
VOV.VN - Con đường chuyên dụng không thể kết nối khiến hàng chục doanh nghiệp khai thác đá, doanh nghiệp vận tải phải dừng hoạt động.
Đã 8 ngày kể từ ngày đường Đinh Quang Ân – con đường dân sinh ra vào mỏ đá Tân Cang (xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bị người dân bức xúc lập rào chặn xe, đến thời điểm hiện tại, rào chắn vẫn còn. Trong khi đó con đường chuyên dụng dù thông báo hoàn thành, nhưng không thể kết nối khiến hàng chục doanh nghiệp khai thác đá, doanh nghiệp vận tải phải dừng hoạt động do mỏ đá bị cô lập.
Quá bức xúc, sáng 25/9, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đã tổ chức họp báo, bày tỏ sự bức xúc đối với cơ quan chức năng khi chậm chạp xử lý khiến doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề.
Đường Đinh Quang Ân đã bị người dân lập rào chắn 8 ngày khiến doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề.
Cuộc họp báo có sự tham dự của các doanh nghiệp khai thác mỏ, các doanh nghiệp vận tải chuyên chở vật liệu xây dựng và các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai.
Tại cuộc họp báo, các doanh nghiệp đang khai thác mỏ bức xúc cho rằng, hiện nay họ bị cô lập hoàn toàn, không có đường ra vào mỏ. Đường chuyên dụng thì dù ngành chức năng thông báo đã thông xe kỹ thuật vào ngày 15/9 vừa qua, nhưng thực tế mới chỉ thông xe được 2/3 toàn tuyến và cũng chỉ kết nối được 5 mỏ trong cụm mỏ Tân Cang, các mỏ còn lại buộc phải lưu thông theo đường Đinh Quang Ân như cũ nên vấp phải sự phản đối của người dân. Chưa kể, phòng Quản lý đô thị thành phố Biên Hòa đã nhanh chóng cho cắm biển cấm xe tải trên 2,5 tấn khiến xe không thể lưu thông. 8 ngày người dân chặn xe là 8 ngày hàng chục doanh nghiệp liên quan buộc dừng hoạt động, thiệt hại chưa thể tính toán hết.
Đối với đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng, ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) lên tiếng khẳng định: Có sự khuất tất trong việc đầu tư xây dựng con đường này. Vì con đường này vốn được quy hoạch từ năm những năm 2008, 2009, có sự thống nhất, đồng ý góp vốn làm đường của các doanh nghiệp tham gia khai thác mỏ.
Ông Bùi Thanh Trúc - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) bức xúc "tố" những khuất tất của BOT đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng. |
Tuy nhiên đến năm 2015 thì bất ngờ việc đầu tư xây dựng đường chuyên dùng được chỉ định cho Công ty An Thuận Phát (là liên danh giữa Hợp tác xã An Phát, chủ nhiệm là ông Đỗ Tịnh – chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - người có nhiều sai phạm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương - cùng với Công ty Cường Thuận IDICO). Đơn vị này vừa khai thác mỏ đá, vừa làm chủ đầu tư xây dựng BOT đường chuyên dùng, việc đầu tư xây dựng, giá thu phí không hề lấy ý kiến các mỏ khác.
Ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) nói: "Năm 2009, đường chuyên dùng này do các đơn vị khai thác trong khu vực cụm mỏ Tân Cang đóng góp để đầu tư làm tuyến đường. Đến năm 2014 - 2015, đường chuyên dùng này được chỉ định cho HTX An Phát do ông Đỗ Tịnh làm chủ đầu tư; không hề thông qua lấy ý kiến của các chủ mỏ: thứ nhất là về chi phí đầu tư, thứ hai là giá thu phí đối với sản lượng khai thác đối với các khu vực mỏ mà nhà nước đã cấp".
Theo tính toán của đại diện các mỏ đá, trữ lượng cấp phép khai thác của các mỏ là hơn 2 triệu m3/năm, nếu theo biểu phí đã được thông qua thì dự kiến doanh thu của trạm thu phí BOT đường chuyên dùng trong một năm lên tới hơn 175 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư của toàn dự án là hơn 130 tỷ theo giấy phép đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cấp cho Công ty An Thuận Phát. Như vậy, doanh nghiệp làm BOT lãi lớn, trong khi các doanh nghiệp khai thác và doanh nghiệp vận tải phải cõng thêm một số tiền không nhỏ khiến giá thành bị đội lên.
Ông Trần Phúc, đại diện mỏ đá 610 nói: "Tôi thử một phép toán rất đơn thuần, từ trữ lượng các mỏ đá thì một năm lấy được hơn 170 tỷ, mà đây là thu hơn 12 năm, một bài toán rất kinh khủng, số tiền lên tới mấy ngàn tỉ".
Ông Từ Nam Thành, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai trả lời bức xúc của doanh nghiệp.
Trả lời bức xúc của doanh nghiệp, ông Từ Nam Thành, Phó Giám đốc Sở Giao thông - vận tải tỉnh Đồng Nai cho rằng: Việc đầu tư xây dựng tuyến đường chuyên dùng theo hình thức BOT đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai thông qua, kể cá giá thu, thời gian thu phí cũng được thông qua đúng theo quy định của pháp luật. Còn việc cắm biển báo, phân luồng giao thông thì Sở Giao thông - Vận tải đã làm đúng trách nhiệm, việc thống nhất cắm biển báo thuộc nhiệm vụ của thành phố Biên Hòa.
Ông Thành nói: "Về mặt quản lý nhà nước, chuyên ngành thì sở Giao thông đã làm đúng theo nhiệm vụ được giao. Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa đã có văn bản thống nhất về việc cắm biển báo trên khu vực các tuyến đường. Để làm rõ vấn đề tham mưu thống nhất cắm biển báo thì đề nghị các đồng chí làm việc với thành phố Biên Hòa và phòng quản lý đô thị".
Ngoài ra, Sở Giao thông - Vận tải Đồng Nai cũng thông tin, giai đoạn 2 của dự án đường chuyên dùng vẫn đang được triển khai, khi hoàn thành sẽ đấu nối với đường Võ Nguyên Giáp (đường tránh thành phố Biên Hòa) tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác các mỏ đá khác lưu thông một cách thuận lợi.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp không đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải bởi câu trả lời của Sở không cho thấy hướng giải quyết được vấn đề là đến bao giờ có đường để doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sau nhiều ngày tê liệt vì bị cô lập, thiệt hại nặng nề./.