Doanh nghiệp nêu nhiều khó khăn, thắc mắc về quy chuẩn PCCC
VOV.VN - Tại cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, hơn 300 doanh nghiệp hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề trong và ngoài nước nêu ra nhiều ý kiến về những khó khăn và cả những thắc mắc về quy chuẩn PCCC
Cần hiểu đúng về quy chuẩn PCCC cho phép bệnh viện chỉ được sử dụng 9 tầng
Ngày 20/7, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) đã cùng với các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng, Liên đoàn Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đối thoại trực tiếp với gần 300 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề trong và ngoài nước để nhằm giải đáp các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.
Hoạt động nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hiểu và áp dụng các quy định pháp luật, các quy chuẩn - tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là đối với QCVN:06-2022/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, do Bộ Xây dựng ban hành; QCVN:03-2021/BCA - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy chữa cháy do Bộ Công an ban hành và TCVN 3890:2023 về phòng cháy chữa cháy – phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Liên quan đến câu hỏi của ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia 01 năm 2019 của Bộ Công an về việc chỉ cho phép xây bệnh viện không quá 9 tầng (tương đương 28m) dẫn tới rất khó thu hút đầu tư, xã hội hóa trong lĩnh vực Y tế, ông Cao Duy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng khẳng định, quy định về PCCC không cấm xây bệnh viện trên 9 tầng. Tuy nhiên sử dụng số tầng chữa trị cho bệnh nhân bắt buộc không được quá 9 tầng.
“Vì sao lại quy định như vậy, vì khi bệnh nhân vào chữa bệnh khả năng di chuyển thoát nạn sẽ rất kém, nhiều người không thể đi lại được. Thêm vào đó là đặc thù tại Việt Nam, mỗi người vào chữa bệnh sẽ có nhiều người đi theo chăm sóc dẫn tới số lượng người phát sinh sẽ đông. Quy định khu vực bệnh viện không quá 9 tầng là phù hợp với thế giới. Chủ dự án hoàn toàn có thể xây trên 9 tầng, phần từ tầng 10 trở lên có thể đăng ký, bố trí thành những khu vực hành chính, văn phòng”, ông Cao Duy Khôi nhấn mạnh.
Ông Cao Thiện Tâm (Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) đặt câu hỏi, đối với các cơ sở lưu trú kết cấu công trình, kiến trúc đã được thẩm duyệt trước khi có Nghị định mới có phải thay đổi, cải tạo lại để đáp ứng quy định mới hay không? Các đơn vị lưu trú trong khu du lịch đã có bể chứa nước rồi như bể bơi,…, có cần thiết phải xây bể chứa cứu hỏa nữa không. Trường học, có cần thiết phải làm hệ thống báo cháy tự động hay không khi chỉ có mấy bộ bàn, ghế, sẽ gây lãng phí.
Trả lời những câu hỏi này, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh (Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH) cho rằng, các cơ sở xây dựng trước luật, theo quy định sẽ giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến và có giải pháp phòng cháy chữa cháy.
“Cơ sở có bể chứa nước như bể bơi thì xem xét đến làm sao phải đảm có nước 4 mùa, đảm bảo đường cho xe chữa cháy vào làm nhiệm vụ và dung tích bể đảm bảo theo quy định thì sẽ không phải xây bể mới. Về cơ sở giáo dục theo quy định chỉ có trường hợp cao hơn 25m mới phải làm hệ thống chữa cháy tự động, vì vậy các trường học có số tầng dưới 25m thì không nhất thiết phải lắp đặt”, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh giải đáp.
Doanh nghiệp Việt Nam đang thụ động trong phản biện chính sách về PCCC
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương - Chủ tịch Hiệp hội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho biết, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp phải khó khăn về quy chuẩn PCCC. Riêng tháng 3, Hiệp hội này tiếp nhập 232 ý kiến, trong đó 74% vướng mắc liên quan đến quy chuẩn 06, 14% liên quan đến quy chuẩn 03 của Bộ Công an…
“Sau khi tổ chức nhiều cuộc đối thoại, gặp mặt giữa doanh nghiệp với những cơ quan quản lý chúng tôi đã tổng hợp góp ý tới Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan. Hiện các bộ ban ngành đang sửa đổi Nghị định 136, chậm nhất trong tháng 8 sẽ ban hành nội dung sửa đổi Nghị định 136. Trong thời gian tới Bộ Công an trình Chính phủ sửa đổi Luật PCCC theo hướng đơn giản hóa tối đa thủ tục, phân cấp tối đa cho các tỉnh thành”, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, hiện nay còn có những nội dung trong quy định về PCCC còn thiếu thực tế, đây cũng là khó khăn chung khi nhiều quốc gia trên thế giới cũng mắc phải.
“Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thụ động trong phản biện chính sách, ví dụ như chúng tôi tổng hợp nhiều cuộc đối thoại, hội thảo, hội nghị,…góp ý sửa đổi quy chuẩn về PCCC, các doanh nghiệp nước ngoài rất chủ động góp ý trong khi các hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam rất ít khi lên tiếng. Không nên chỉ chờ vấn đề quá phức tạp mới lên tiếng, mà hãy lên tiếng ngay từ những giai đoạn đầu trong xây dựng quy chuẩn của các cơ quan quản lý, để giúp doanh nghiệp thuận lợi trong nắm bắt thông tin hơn trong sản xuất…”, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương nhấn mạnh.