Độc đáo tục đón Tết của đồng bào Dao Thanh Phán
VOV.VN - Đồng bào Dao Thanh Phán ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh có phong tục tổ chức đón tết sớm hơn, bắt đầu từ 20 tháng chạp.
Khác với Tết cổ truyền của người Kinh và nhiều dân tộc khác, đồng bào Dao Thanh Phán ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh tổ chức đón tết sớm hơn, bắt đầu từ 20 tháng chạp. Ngay từ đầu tháng, từ người già đến trẻ nhỏ đã rạo rực, tất bật, chuẩn bị chu đáo để chào đón năm mới sau một năm miệt mài lao động. Đây là nét văn hóa đặc sắc riêng có của đồng bào Dao Thanh Phán nơi núi rừng Đông Bắc của Tổ quốc thân yêu.
Chuyến xe đầu tiên trong ngày xuất phát từ Hạ Long đưa chúng tôi vượt qua hơn 80 cây số đường rừng để đến với huyện miền núi Ba Chẽ. Hình ảnh đồi núi chập trùng, rừng keo xanh bao phủ, những ngôi nhà chìm trong cái giá lạnh của mùa đông, cái rét ngọt ngào như một lời chào nồng nàn tha thiết…Đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi cũng như bao đoàn người trên con đường về với Ba Chẽ.
Mâm cỗ cúng của người Ba Chẽ. (Ảnh: Mỹ Dung) |
Với đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán, cái Tết bắt đầu từ nhà lớn của đại gia đình dòng họ. Đây là cái Tết để tưởng nhớ về tổ tiên dòng họ, chưa có Tết ở nhà lớn xem như Tết không có ý nghĩa. Tùy vào điều kiện công việc mà mỗi họ thống nhất tổ chức đón Tết vào các ngày khác nhau, nhưng chủ yếu bắt đầu từ ngày 20 đến 22 tháng chạp, muộn nhất là ngày 25. Lễ vật để đón Tết tại nhà lớn cũng đơn giản chỉ là cây nhà lá vườn; mỗi gia đình đóng góp một vài món, nhà góp gà, nhà góp gạo, góp thịt, góp rượu... Sau Tết ở nhà lớn, các gia đình chọn một ngày đón tết riêng dành cho gia đình mình.
Vừa đi Tết bên nhà lớn dòng họ về, hồ hởi đón khách vào nhà anh Chíu Sồi Vông, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ chia sẻ: “Đã từ lâu lắm rồi, mỗi khi Tết về đầu tiên đều phải tổ chức ở nhà lớn đã. Cái Tết tổ chức ở nhà lớn quan trọng lắm. Dòng họ nào có Tết to, Tết nhỏ thế nào chủ yếu nhìn xem cái Tết ở nhà lớn tổ chức chu đáo, cẩn thận không chứ. Làm sơ sài, qua loa, người ta cười cho ấy chứ”.
Đồ cúng trong mấy ngày Tết của gia đình khá đơn giản: chuối, hoa quả, bánh chưng, gà, thịt lợn, cành hoa…Đặc biệt, lễ đón giao thừa được chuẩn bị rất chu đáo. Xúng xính trong những chiếc áo thêu, quần màu chàm mới vừa được may xong từ mấy hôm trước để diện tết, mọi người trong gia đình kính cẩn đứng trước bàn thờ tổ tiên, chủ nhà (nam giới - người đã được cấp sắc) thay mặt gia đình thắp 3 nén nhang trên bàn thờ tổ tiên rồi xin phép hạ bát nước xuống đưa cho mỗi người uống một ngụm để có thêm sức khoẻ.
Người Ba Chẽ hào hứng với các trò chơi đầu năm như đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt... (Ảnh: Mỹ Dung) |
Đặc biệt, ngay trong đêm giao thừa linh thiêng ấy, bà con vẫn giữ tục gõ trống, gõ mõ. Âm thanh vang vọng đất đất trời ấy như gửi gắm lời cầu may, cầu lộc của bà con cho một năm mới với nhiều niềm vui mới.
Người Dao Thanh Phán không kiêng kỵ, xem tuổi để xông nhà như phong tục thường thấy của dân tộc Kinh. Tết đến, mọi người rủ nhau đi thăm Tết các gia đình họ hàng, bạn bè. Họ gặp nhau và hát tặng nhau nghe những bài hát cầu mong cuộc sống tốt đẹp, mùa màng tốt tươi và nhất là khuyên dạy con cháu những truyền thống đạo lý .
Tết tại gia vui là thế, đến mùng 1, mùng 2 khi bắt đầu Tết truyền thống của dân tộc Kinh với việc thăm nội ngoại, họ hàng, thì đồng bào Dao Thanh Phán đã tập trung chơi các trò chơi dân gian: kéo co, đẩy gậy, ném còn. Bà con đồng bào quan niệm chơi càng nhiều càng vui, càng may cả năm. Với các trò chơi dân gian khá đơn giản, truyền thống nhưng luôn thu hút được sự quan tâm, vào cuộc nhiệt tình của đồng bào như khởi đầu, chào đón một năm bội thu.
Ông Nguyễn Công Quyền, phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền cho thế hệ trẻ, con em người Dao giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình để không bị mai một, từ trang phục, tiếng nói, nghi lễ, các nét văn hóa, đầu tư cho việc duy trì trang phục, mởi các lớp, đưa các hoạt động văn hóa tin ngưỡng của người Dao vào các hoạt động chung, lễ hội chung của xã, của huyện”.
Mùa xuân về, khép lại những lo toan bộn bề của cuộc sống, tạm gác lại những tháng ngày cần mẫn, cặm cụi với nương rẫy, người Dao Thanh Phán lại tổ chức đón Tết theo cách riêng của mình, bên cạnh những phong tục tập quán đã được lưu giữ bao đời nay, bà con dân tộc Dao càng tự hào khi những bản sắc văn hoá của dân tộc mình không bị mai một mà được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác một cách bền vững, đặc biệt là lớp trẻ vẫn nâng lưu, gìn giữ bản sắc đó./.