Đóng cửa nhà máy soda, lãnh đạo doanh nghiệp cao chạy xa bay

VOV.VN - Nhà máy soda Chu Lai đóng cửa để lại thực trạng môi trường ô nhiễm, những khoản nợ ngân hàng lớn và nợ lương công nhân.

Sau hơn 2,5 năm vào hoạt động, Nhà máy sản xuất soda Chu Lai nằm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam chính thức đóng cửa.

Chính quyền đang tìm nhà đầu tư khác để “tiếp quản” khu đất rộng 20 ha và tài sản trên đất mà Nhà máy sản xuất soda Chu Lai để lại. Trong khi đó, Ngân hàng cũng tiến hành các thủ tục kiện ra tòa vì doanh nghiệp còn nợ cả ngàn tỷ đồng, người dân địa phương thì gánh hậu quả về ô nhiễm môi trường.

Những ngày qua, đội bảo vệ gồm 14 người thuộc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Quảng Nam chia làm 2 tổ, túc trực 24/24 giờ tại cổng Nhà máy để quản lý toàn bộ tài sản bên trong. Người lao động mất việc làm, chủ doanh nghiệp thì “mất hút”, chỉ còn lại khối tài sản là những dây chuyền sản xuất bằng sắt thép bắt đầu hoen gỉ.

Quang cảnh vắng lặng bên trong hàng rào nhà máy soda Chu Lai.
Ông Nguyễn Song, đội bảo vệ của Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, được phân công trực tại nhà máy 2 ca, mỗi  ca 7 người không biết trong bao lâu. Hiện chỉ có xe ngân hàng vào ra nhà máy, xe lạ không được vào.

Nhà máy sản xuất soda Chu Lai được Công ty CP Sản xuất soda Chu Lai đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay từ các ngân hàng lên đến hơn 2.000 tỉ đồng. Riêng chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Tuyên Quang cho vay hơn 1.600 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) cho vay 400 tỉ đồng.

Ông Trương Thành Tiến, Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam cho biết, Tòa đã nhận đơn khởi kiện từ Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Quảng Nam. Hiện Tòa án tỉnh đang làm việc với ngân hàng và Công ty CP Sản xuất soda Chu Lai để làm rõ các tình tiết liên quan. Ông Tiến cho biết, theo quy định của pháp luật, về trình tự và thủ tục, thời hạn giải quyết vụ việc chậm nhất là 3 tháng, tối đa là 6 tháng.

“Hiện Tòa án đang thu thập tất cả các chứng cứ do các bên cung cấp. Căn cứ theo hồ sơ cho vay vốn cũng như tài sản đang thế chấp, Thẩm phán đang trực tiếp phụ trách để xem xét. Số tài sản còn lại các bên sẽ thống nhất, nếu có yêu cầu thẩm định, định giá, Tòa án sẽ tiến hành xem xét theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự”, ông Tiến nêu rõ.

Sau 5 năm đầu tư với trang thiết bị có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc, tháng 6/2015, Nhà máy sản xuất soda Chu Lai đi vào hoạt động, đến tháng 8/2016 phải tạm dừng do gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, người dân phản đối quyết liệt.

Trong thời gian hoạt động, nguồn nước thải từ bên trong nhà máy xả thẳng ra môi trường làm sông hồ bị ô nhiễm trầm trọng, cá chết trắng hồ suốt thời gian dài. Mỗi lần cá chết, người dân lại kéo đến cổng nhà máy bao vây, không cho nhà máy hoạt động.

Doanh nghiệp này từng bị xử phạt vi phạm hành chính về ô nhiễm môi trường với số tiền hơn 700 triệu đồng. Tỉnh Quảng Nam cũng đã có Văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu nhà máy soda Chu Lai tạm dừng hoạt động để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Nguyễn Tấn Trong, ở thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, hiện nay trong Nhà máy còn tồn đọng lượng muối khổng lồ, do không được bảo quản kỹ nên đã chảy nước, thấm vào lòng đất làm nhiễm mặn các giếng nước của người dân sống gần nhà máy.

“Trước đây nước giếng uống ngọt nhưng hiện nay nước bị mặn uống không được. Trâu, bò gần khu vực nhà máy cũng bị long mồm lở móng rất nhiều, đề nghị cấp trên có phương án để xử lý môi trường bớt ô nhiễm”, ông Trong đề nghị.

Nhà máy soda Chu Lai ô nhiễm môi trường suốt thời gian hoạt động.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, từ thất bại của Nhà máy sản xuất soda Chu Lai, tỉnh đang chỉ đạo rà soát các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Tất cả những dự án “nhạy cảm” với môi trường đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai xây dựng.

“Trước hết dự án phải phù hợp với quy hoạch, phải được giám sát chặt chẽ về đầu tư công nghệ cho môi trường. Nhà máy soda hiện đang dừng hoạt động, nếu có nhà đầu tư mới cần phải tiến hành xử lý môi trường bằng công nghệ thật tốt mới có thể tiếp tục hoạt động”, ông Thu nêu ý kiến.

Công ty CP Sản xuất soda Chu Lai do ông Nguyễn Thái Dũng làm Tổng Giám đốc. Việc đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất soda Chu Lai theo như cam kết của ông Dũng trước đó là sẽ cung cấp cho ngành sản xuất sản xuất công nghiệp Việt Nam lượng soda đáng kể, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu 500.000 tấn soda mỗi năm.

Lúc đó, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng đã mạnh miệng tuyên bố sẽ giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động địa phương. Thế nhưng kể từ ngày đóng cửa nhà máy đến nay, lãnh đạo công ty này đã cao chạy xa bay, hàng trăm lao động bị nợ lương, mất việc làm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quốc hội sẽ giám sát chặt hoạt động của Nhà máy Giấy Hậu Giang
Quốc hội sẽ giám sát chặt hoạt động của Nhà máy Giấy Hậu Giang

VOV.VN - Chừng nào nhà máy đảm bảo các yêu cầu nước thải ra không ảnh tới cuộc sống, nước sinh hoạt, nguồn nước cung cấp cho ĐBSCL thì mới cho phép sản xuất.

Quốc hội sẽ giám sát chặt hoạt động của Nhà máy Giấy Hậu Giang

Quốc hội sẽ giám sát chặt hoạt động của Nhà máy Giấy Hậu Giang

VOV.VN - Chừng nào nhà máy đảm bảo các yêu cầu nước thải ra không ảnh tới cuộc sống, nước sinh hoạt, nguồn nước cung cấp cho ĐBSCL thì mới cho phép sản xuất.

Bộ trưởng Công Thương: Sẽ đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm môi trường
Bộ trưởng Công Thương: Sẽ đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm môi trường

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu kiên quyết đóng cửa nhà máy nếu gây ô nhiễm môi trường.

Bộ trưởng Công Thương: Sẽ đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm môi trường

Bộ trưởng Công Thương: Sẽ đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm môi trường

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu kiên quyết đóng cửa nhà máy nếu gây ô nhiễm môi trường.

Niêm phong đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm môi trường ở Bà Rịa-Vũng Tàu
Niêm phong đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm môi trường ở Bà Rịa-Vũng Tàu

VOV.VN -Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ niêm phong nhà máy dệt nhuộm theo yêu cầu của Công ty TNHH MeiSheng Textiles Việt Nam vào ngày 10/5.

Niêm phong đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm môi trường ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Niêm phong đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm môi trường ở Bà Rịa-Vũng Tàu

VOV.VN -Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ niêm phong nhà máy dệt nhuộm theo yêu cầu của Công ty TNHH MeiSheng Textiles Việt Nam vào ngày 10/5.