Dự án 600 trí thức trẻ: Sự vào cuộc của cả xã hội

(VOV) - Có được kết quả bước đầu, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của các trí thức trẻ, có sự quan tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị

Cách đây 2 năm, dự án thí điểm 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã tại 63 huyện nghèo trong cả nước được khởi động đã tạo được sự quan tâm rất lớn của dư luận, đặc biệt là thế hệ trẻ. Có thể nói đây là bước đột phá trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, là sự tin tưởng, bố trí và sử dụng đối với trí thức trẻ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Sau khi tuyển chọn, đến tháng 10/1012, đã có 580 trí thức trẻ được chọn đến các xã vùng cao để làm Phó Chủ tịch xã, vì có 20 xã đã bố trí đủ 2 Phó Chủ tịch nên chỉ còn 580 xã được bổ sung thêm 1 Phó Chủ tịch xã.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, sau 2 năm triển khai thực hiện, 580 đội viên bước đầu đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, trong đó có nhiều đội viên được đánh giá là hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Các Phó Chủ tịch xã tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 dự án thí điểm 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã tại 63 huyện nghèo

Có được kết quả bước đầu như vậy, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của các đội viên, có sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành. Ngay trong thời gian đầu, khi các trí thức trẻ mới về xã công tác, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp đi khảo sát tại một số xã của huyện Hà Quảng và Thông Nông của tỉnh Cao Bằng. Phó Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban ngành, lãnh đạo của 5 huyện nghèo và 44 đội viên Dự án của tỉnh Cao Bằng để nắm bắt tình hình và có ý kiến chỉ đạo kịp thời để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án.

Theo kế hoạch 3 tháng một lần, Bộ Nội vụ yêu cầu đội viên Dự án báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, có văn bản hướng dẫn để giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, lúng túng trong phân công, giao nhiệm vụ và giải quyết chế độ chính sách cho đội viên bảo đảm đúng quy định của nhà nước.

Bí thư, Chủ tịch xã cũng xuống ruộng

Góp phần vào thành công bước đầu của dự án là sự ủng hộ, quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền và nhân dân của 62 huyện và 580 xã mà các đội viên về công tác.

Trí thức trẻ Vũ Thị Chiến, Phó Chủ tịch xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa kể rằng, những ngày đầu về xã công tác, nhiều đêm cô nằm ôm gối khóc vì chưa xác định được mình sẽ triển khai công việc như thế nào, bà con thì chưa tin vào khả năng của một người còn quá trẻ như cô. Nhưng nhờ sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là những người đứng đầu ở xã  Giao Thiện đã giúp cô tự tin hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lãnh đạo xã đã phân công cán bộ chỉ đạo điểm xuống tận thôn, bản, cùng ra đồng làm với bà con. Kể cả các Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã đến tất cả cán bộ xã, thôn, bản đều ra ruộng, tạo thành một cuộc thi đua trong toàn xã, được bà con phấn khởi và tin tưởng.

Chiến kể một kỷ niệm khó quên với cô là khi vừa nhận nhiệm vụ được nửa tháng, cô được phân công làm Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão của xã. Khi mới nhận nhiệm vụ được vài ngày thì toàn huyện Lang Chánh, trong đó có xã Giao Thiện phải đối phó với cơn lũ lịch sử ngày 6/9/2012. Các thôn trong xã bị chia cắt hoàn toàn, mất điện, mất phương tiện liên lạc, nước lũ lại dâng quá nhanh khiến cô vô cùng hoang mang. Nhưng được sự động viên, đôn đốc thường xuyên của Chủ tịch xã, Chiến đã bình tĩnh và kịp thời xử lý các tình huống xấu xảy ra. Vì thế, trong trận lũ ấy, xã Giao Thiện không bị thiệt hại về người. Cô đã được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.

Trí thức trẻ Đặng Phúc Long, Phó Chủ tịch xã Phìn Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Báo cũng cho biết, những thành công bước đầu trong nhiệm vụ được giao của Long có sự giúp đỡ rất lớn của các ngành, các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cơ sở. Khi trúng tuyển về làm Phó Chủ tịch xã Phìn Hồ, Long cũng như 580 đội viên tham gia dự án được Bộ Nội vụ mở lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước và có những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời.

“Khi về huyện, chúng tôi nhận được sự quan tâm của thường trực huyện ủy, HĐND, UBND huyện về điều kiện sinh hoạt, chỗ ăn, nghỉ. Chính đồng chí Bí thư huyện ủy và các lãnh đạo trong UBND đã dạy chúng tôi, cung cấp cho chúng tôi những thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện, các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và có lời khuyên bổ ích cho chúng tôi trước khi về xã. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở xã, tôi luôn nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo xã, nhất là Chủ tịch xã. Ông đã giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực của bản thân tôi trong từng thời điểm và luôn có sự hướng dẫn kiểm tra, giám sát. Vì thế tôi đã có sự trưởng thành hơn trong công tác”- Long tâm sự.

Ông Lò Văn Nện, Bí thư Đảng ủy xã Mường Đun, Tủa Chùa, Điện Biên, nơi có trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã cho rằng, chủ trương tăng cường trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã được lãnh đạo xã và bà con ở đây nhiệt tình hưởng ứng. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng xã đã cố gắng tạo điều kiện cho Phó Chủ tịch xã về điều kiện ăn ở, làm việc. Xã cũng đã tạo điều kiện cử đội viên tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn để nâng cao nghiệp vụ và công tác quản lý Nhà nước cho đội viên. Trong thời gian làm việc ở xã, đội viên đã phát huy được năng lực, tham gia chỉ đạo sản xuất trên địa bàn, cùng với cán bộ huyện, xã hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phó Bí thư xã cũng đã tham mưu với lãnh đạo xã tổ chức các chương trình văn hóa như tổ chức cho nhân dân vui Tết nguyên đán, tham gia thi đấu các môn thể thao giữa các thôn, vừa góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc, vừa tạo mối quan hệ khăng khít giữa các thôn.

Phía trước còn nhiều thử thách

Tuy bước đầu “dự án 600” đã đạt được một số kết quả, nhưng trước mắt vẫn là chặng đường dài với rất nhiều khó khăn. Nhiều trí thức trẻ tâm sự rằng, kiến thức trang bị ban đầu cho mỗi đội viên còn hạn chế nên họ khá khó khăn trong công tác điều hành. Cùng với đó, nhiều người cũng lo lắng rằng, theo quy định, mỗi trí thức trẻ sẽ công tác ở các xã nghèo 3-5 năm, nhưng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ sẽ bắt nhịp với cuộc sống mới ở nơi khác như thế nào, hay nhiều người lập nghiệp ở ngay nơi mình công tác thì họ sẽ được tạo điều kiện như thế nào…

Trí thức trẻ Ninh Thị Kim Thảo, Phó Chủ tịch xã bản Xen, Mường Khương, Lào Cai mong muốn Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, xem xét giải quyết chế độ, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để Thảo cũng như các đội viên dự án yên tâm công tác, phát huy được hết khả năng của mình. Nguyện vọng của Thảo và nhiều trí thức trẻ mong được thường xuyên có các lớp tập huấn, để các bạn cập nhật thông tin, kiến thức, kinh nghiệm mới nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác ở địa phương.

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh  cũng cho rằng, dự án 600 vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trước hết là do đa số đội viên Dự án chưa có kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động quản lý nhà nước ở cấp xã, chưa có kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế và đời sống của người dân. Một số đội viên chưa chủ động và mạnh dạn tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện công việc được giao… Cùng với đó, hầu hết cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có đội viên Dự án về công tác chưa có hướng quy hoạch, đào tạo, bố trí và sử dụng đội viên Dự án sau khi hoàn thành nhiệm vụ nên phần nào tác động đến tư tưởng của đội viên Dự án và cán bộ, công chức ở xã. Đa số đội viên Dự án chưa là đảng viên nên không có điều kiện tham dự các cuộc họp của cấp ủy để nắm bắt chủ trương và các thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chức danh Phó Chủ tịch xã…

Tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 dự án thí điểm 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã tại 63 huyện nghèo trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Để thực hiện tốt chương trình thí điểm, các Bộ, Trung ương Đoàn, các địa phương cùng nhau thống nhất đây là dự án nhằm tăng cường nguồn nhân lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp cũng như nhân dân có trách nhiệm tạo môi trường, tạo điều kiện để cán bộ trẻ được khẳng định, được cống hiến, được trưởng thành từ thực tiễn. Đây là nơi đào tạo cán bộ cho Đảng, cho hệ thống chính trị. “Phải nhận thực rõ yêu cầu này để có quan tâm, chỉ đạo đúng mức. Trong đó, phải hết sức tạo điều kiện cho các đội viên hoàn thành nhiệm vụ, không chỉ là nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh hoạt mà còn là giao việc, hướng dẫn, giúp đỡ các đội viên”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trực tuyến giải đáp về chương trình “600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã”
Trực tuyến giải đáp về chương trình “600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã”
600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã: Trải lòng của nữ "quan xã" 22 tuổi
600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã: Trải lòng của nữ "quan xã" 22 tuổi

Với một môi trường sống hoàn toàn mới, thậm chí khắc nghiệt, liệu Mai và các bạn trẻ có đủ nhiệt huyết để thích nghi?

600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã: Trải lòng của nữ "quan xã" 22 tuổi

600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã: Trải lòng của nữ "quan xã" 22 tuổi

Với một môi trường sống hoàn toàn mới, thậm chí khắc nghiệt, liệu Mai và các bạn trẻ có đủ nhiệt huyết để thích nghi?

Chương trình “600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã”
Chương trình “600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã”

Buổi trực tuyến diễn ra vào 15h ngày 29/3 với sự tham gia của lãnh đạo Trung ương Đoàn, Bộ Nội vụ và các trí thức trẻ đã tham gia trải nghiệm làm Phó Chủ tịch xã…

Chương trình “600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã”

Chương trình “600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã”

Buổi trực tuyến diễn ra vào 15h ngày 29/3 với sự tham gia của lãnh đạo Trung ương Đoàn, Bộ Nội vụ và các trí thức trẻ đã tham gia trải nghiệm làm Phó Chủ tịch xã…

Cao Bằng đánh giá kết quả thực hiện dự án 600 trí thức trẻ
Cao Bằng đánh giá kết quả thực hiện dự án 600 trí thức trẻ

(VOV) - Các đội viên đều nhiệt tình, khắc phục khó khăn nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân

Cao Bằng đánh giá kết quả thực hiện dự án 600 trí thức trẻ

Cao Bằng đánh giá kết quả thực hiện dự án 600 trí thức trẻ

(VOV) - Các đội viên đều nhiệt tình, khắc phục khó khăn nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân