Dự án cao tốc Bắc -Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau đang bị chậm tiến độ
VOV.VN - Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau theo kế hoạch phải hoàn thành công tác đắp nền chậm nhất vào tháng 6/2024 để dỡ tải vào tháng 4/2025, hoàn thành móng, mặt đường vào tháng 10/2025. Tuy nhiên, tất cả đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Trong Nghị quyết của Chính phủ, dự án này phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 30/6/2023. Đến nay, báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, các địa phương đã quyết liệt triển khai, đã bàn giao mặt bằng tuyến chính được 108,97110,8km đạt 98,3%. Thực tế mặt bằng sạch để triển khai thi công đạt 92,6%, còn 6,3km chưa thể tiếp cận thi công.
Ngoài ra, Dự án Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau có 8 khu tái định cư, trong đó 3 khu có sẵn (Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau mỗi tỉnh 1 khu) và 5 khu đang triển khai xây dựng (Hậu Giang 4 khu, Kiên Giang 1 khu).
Phía Bộ GTVT đánh giá, công tác triển khai xây dựng khu tái định cư còn chậm. Tỉnh Hậu Giang dự kiến bàn giao trong tháng 7/2023, tỉnh Kiên Giang dự kiến hoàn thành cuối năm 2023; công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là di dời đường điện cao thế vẫn gặp khó khăn do thủ tục phức tạp, liên quan nhiều cơ quan, đơn vị.
Trên cở sở đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung giải quyết đứt điểm các vướng mắc để bàn giao phần mặt bằng cho Dự án Cao tốc đoạn Cần Thơ-Cà Mau trong tháng 7 này.
Đề cập đến tiến độ dự án, ngay sau khi khởi công toàn bộ 4 gói thầu (vào ngày 1/1/2023), trên cơ sở mặt bằng được các địa phương bàn giao (72%), Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung tối đa nguồn lực để tổ chức thi công với mục tiêu năm 2023 sẽ hoàn thành 35% giá trị hợp đồng.
Hiện, các nhà thầu đã tổ chức 128 mũi thi công (57 mũi thi công cầu, 71 mũi thi công đường), tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, do khó khăn về nguồn vật liệu đắp, giá trị sản lượng đến nay chỉ đạt 5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5% (theo kế hoạch sáu tháng đầu năm phải đạt 10%).
Yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu "xắn tay" vào cuộc
Trước đó, tại buổi kiểm tra hiện trường, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đã nghe Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công báo cáo kết quả thực hiện, các khó khăn vướng mắc, ý kiến của các đơn vị tham gia.
Về công tác tổ chức thi công, Bộ GTVT đánh giá cao sự cố gắng của các đơn vị, chỉ trong thời gian ngắn, mặc dù điều kiện địa hình chia cắt, khó khăn về nguồn vật liệu đắp nhưng huy động máy móc, thiết bị, nhân vật lực để triển khai thi công tại 46/102 cầu đã bàn giao mặt bằng đủ điều kiện triển khai thi công, tiến hành đào bóc hữu cơ các đoạn tuyến.
Tuy nhiên, nhìn chung, tiến độ triển khai còn chậm, chưa đáp ứng kế hoạch, công tác tổ chức thi công chưa khoa học, chưa tập trung triển khai hệ thống đường công vụ để tiếp cận vào các vị trí thi công cầu.
"Công tác huy động của một số nhà thầu còn chậm như: Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C, Công ty 36, Tân Nam, Trường Sơn, Công ty 620, Vạn Cường; Công ty 492…", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhắc nhở.
Để bảo đảm kế hoạch thi công cũng như giải ngân nguồn vốn đã bố trí, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung triển khai thi công các hạng mục cầu, các công trình không phụ thuộc nguồn vật liệu cát đắp nền.
Cụ thể, đến nay, các nhà thầu đã chủ động mua 0,5 triệu m3 từ nguồn cát thương mại, cùng với 0,37 triệu m3 cát đã được tỉnh Đồng Tháp cung cấp để triển khai thi công hệ thống đường công vụ, tập trung đào bóc hữu cơ.
“Theo kế hoạch phải hoàn thành công tác đắp nền chậm nhất vào tháng 6/2024 để dỡ tải vào tháng 4/2025, hoàn thành móng, mặt đường vào tháng 10/2025, hoàn thành toàn bộ các cầu trong năm 2024. Dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cần phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương ưu tiên thực hiện giải phóng mặt bằng đối với các vị trí đường tiếp cận công trường, đường công vụ, vị trí công trình cầu để sớm tổ chức thi công.
Đồng thời, chỉ đạo nhà thầu phối hợp với chính quyền địa phương, vận động, hỗ trợ việc tháo dỡ, di dời cây cối vật kiến trúc để thi công ngay khi người dân đồng ý bàn giao mặt bằng.
Về công tác tổ chức thi công, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cần chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát lập lại tiến độ thi công chi tiết các gói thầu phù hợp với tình hình thực tế về mặt bằng, đường tiếp cận thi công và nguồn vật liệu cát đắp, điều kiện thời tiết, đảm bảo tính khả thi, kèm theo yêu cầu về việc huy động máy móc thiết bị, nguồn lực tài chính, trình tư vấn giám sát, ban quản lý dự án chấp thuận gửi về Bộ GTVT theo dõi, đôn đốc.
"Với các nhà thầu chậm trễ trong việc huy động máy móc thiết bị, tổ chức thi công cần thực hiện ngay các biện pháp xử lý theo đúng hợp đồng ký để đảm bảo việc hoàn thành theo kế hoạch", lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề nghị.
Đặc biệt, đối với việc tổ chức thi công đường công vụ phải đảm bảo không để xảy ra tình trạng nhà thầu thi công cầu phải chờ đợi do không có đường tiếp cận công trường.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cùng nhà thầu chủ động làm việc với các địa phương, thống nhất việc điều phối nguồn vật liệu đắp, đẩy nhanh các thủ tục nâng công xuất mỏ, mở mỏ mới, cũng như phân bổ nguồn vật liệu cho từng đơn vị, đảm bảo việc tổ chức thi công hợp lý trên công trường.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo nhà thầu tập trung, đẩy nhanh tiến độ triển khai các đoạn tuyến thi công thí điểm bằng nguồn liệu cát biển, hoàn thành đưa vào khai thác trong tháng 6/2023, tổ chức theo dõi, đánh giá kết quả và báo cáo, đề xuất kiến nghị kịp thời phương án triển khai tiếp theo.
"Đối với nhà thầu thi công, thực hiện nghiêm trách nhiệm của nhà thầu thi công theo các nội dung công việc nêu trên. Tư vấn giám sát, giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục mọi công đoạn thi công của nhà thầu, đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu, cũng như tính độc lập, khách quan, minh bạch trong đánh giá chất lượng thi công các hạng mục. Tư vấn giám sát cần thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của hợp đồng, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và chủ đầu tư trong công tác giám sát công trình", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu.
Dự án Cao tốc đoạn Cần Thơ-Cà Mau có tổng chiều dài 110,8km tuyến chính và 25,9km tuyến nối, quy mô phân kỳ 4 làn xe rộng 17m. Tổng mức đầu tư 27.523 tỷ đồng.
Dự án này đi qua địa phận 5 tỉnh, thành phố bao gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và chia thành 2 dự án thành phần gồm đoạn Cần Thơ-Hậu Giang chiều dài 37,7km tuyến chính và 9,3km tuyến nối với tổng mức đầu tư 10.370 tỷ đồng. Đoạn Hậu Giang-Cà Mau chiều dài 73,2km tuyến chính và 16,6km tuyến nối với tổng mức đầu tư 17.152 tỷ đồng.